48 năm hòa bình, chợt ai đó hỏi: Sài Gòn đã thay đổi nhiều nhất ở đâu? Câu trả lời bật ra: các cửa ngõ thành phố.
Đúng như thế rồi. Sài Gòn xưa những khu trung tâm hoa lệ, những quận vùng ngoài sầm uất, vùng ngoại ô nhà tranh đồng ruộng, các cửa ngõ thành phố lại thêm hoang vu vì chiến tranh chà xát.
Mấy mươi năm, thành phố nở rộng, những vùng ngoại ô xưa nay là khu dân cư mới, khu công nghệ cao, đại lộ, cao ốc, biệt thự, đường metro… Có thể chưa thỏa như mơ ước nhưng đã hẳn là một cuộc đổi đời, lột xác.
48 năm hòa bình. Ống kính của Tuổi Trẻ mời bạn đọc lướt qua những cửa ngõ, ôn lại những câu chuyện…
An Lạc
Khi kể về hành trình từ Cần Thơ lên Sài Gòn ngày 28-4-1975 để góp phần vào hòa bình, góp phần gìn giữ một Sài Gòn nguyên vẹn, chuẩn tướng Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Hữu Hạnh cho biết quốc lộ 4 nối Sài Gòn - miền Tây khi đó đã bị cắt đứt ở nút Long An, cả khu cửa ngõ này thành một bãi xe - vũ khí - người ngổn ngang tắc nghẽn, người dân phải băng đồng băng ruộng tìm cách di chuyển, lội sông tìm ghe, thuyền…
Nguyễn Hữu Hạnh đã phải rẽ sang Mỹ Tho - Gò Công mới tìm được đường vào đô thành. Ngày nay cửa ngõ An Lạc vẫn đông đúc ngược xuôi nhưng giao thông đã được tiếp sức bằng cao tốc TP.HCM - Trung Lương, đại lộ Võ Văn Kiệt...
Bưng Sáu xã
Khu công nghệ cao: Sa bàn thể hiện khu vực bưng sáu xã (Long Trường, Phú Hữu, Phước Long, Tăng Nhơn Phú, Bình Trưng, An Phú) ngày xưa: một màu xanh mịt mùng của rừng dừa nước, cỏ năn, gò tràm, đầm lầy, sông rạch chằng chịt.
Trong màu xanh ấy là nơi ẩn náu, hoạt động của những người bám đất, đấu tranh cho một ngày hòa bình thống nhất, trên đầu là bom pháo muốn xóa trắng vành đai Sài Gòn.
Và hôm nay, nơi đây là một đô thị trẻ, vạm vỡ, sung sức. Kênh rạch có cầu. Bờ thửa có đại lộ. Đồng ruộng nhiễm phèn đã thành khu công nghệ cao, khu dân cư cao cấp, trường đại học… Hòa bình đã mang đến sự thay đổi.
An Sương
Nhà văn Bảo Ninh viết về ngày hòa bình đầu tiên, ngày đầu tiên anh bộ đội miền Bắc vào Sài Gòn: "Hòa bình rồi.
Như trẩy hội. từ Hóc Môn đổ về, bùng binh Lăng Cha Cả, đường Trương Minh Ký, đường Võ Tánh, ngã tư Bảy Hiền, dân chúng dạt khỏi vùng chiến sự nay trở về, nườm nượp…".
Những địa danh thân thương ấy hôm nay cũng nườm nượp người xe nhưng đã và đang khoác những tấm áo mới…
Cầu Rạch Chiếc
48 năm trước, nơi đây là chiến trường cuối cùng của cuộc chiến tranh. Để mở được cửa ngõ quan trọng này, Lữ đoàn đặc công biệt động 316 đã chiến đấu suốt hai ngày đêm, 52 chiến sĩ đã phải nằm lại trước khoảnh khắc hòa bình.
Cầu xưa dài chưa đầy 150m, cầu nay rộng dài gấp 5 lần, phân làn phân nhánh riêng biệt mới đáp ứng nổi những dòng xe xuôi ngược ra vào, lao động hết mình để thành phố phát triển.
Cầu Bình Triệu - Quốc lộ 13
Nhiều ngày trước 30-4-1975, quốc lộ 13 đã là con đường rút lui của quân lực Việt Nam Cộng hòa, mặt đường ngổn ngang súng đạn, quân trang, quân dụng, cầu Bình Triệu cùng cầu Sài Gòn đều đã bị xin lệnh phá hủy để cản đường quân giải phóng…
Ngày nay, cầu Bình Triệu 2 đã được xây dựng song song cầu cũ, cửa ngõ phía đông thành phố rộng mở rỡ ràng…
Củ Chi
Trước 30-4-1975, Củ Chi được dân Sài Gòn biết đến bằng mật danh "R". Đến hôm nay, Củ Chi vẫn nổi tiếng với địa đạo dung chứa những bí mật của cuộc chiến tranh và sức mạnh bền bỉ của người Việt Nam.
Du khách đến thăm địa đạo sẽ được khám phá những bí mật của 48 năm trước và còn được chứng kiến cuộc thay da đổi thịt của hôm nay…
Nhà Bè - Quận 7
Mới 30 năm trước, qua cầu Tân Thuận là mịt mùng đồng chua rừng lá, rải rác những xóm nhà, xóm chợ cắm ven sông. 48 năm hay trăm năm trước cũng vẫn là như vậy.
30 năm đổi thay của quận 7 - Nhà Bè đã bắt đầu bằng Khu chế xuất Tân Thuận, Khu công nghiệp Hiệp Phước, đô thị Phú Mỹ Hưng, và giờ đây Nhà Bè đã sẵn sàng với diện mạo và sức bật của một đô thị mới, nối dài bước tiến của TP.HCM ra Biển Đông…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận