12/08/2019 15:10 GMT+7

Những cậu bé đá bóng quên bất hạnh cuộc đời

KHƯƠNG XUÂN
KHƯƠNG XUÂN

TTO - Đá bóng cho em niềm vui, giúp em quên đi những bất hạnh mà số phận mang đến. Lần đầu tiên những cậu bé mồ côi, lang thang cơ nhỡ... được cùng nhau thi đấu, giao lưu tại Giải bóng đá quốc gia cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt 2019.

Những cậu bé đá bóng quên bất hạnh cuộc đời - Ảnh 1.

Pha tranh bóng đẹp mắt trong Giải bóng đá trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đang diễn ra tại Hà Nội - Ảnh: VIỆT HẢO

Những ngày này (từ 4 đến 14-8) tại Cung thể thao Quần Ngựa Hà Nội đang diễn ra vòng chung kết Giải bóng đá quốc gia cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt 2019 do Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, báo Nhi Đồng và các đơn vị liên quan lần đầu tổ chức.

Những cậu bé không biết mặt cha mẹ

13 tuổi, chỉ nặng 28kg đó là chân dung cậu bé Đoàn Trung Nguyên đến từ Làng trẻ mồ côi tỉnh Hà Tĩnh. Sinh ra trong một gia đình nông thôn nghèo khó, 3 tuổi Nguyên mồ côi mẹ, sau đó bố em cũng bỏ đi biệt tích. Ở tuổi 13, Nguyên không nhớ mặt cha mẹ sinh ra mình và chỉ biết đến các mẹ đã chăm sóc em ở Làng trẻ mồ côi Hà Tĩnh.

Nhìn cậu bé đen nhẻm, gầy gò ít ai biết Trung Nguyên đã trải qua những năm tháng cơ cực, thiếu thốn từ vật chất đến tinh thần. Và bóng đá đã giúp Nguyên vơi đi những mất mát của cuộc đời. Chơi ở vị trí tiền vệ phải của đội bóng Làng trẻ mồ côi Hà Tĩnh, Nguyên mơ ước một ngày sẽ trở thành tuyển thủ của đội tuyển Việt Nam.

Trung Nguyên chia sẻ: "Em thần tượng anh Quang Hải và mong ước sẽ trở thành cầu thủ như anh ấy. Ngoài bóng đá, em vẫn cố gắng học văn hóa khi 6 năm em đều là học sinh giỏi. Hằng ngày đi học về mỗi chiều chúng em tham gia đội bóng đá cùng các bạn ở Làng trẻ mồ côi Hà Tĩnh. Đây là lần đầu tiên em được ra Hà Nội nhờ đi đá bóng".

Đến từ Tây Nguyên xa xôi, Phan Thành Phát là cầu thủ của đội bóng Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Gia Lai. Phát năm nay cũng 13 tuổi và có hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Cha mất từ khi lên 7 tuổi, một mình mẹ em phải nuôi 7 người con, Phát là con thứ 5.

Quá khó khăn, mẹ đã gửi Phát và một anh trai vào Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh để có chỗ ăn học. Nếu không, giờ này Phát có thể đã là cậu bé lang thang đi mót cà phê, hồ tiêu ở Tây Nguyên.

Phát tâm sự: "Mẹ em quanh năm đi mót cà phê, hái tiêu, rửa bát thuê cho người ta để có tiền nuôi các anh chị em trong nhà. Khi được đưa vào trung tâm, em có chỗ ăn học và được đá bóng.

Nhờ có đá bóng nên em cũng lần đầu tiên được vào TP.HCM để tham dự vòng loại giải đấu và lần này là ra Hà Nội dự vòng chung kết. Đây là lần đầu em được đến thăm lăng Bác Hồ, Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Hôm trước ở TP.HCM em đã được gặp anh Văn Toàn, Văn Thanh (HAGL)...".

Giải đấu đặc biệt cho những cầu thủ đặc biệt

Vòng chung kết Giải bóng đá cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn lần đầu tiên được tổ chức với sự tham dự của gần 200 cầu thủ của 16 đội đến từ các làng trẻ em SOS, trung tâm bảo trợ xã hội, trường giáo dưỡng trên cả nước thuộc Bộ Công an, TP.HCM, Khánh Hòa, Quảng Bình, Hà Nội...

Các cầu thủ nhí có độ tuổi 11-14, hầu hết mồ côi cha mẹ, lang thang cơ nhỡ đang sinh sống tại các cơ sở trợ giúp xã hội trên toàn quốc.

Nhà báo Nguyễn Phan Khuê - tổng biên tập báo Nhi Đồng, thành viên BTC giải đấu - cho biết: "Bên cạnh việc tham dự giải bóng đá, BTC bố trí để đưa các em đi tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử nơi các em đến thi đấu.

Tổ chức giải bóng đá cho những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là mong muốn được Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và báo Nhi Đồng thiết tha muốn được tổ chức từ rất lâu. Tuy nhiên kinh phí tổ chức giải là vấn đề rất khó khăn, rất may sau ngày khai mạc vòng loại, BTC đã huy động được đủ 6 tỉ đồng để tổ chức giải đấu...".

Cơ hội để phát hiện tài năng bóng đá

Tham dự VCK của giải có 16 đội đã vượt qua vòng loại. Nhà vô địch của giải sẽ nhận được 30 triệu đồng tiền thường, 20 triệu đồng cho đội đứng thứ hai và 10 triệu đồng cho đội đứng thứ ba.

Theo báo cáo của Bộ Lao động - thương binh và xã hội, hiện cả nước có 26 triệu trẻ em (dưới 16 tuổi), trong đó có 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt: mồ côi, khuyết tật, lang thang, lao động sớm... Bên cạnh đó có 2,5 triệu trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt như nghèo đói, bị buôn bán, bắt cóc, bị lạm dụng...

Bà Nguyễn Thị Hà, thứ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội, cho biết mục tiêu của giải đấu là thể hiện sự quan tâm của chính quyền, xã hội với những mảnh đời bất hạnh. Đó cũng là cơ hội để phát hiện tài năng bóng đá, góp phần đào tạo nên những cầu thủ chuyên nghiệp trong tương lai cho bóng đá Việt Nam.

Các trung tâm đào tạo bóng đá trẻ VN còn thiếu điều gì?

TTO - Theo bạn đọc Hà Phương, bóng đá Việt Nam được thành công như hôm nay có công sức rất lờn từ hai trung tâm đào tạo HA.GL và Hà Nội T&T. Tuy nhiên, hai trung tâm này chỉ mới đóng vai trò... 'nền nhà'. Vì sao?

KHƯƠNG XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên