phá tan âm mưu xâm lược của quân Mông Cổ vào thế kỷ 13 một phần nhờ những cơn sóng thần - Ảnh: TWITTER
Từ lần đầu xuất hiện trong các ghi chép lịch sử của người Trung Quốc, mà điển hình là nhị thập tứ sử, đất nước Nhật Bản hiện ra với không ít câu chuyện thú vị.
Nhắc đến lịch sử huy hoàng của xứ Phù Tang, không thể không nhắc tới chiến thắng hai lần trước đế chế Mông Cổ vào các năm 1274 và 1281, nhờ những trận cuồng phong trên biển (không chỉ thua Nhật Bản, đội quân Mông Cổ còn thua đau Đại Việt ta 3 lần, trong khi họ đã thu phục gần như toàn bộ châu Á và châu Âu).
Nhắc tới lịch sử Nhật Bản là phải nhắc tới thời kỳ Edo (1603-1868), khi quốc gia này tách biệt với thế giới trong hơn 2 thế kỷ vì chính sách "tỏa quốc". Để rồi, khi Nhật Bản tham gia vào các cuộc thế chiến kinh hoàng của nhân loại, một loạt câu chuyện lịch sử đầy thú vị tiếp tục nối dài.
Tuổi Trẻ Online điểm một số câu chuyện được coi là "điên rồ" nhất trong lịch sử Nhật Bản:
Ăn thịt là trọng tội
Từ giữa thế kỷ 7, Nhật Bản thi hành một lệnh cấm ăn thịt, mà kéo dài cho tới hơn 1.200 năm sau đó. Có lẽ chịu ảnh hưởng bởi giới luật Phật giáo về việc cấm sát sinh, năm 675, Thiên hoàng Tenmu đã ban hành sắc lệnh cấm ăn thịt bò, khỉ, gà, chó và nhiều động vật khác, ai vi phạm sẽ bị xử tử.
Người Nhật từng một thời gian dài bị cấm ăn thịt - Ảnh: MAYAINCAAZTEC.COM
Lệnh cấm ban đầu được thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 1-4 cho tới 30-9 hằng năm vì lý do tôn giáo. Nhiều quy định khắt khe hơn tiếp tục được ban hành sau đó.
Những tiếp xúc với các nhà truyền giáo phương Tây đã phổ biến hóa việc ăn thịt trở lại vào thế kỷ 16. Người dân bản địa cho rằng những bữa ăn có nhiều thịt của những người châu Âu cao to là biểu hiện của sự tiến bộ. Mặc dù một lệnh cấm khác đã được đưa ra vào năm 1687, một số người Nhật vẫn tiếp tục ăn thịt.
Đến năm 1872, Nhật Bản đã chính thức dỡ bỏ lệnh cấm. Theo tờ Business Insider, vào ngày 24-1 năm đó, Thiên hoàng Minh Trị đã công khai ăn thịt lần đầu tiên, cho phép người dân khắp nước Nhật noi theo ngài.
Thế chiến 2: Nhật gần như không đầu hàng
Vào ngày 15-8-1945, Nhật Hoàng Hirohito tuyên bố Đế quốc Nhật đầu hàng lực lượng Đồng minh vô điều kiện trong một bài diễn văn có tên Gyokuon Hoso, phát thanh khắp cả nước. Bài diễn văn không được phát trực tiếp, mà thật ra đã được thu âm từ tối ngày hôm trước.
Người dân Nhật lau nước mắt trong lúc quỳ nghe bài diễn văn của Nhật Hoàng Hirohito từ đài phát thanh ngày 15-8-1945 - Ảnh: KYODO
Theo Kyodo, ẩn nấp bên dưới một boongke trong hoàng cung, Nhật Hoàng Hirohito tối 14-8 đã thu âm tuyên bố đầu hàng hai lần bằng micro. Ông nói rằng Nhật Bản chấp nhận những điều kiện kết thúc chiến tranh mà khối Đồng minh - trong đó có Liên Xô, Mỹ, Anh - đã soạn thảo trong Tuyên bố Potsdam.
Cũng trong đêm Nhật Hoàng thu âm tuyên bố, một nhóm sĩ quan phản loạn, dẫn đầu là Thiếu tá Kenji Hatanaka, đã tiến hành đảo chính và chiếm hoàng cung ở Tokyo. Họ lục soát khắp nơi hòng chiếm lấy đoạn băng ghi tuyên bố đầu hàng của Nhật Hoàng Hirohito. Tuy nhiên, nỗ lực tìm kiếm bất thành.
Một cách kỳ diệu, đoạn băng đã được tuồn ra ngoài thành công bên trong một chiếc giỏ đựng đồ giặt, mặc dù nhóm phản loạn đã kiểm tra những người rời khỏi hoàng cung. Dẫu thế, Hatanaka vẫn không từ bỏ hy vọng. Ông rời hoàng cung và tiến thẳng tới một trạm phát thanh gần đó bằng xe đạp.
Trong đêm đó, Hatanaka muốn phát thông điệp trực tiếp nhưng không may trạm phát thanh trên gặp các trục trặc về kĩ thuật. Cuối cùng, ông quay lại hoàng cung và tự sát ngay phía trước tòa nhà.
"chém đại" để thử kiếm
Ở nước Nhật thời trung cổ, đó là sự sỉ nhục đối với một samurai nếu thanh kiếm của chiến binh này không thể chém xuyên qua cơ thể của đối thủ trong một lần ra tay. Việc biết được chất lượng thanh kiếm cực kỳ quan trọng đối với một samurai và do đó, họ phải thử kiếm trước khi xung trận.
Ảnh: EDOFLOURISHING.BLOGSPOT.COM
Các chiến binh samurai thường thử kiếm trên cơ thể những tên tội phạm hay các xác chết. Tuy nhiên, có một cách đánh giá sự sắc bén của lưỡi kiếm được gọi là tsujigiri (tử trảm hay chém giết ở ngã tư).
Theo đó, các samurai sẽ dùng kiếm chém ngẫu nhiên vào những người đi bộ ở các ngã tư vào ban đêm. Đến thời kỳ Edo (1603-1868), nhiều cái chết liên quan tới tsujigiri vẫn được tìm thấy.
Cắt tai và mũi để làm chiến tích
Theo trang Listverse (Anh), dưới thời nhà lãnh đạo Toyotomi Hideyoshi (1537-1598) - nhân vật được xem là "người thống nhất vĩ đại" thứ hai của nước Nhật, Nhật Bản đã xâm lược Triều Tiên hai lần trong giai đoạn 1592-1598.
Mặc dù cuối cùng rút toàn bộ quân về nước, Nhật Bản đã gây ra một cuộc chiến tàn bạo, với số người Triều Tiên thiệt mạng lên tới con số 1 triệu.
Mộ tai Mimizuka - Ảnh: TWITTER
Lúc bấy giờ, chuyện các chiến binh Nhật Bản lấy đầu kẻ thù về làm chiến tích không có gì là lạ lẫm. Tuy nhiên, vì vận chuyển thủ cấp về nước bằng đường biển vốn khó khăn, các chiến binh Nhật Bản đã dùng cách khác để lập chiến tích: Cắt tai và mũi của kẻ thù.
Nơi để lưu giữ những chiến công rùng rợn này là những ngôi "mộ tai" và "mộ mũi". Mimizuka, một ngôi "mộ tai" ở Kyoto, đã chứa hàng chục ngàn "chiến lợi phẩm" của quân Nhật.
Một ngôi mộ khác ở thành phố Okayama chứa 20.000 cái mũi. Số mũi từ ngôi mộ này đã được trao trả cho bán đảo Triều Tiên vào năm 1992 và được hỏa táng sau đó.
Những cô y tá nhí
Tháng 4-1945, quân Đồng minh mở cuộc tấn công nhằm vào đảo Okinawa của Nhật. Cuộc chiến đẫm máu kéo dài 3 tháng đã cướp đi sinh mạng của hơn 200.000 người, trong đó có 94.000 người là thường dân trên đảo Okinawa.
Trong số này là một nhóm nữ sinh có tên Tập đoàn học sinh Himeyuri, gồm hơn 200 nữ sinh trong độ tuổi từ 15-19. Đế quốc Nhật đã ép buộc họ làm các y tá để phục vụ cuộc chiến.
Ảnh: CALVARYCHAPELE3MISSIONS.BLOGSPOT.COM
Lúc đầu, các "y tá nhí" này làm việc tại một bệnh viện quân đội trên đảo, nhưng được di dời vào các hang động sau đó để tránh mưa bom của phe Đồng minh.
Họ chăm sóc các binh sĩ Nhật, tiến hành thủ thuật cắt cụt và chôn xác người chết. Khi quân Mỹ giành ưu thế, các nữ sinh này được yêu cầu không đầu hàng. Thay vào đó, họ được yêu cầu dùng lựu đạn để tự sát.
Nhật Bản suýt có bom nguyên tử
Hai quả bom nguyên tử ném xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki đã gây sốc Nhật Bản và thế giới vào tháng 8-1945. Tuy nhiên, có một nhà khoa học Nhật Bản dường như đã không quá ngạc nhiên với thảm cảnh này.
Đó là nhà vật lý Yoshio Nishina. Ông đã lo ngại về các cuộc tấn công dùng bom nguyên tử như vậy từ năm 1939. Vị này là người đứng đầu chương trình vũ khí hạt nhân đầu tiên của Nhật Bản, bắt đầu nghiên cứu từ tháng 4-1941.
Năm 1943, một ủy ban do ông Nishina dẫn đầu đã kết luận rằng chế tạo một quả bom nguyên tử là chuyện khả thi, nhưng thật sự quá gian nan, thậm chí đối với Mỹ cũng như vậy. Lúc bấy giờ, Nhật Bản tiếp tục xúc tiến nghiên cứu và một chương trình khác có tên "Dự án F-Go" đã được ra đời, do nhà vật lý Bunsaku Arakatsu dẫn đầu.
Hai quả bom nguyên tử tạo thành đám mây hình nấm khổng lồ trên bầu trời Hiroshima (trái) và Nagasaki (phải) sau khi được máy bay Mỹ thả - Ảnh: WIKIPEDIA
Không chương trình nào thành công, nhưng ai biết được cục diện Thế chiến 2 sẽ thế nào nếu Đế quốc Nhật chế được bom nguyên tử trước Mỹ?
Theo cây bút người Mỹ nổi tiếng Robert K. Wilcox, Nhật Bản đã có đủ kiến thức để chế tạo bom nguyên tử, vấn đề chỉ là thiếu các nguyên liệu. Tháng 5-1945, một tàu ngầm của phát xít Đức được cho chở 540kg uranium oxide đã bị Hải quân Mỹ bắt giữ khi đang trên đường đi tới Tokyo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận