Ông Trần Văn Trung (xã Thới Bình, huyện Thới Bình, Cà Mau) giữa ruộng lúa bị thiệt hại nặng nề do nước mặn xâm nhập cao chưa từng thấy Ảnh: Tấn Thái |
Mưa ít, nước ngọt cạn kiệt từ 1-2 tháng nay đã khiến mặn xâm nhập sớm, sâu vào trong đất liền với độ mặn cao hơn trung bình nhiều năm.
Chỉ mới giữa tháng 12 nhưng nhiều con kênh thủy lợi trên địa bàn huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) như tuyến kênh Năm Việt, Bà Tài đã hết nước.
Bên ngoài, độ mặn trên sông Tiền đã vượt ngưỡng 5‰ (cùng kỳ năm 2014 là 1-2‰) nên không thể lấy nước vào kênh tưới tiêu cây trồng. Trên những cánh đồng được xem như thủ phủ lúa gạo của huyện là xã Phú Thạnh, Phú Đông, nhiều mảnh ruộng lúa chết khô, nứt nẻ.
Trong tương lai, những năm nước thấp như vậy phải lo trữ nước trước để sử dụng cho mùa khác. Còn hiện tại chỉ biết chờ khả năng thời tiết bất thường, có mưa mới mong cứu giúp được nông dân |
Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh |
Thiệt hại nặng nề
Bà Phạm Thị Tiết - 80 tuổi, ngụ ấp Bãi Bùn, xã Phú Thạnh - buồn bã cho biết bà sống ở đây từ nhỏ nhưng chưa thấy năm nào mặn xâm nhập lại đến sớm và khốc liệt như năm nay.
Mọi năm phải tháng 3, tháng 4 nước mặn từ ngoài cửa sông, sát biển mới tràn vào đây, nhưng nay mới tháng 12 mặn đã xâm nhập tận chân ruộng. Nói rồi bà chỉ tay về mảnh ruộng hơn 7.000m2 của mình lý giải vụ này bà đã cấy giặm đến ba lần nhưng do mưa ít, nước mặn về tưới lên ruộng thì cây lúa như bị khựng lại, không lớn.
“Bảy công lúa chứ đâu có ít, vậy mà tui chỉ gặt được độ 10 giạ lúa (1 giạ là 40 lít, khoảng 40kg lúa), trong khi những vụ trước mỗi công thu hoạch 29-30 giạ. Mà lúa thu hoạch được cũng chỉ để cho gà vịt ăn chứ xay ra đâu có gạo đâu, lép xẹp à” - bà Tiết nói.
Ông Nguyễn Tấn Hùng, chủ tịch UBND xã Phú Thạnh, cho biết toàn xã có 720ha đất trồng lúa, trong vụ này bà con đã xuống giống hơn 600ha. Đến nay đã có 400ha mất trắng do khô hạn, nhiễm mặn, số diện tích còn lại khoảng 220ha nhiều khả năng sẽ mất trắng do hết nước tưới.
Tương tự, đi quanh những cánh đồng trên địa bàn huyện Thạnh Phú (Bến Tre), chúng tôi bắt gặp rất nhiều người dân đang lúi húi gặt lúa với vẻ mặt rầu rĩ. Nhìn những cánh đồng lúa xác xơ, thưa thớt và những bông lúa đứng chong thẳng lên trời mới hiểu được nỗi buồn của người dân.
Tại ấp Giang Hà, xã An Điền, ông Năm Nhân (Nguyễn Văn Nhân, 54 tuổi, người có kinh nghiệm hàng chục năm trồng lúa) ôm những bó lúa nhẹ hẫng trên tay than thở: “Chưa năm nào lúa thất như năm nay.
Mỗi công chỉ thu hoạch được 2 -3 giạ lúa, trong khi những năm trước gần 30 giạ. Tình hình mặn xâm nhập mỗi năm càng gay gắt hơn nên đời sống bà con nông dân cũng khổ, héo quắt theo những mùa lúa thất bát, chết cháy. Rầu quá!”.
Đi dọc tuyến đường xuyên Á qua địa phận huyện Thới Bình (Cà Mau), chúng tôi bắt gặp nhiều cánh đồng lúa trên đất nuôi tôm bị ngả sang màu vàng, đọt rũ xuống và chết dần. Nông dân cho biết chưa năm nào thiệt hại nặng nề như năm nay.
Cánh đồng 15ha của ông Trương Hiếu Thuận ở xã Bình Giang, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang bị thiệt hại khoảng 80% năng suất do thiếu nước ngọt - Ảnh: Ngọc Tân |
Thiếu nước ngọt
Ngoài việc lo lắng trong sản xuất nông nghiệp, tình trạng nhiễm mặn cũng đang hoành hành các huyện ven biển nên nhiều người sợ sẽ bị thiếu nước ngọt sinh hoạt trầm trọng và phải mua với giá cắt cổ.
Chị Nguyễn Thị Trâm - ngụ huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre - cho biết tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt tại địa phương này không còn là chuyện lạ. Tuy nhiên trong năm 2015 tình trạng này càng gay gắt hơn, nước mưa cũng khan hiếm hơn những năm trước.
Còn theo bà Lý - người dân tại xã Bình Thắng (Bình Đại), gia đình bà thường xuyên phải mua nước ngọt từ các ghe bán lại với giá cao, có những thời điểm giá nước 300.000 - 400.000 đồng/m3. Bà Lý nói như than: “Năm nay mưa ít, trữ lượng nước ngọt của người dân không đáng kể nên sắp tới chúng tôi cũng chưa biết phải tính sao”.
Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bến Tre, nguyên nhân thiếu nước sinh hoạt tại huyện Bình Đại nói riêng và một số huyện ven biển khác nói chung do mặn xâm nhập sâu các kênh nội đồng (có nơi độ mặn trên 2‰) gây ảnh hưởng đến nguồn nước thô cung cấp cho các nhà máy nước, trạm cấp nước trên địa bàn. Trên địa bàn tỉnh Bến Tre có khoảng 85.000 hộ với hơn 345.000 người thiếu nước sạch sử dụng.
Tương tự, vấn đề nan giải nhất hiện nay của huyện Tân Phú Đông không gì khác là làm thế nào cung cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân. Ông Trương Văn Châu, chánh văn phòng UBND huyện Tân Phú Đông, cho biết việc tìm nguồn nước tưới cho sản xuất nông nghiệp khó một thì chuyện giải quyết nước tiêu dùng, sinh hoạt hằng ngày của người dân khó gấp mười.
Ông Lê Trung Thành - giám đốc Xí nghiệp Thủy nông huyện Trà Cú (Trà Vinh) - cũng không khỏi lo lắng cho biết: “Hiện huyện đã phải đóng bảy cống nhằm ngăn chặn nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền, trong khi đó tới đây Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải sẽ lấy nước từ kênh 3-2 về hoạt động. Nếu thật vậy thì tình trạng thiếu nước sản xuất sẽ diễn ra dữ dội bởi kênh 3-2 cung cấp nước chủ yếu cho bà con…”.
ĐBSCL: mặn xâm nhập sâu, kéo dài đến tháng 5-2016
Theo dự báo của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, mùa khô năm 2015-2016 là năm có khả năng mặn xâm nhập sớm, sâu và kéo dài tại các vùng cách biển 25 - 35km. Từ tháng 12 mặn có khả năng vượt quá 4 g/lít và từ tháng 1-2 trở đi, các vùng này gần như không có khả năng lấy nước ngọt từ cửa sông. Các vùng cách biển 45 - 65km từ tháng 1-2016 đến tháng 4, tháng 5-2016 có khả năng bị nước mặn cao hơn 4 g/lít xâm nhập. Nếu mưa đến chậm, xâm nhập mặn có thể kéo dài đến tháng 6-2016. Như vậy, mùa khô 2015-2016 mặn sẽ đến sớm từ tháng 12-2015, xâm nhập sâu và kéo dài suốt mùa đến tận tháng 4, tháng 5-2016. Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh (Văn phòng công tác biến đổi khí hậu TP Cần Thơ) dự báo năm nay chắc chắn tình hình xâm nhập mặn sẽ căng thẳng, gay gắt hơn mọi năm bởi mưa ít, nước từ thượng nguồn sông Mekong về thấp. Cùng chung nhận xét, theo ông Đoàn Tân Triều - phó giám đốc Sở NN&PTNT Trà Vinh, thường những năm trước vào cuối tháng 12 mặn mới xuất hiện, nhưng năm nay cuối tháng 11 mặn về sớm, độ mặn cũng lên nhanh và rất cao. Trên sông Cổ Chiên độ mặn đo được trên 3‰ (cùng kỳ năm trước là 1-2‰). Trên sông Hậu lên đến 5‰. Mặn cũng xâm nhập sâu trong đất liền hơn 35km. Thêm nữa, theo phân tích của ông Triều, năm 2015 do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên mùa mưa đến trễ và kết thúc sớm, mùa lũ năm nay thuộc năm lũ cực nhỏ (ở mức lịch sử)... là những nguyên nhân dẫn đến thiếu hụt nước ngọt. |
Nước không còn là của... trời cho TS Lê Anh Tuấn (phó viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu Đại học Cần Thơ) cho rằng do năm nay mực nước trên sông Mekong thấp hơn mức lịch sử năm 1998, trong khi đó mực nước biển hiện tại lại dâng cao hơn thời điểm đó cùng với vùng ven biển có biểu hiện nước mặn vô nhiều. Chính vì vậy, thời gian tới tình hình mặn xâm nhập sâu vào đất liền còn nghiêm trọng hơn. “Việc đối phó với hạn trong đất liền, mặn xâm nhập là vô cùng khó, trong khi các giải pháp đối phó hiện nay ở ĐBSCL chỉ mang tính tình thế để giảm thiệt hại ở mức tối đa có thể” - TS Tuấn nhận định. TS Tuấn cũng cho rằng việc làm cống ngăn ở các kênh thủy lợi hiện nay chỉ trữ nước trong giai đoạn ngắn, nếu hạn kéo dài thì cũng “chết”. Vì vậy trong bối cảnh hiện nay cần khuyến cáo nông dân không nên quá tập trung nước cho việc trồng lúa mà ưu tiên nước cho sinh hoạt là chính, nếu còn nước thì cũng nên trồng các loại cây ngắn ngày, chịu được hạn mà theo ông, “cần phải tiết kiệm nước vì nước không phải “trời cho” như trước đây nữa rồi”. Ngoài ra, TS Tuấn cũng đề xuất: Trước mắt phải tìm giải pháp trữ nước tối đa ở những nơi có thể trữ được nước. Cần tận dụng những trận mưa cuối mùa thời gian tới để trữ nước tối đa ở kênh mương. Về lâu dài cần bổ sung những công trình kênh mương có thể trữ nước tối đa. Tiếp đến là có sự chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp phù hợp theo hướng dùng ít nước lại. Hiện các địa phương cũng đang thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, giảm diện tích lúa sang trồng cây khác nhưng chưa gắn với việc này. “Còn lâu dài hơn nữa cần thực hiện chuyển nước lũ xuống mạch nước ngầm nhằm bổ cập mạch nước ngầm để mùa khô thì rút lên xài. Phương án này tốn kém và đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng các nước như Úc, châu Âu đã làm rồi” - ông Tuấn nói thêm. Ngoài ra, ông Tuấn cũng đề xuất thêm cần có chính sách để nhà khoa học nghiên cứu tìm giống cây chịu hạn, mặn hay phương pháp tưới tiết kiệm nước. Hiện các nhà khoa học có nghiên cứu cái này nhưng kinh phí rất ít, rất khó làm toàn diện, bài bản. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận