25/07/2015 10:30 GMT+7

Những nhịp cầu hữu nghị

SƠN LÂM - VIỄN SỰ
SƠN LÂM - VIỄN SỰ

TT - Ở vùng biên giới Tây Nam, những xóm làng cặp theo đường biên giới tuy không cùng một quốc gia nhưng luôn xem nhau là những người láng giềng gần gũi, cùng gắn bó mưu sinh.

Ông Khom Mon, người ở xã Crua, huyện Svay Chrum, tỉnh Svay Rieng (Campuchia), trò chuyện với biên phòng Việt Nam trên cây cầu Hữu Nghị 1 Ảnh: SƠN LÂM
Ông Khom Mon, người ở xã Crua, huyện Svay Chrum, tỉnh Svay Rieng (Campuchia), trò chuyện với biên phòng Việt Nam trên cây cầu Hữu Nghị 1 - Ảnh: Sơn Lâm

Nhiều nhịp cầu hữu nghị của Việt Nam đã được xây dựng ở biên giới Tây Nam, càng thắt chặt thêm tình thân của những xã liền kề của hai nước.

Thay chuyến đò tay

Đúng 6g sáng, ông Khom Mon, người xã Crua, huyện Svay Chrum, tỉnh Svay Rieng, đã đứng đợi sẵn ở đầu cầu Hữu Nghị 1 phía đất Campuchia.

Cùng đứng với ông Khom Mon là hơn mười người khác. Người xe máy, người xe đạp, người đi bộ, tất cả họ đang chờ để qua cầu Hữu Nghị 1, bắt đầu một ngày làm việc bình thường trên đất xã Khánh Hưng, Vĩnh Hưng, Long An.

Cầu mở cửa, ông Khom Mon và những người khác đi nhanh qua, chứng minh nhân dân đã cầm sẵn trên tay, ông đưa cho anh Lê Minh Khiết, cán bộ trạm biên phòng Cả Trốt, thuộc Đồn biên phòng Bến Phố, Long An.

Anh Khiết liếc nhanh qua tấm chứng minh nhân dân của ông Khom Mon rồi nói nhanh một câu tiếng Campuchia. Ông già Khom Mon cười trả lời anh Khiết bằng một câu tiếng Việt hẳn hoi: “Đúng! Đúng! Cảm ơn cán bộ”.

Thấy chúng tôi ngơ ngác trước câu “ngoại ngữ”, anh Khiết cười giải thích: “Ông này quen rồi, thấy ông từ bên kia cầu là mình đã ghi vô sổ sẵn. Câu nói khi nãy là hỏi lại ông đi đến trưa rồi về như mọi hôm phải không?”.

Sau ông Khom Mon, những người khác lần lượt qua cầu, có người vắt vẻo trên chiếc xe đạp nhắm thẳng hướng... bờ ruộng đạp thẳng ra vùng đồng xa tít tắp của xã Khánh Hưng.

Năm nay 71 tuổi, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Crua, ông Khom Mon qua lại với dân xã Khánh Hưng từ những ngày nơi đây bắt đầu có làng. Ông Khom Mon bảo bây giờ có cầu rồi khỏe quá, chứ hồi trước để từ Crua qua Khánh Hưng làm ăn ông phải đi từ lúc mặt trời chưa lên cho đến lúc cao quá cây thốt nốt cả hai gang tay.

Tiếp nối câu chuyện của ông, anh Nguyễn Văn Hóa, trạm trưởng trạm Cả Trốt, cho biết thêm trước khi cây cầu Hữu Nghị 1 được xây, bà con hai bên phải qua lại trên một chuyến đò kéo dây bằng tay.

Người đưa đò lúc đó phải lần tay theo một sợi dây thừng vắt ngang qua sông Cái Cỏ để đưa đò qua lại. Con đò mỗi lần từ bờ này qua bờ kia phải mất hơn 10 phút mà chỉ chở được tối đa 2 xe máy. Ký ức của ông Khom Mon về con đò vẫn đầy đủ, nhưng có lẽ điều ông nhớ nhất chính là việc “phải chờ hai bên bờ lâu lắm”.

Ký ức của ông Khom Mon khác với thực tế hôm nay, chỉ chờ tới 6g sáng mở thanh chắn cầu là ai cũng có thể chạy xe máy thẳng qua một mạch. Hôm nay nhà ông Khom Mon có đám tiệc, ông chỉ qua chợ Khánh Hưng mua đồ về chuẩn bị. Ông cười khà khà nói với chúng tôi một câu được các anh biên phòng dịch lại là: “Như đò tay hồi xưa thì con cá mua về tới nhà đã ươn rồi”.

Cho bạn cũng là cho mình

Anh Nguyễn Văn Hóa - trưởng trạm biên phòng Cả Trốt, phụ trách việc kiểm soát qua lại cầu - cho biết cầu được mở cửa từ 6-18g hằng ngày.

“Không được ở lại qua đêm, và chỉ người có giấy chứng minh nhân dân thuộc hai xã Khánh Hưng và Crua mới được làm thủ tục qua lại cầu”.

Theo anh Hóa, hằng ngày trung bình chỉ khoảng 50 lượt người Campuchia từ xã Crua qua cầu, chủ yếu để đi mua trái cây mà bên đất họ không có như mít, chuối... và đi nhổ cỏ thuê, khám bệnh. Người Việt mình thì qua chủ yếu để bán cá, bán tôm.

Nhưng đặc biệt tới mùa cấy giặm, có ngày hơn trăm lượt người dân lao động từ xã Crua qua Khánh Hưng. Cánh đồng vùng Tháp Mười ở xã Khánh Hưng đã kéo kịp tay cấy, theo kịp con nước rút nhờ 3 nhịp cầu Hữu Nghị 1.

Ông Phạm Văn Cảnh - giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Long An, đơn vị trực tiếp tham gia công tác xúc tiến chủ trương và hoàn thành cây cầu Hữu Nghị 1 - cho biết có lẽ đây là một trong những cây cầu có thời gian “xin” chủ trương nhanh nhất.

Tháng 8-2006, tỉnh cho phép lập dự án đầu tư. Tháng 5-2007, hai tỉnh Long An và Svay Rieng làm việc với nhau về tình hình biên giới và nói chuyện cây cầu. Phía tỉnh Svay Rieng đồng ý ngay.

Chuyện hoàn tất thủ tục để khởi công cầu xong nhanh ngay sau buổi làm việc duy nhất đó. “Long An và Svay Rieng có biên giới chung là sông, kênh rạch rất nhiều, các vị lãnh đạo trung ương ngay sau khi nghe tỉnh Long An trình bày đã đồng ý cho kinh phí để xây dựng cầu”, ông Cảnh kể lại.

Tháng 8-2009 khởi công, tháng 3-2012 người dân hai xã Khánh Hưng và Crua đã có thể qua lại trên cây cầu 3 nhịp dài gần 63m, rộng 9m với tổng mức đầu tư hơn 8 tỉ đồng.

“Cây cầu chỉ dành cho người dân hai xã Crua và Khánh Hưng. Trước khi có cầu Hữu Nghị 2, có lẽ nó là cây cầu liên xã lớn nhất nước” - anh Nguyễn Văn Hóa cười sảng khoái.

Cây cầu Hữu Nghị 2 mà anh Hóa nhắc đến cách cầu Hữu Nghị 1 hơn 10km, vừa được khánh thành vào ngày 27-4-2015, nối hai xã Hưng Điền, Tân Hưng, Long An và xã Chàm, huyện Com Pung T’roBek, tỉnh Prey Veng qua dòng kênh Cái Cỏ. Cầu Hữu Nghị 2 dài hơn 80m, rộng 4,5m với tổng mức đầu tư hơn 10 tỉ đồng.

Trong buổi lễ khánh thành cây cầu này, ông Đỗ Hữu Lâm - chủ tịch UBND tỉnh Long An - khẳng định: “Có cây cầu này, giao thông giữa 2 tỉnh Long An và Prey Veng tại cửa khẩu phụ huyện Tân Hưng và cửa khẩu Svai À Ngong, huyện Com Pung T’ro Bek sẽ được xuyên suốt, tạo giao thương buôn bán trao đổi hàng hóa giữa nhân dân hai nước và thắt chặt thêm tình hữu nghị. Chính vì lý do đó, lần này tỉnh Long An đã cố gắng tự cân đối ngân sách tỉnh để xây dựng vì lợi ích chung của bà con hai nước”.

Không chỉ ở Long An, những nhịp cầu hữu nghị giữa Việt Nam và Campuchia đang tiếp tục được xây dựng trên khắp tuyến biên giới Tây Nam.

Ngày 14-1-2014, tại tỉnh Kandal, Campuchia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã phát lệnh khởi công dự án xây dựng cầu Long Bình - Chray Thum nối liền hai tỉnh An Giang và Kandal.

Đây là công trình hạ tầng giao thông chiến lược nối liền hai quốc gia trên biên giới Tây Nam, dài 439,6m, rộng 13,5m với tổng mức đầu tư hơn 38,39 triệu USD.

Trong đó Việt Nam huy động tín dụng trị giá gần 19 triệu USD để giúp Chính phủ Campuchia xây dựng phần cầu phía Campuchia.

Tháng 7, trời biên giới nóng như đổ lửa nhưng kỹ sư, công nhân cả Việt Nam và Campuchia đều làm tăng ca 24/24 giờ để kịp tiến độ hợp long.

Kỹ sư Bùi Xuân Chín, giám sát trưởng công trình phía Việt Nam, cho biết dự kiến trong tháng 8-2015 gói thầu phía Việt Nam sẽ hợp long.

Phía Campuchia dù có chậm hơn vì khởi công sau nhưng cũng đang ra sức đẩy tiến độ để có thể thông xe cầu Long Bình - Chray Thum vào đầu năm 2016.

__________

Kỳ tới: Vượt lũ cứu người bên kia biên giới

SƠN LÂM - VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên