07/01/2020 10:40 GMT+7

Những 'cánh bồ câu' không mỏi - Kỳ 2: Cô gái "công dân toàn cầu"

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TTO - Cô gái học bác sĩ đa khoa Đỗ Phạm Nguyệt Thanh được biết đến là gương mặt nổi trội trong các hoạt động giao lưu thanh niên, sinh viên quốc tế. Đến nỗi mỗi lần lên trang cá nhân, người ta lại cảm giác như nay Thanh ở nước này, mai ở nước khác...

Những cánh bồ câu không mỏi - Kỳ 2: Cô gái công dân toàn cầu - Ảnh 1.

Nguyệt Thanh chia sẻ kinh nghiệm trở thành tình nguyện viên và tham gia các hoạt động quốc tế thanh niên với bạn trẻ - Ảnh: Q.L.

Nguyệt Thanh truyền cảm hứng cho các bạn trẻ trong việc chủ động tích lũy kiến thức, kỹ năng, trau dồi ngoại ngữ để sẵn sàng hội nhập, trở thành công dân toàn cầu.

Anh LÊ HOÀNG MINH (trưởng Ban quốc tế Thành đoàn TP.HCM)

Trên từng cây số

Thanh thích đi. Mỗi chuyến đi luôn đầy háo hức và nhiều bài học. Thanh nhớ lần đến Ấn Độ, suốt nửa tháng cùng ăn, cùng ở với thiếu sinh quân, sống như một người lính. Không điện thoại, không Internet, không email. Mọi thứ diễn ra phía sau cánh cổng doanh trại quân đội, gần như tách biệt với thế giới bên ngoài và những bài học kỷ luật quân đội làm Thanh nhớ mãi.

Nhưng chuyến đi khiến Thanh khó quên nhất là 21 ngày hoạt động tình nguyện tại Malaysia. Thanh cùng các bạn đến từ nhiều nước được đưa tới một đảo khá lớn của Malaysia, rồi chia thành đội về sống tại nhiều ngôi làng.

Đội của Thanh ở làng đánh cá Beladin. Không nhiều người nói được tiếng Anh, còn cả đội lại không ai biết tiếng bản địa. Họ gặp được ai nói chút ít tiếng Anh mừng hơn bắt được vàng. "Chúng tôi toàn giao tiếp bằng "ngôn ngữ cơ thể", khua chân múa tay. Vậy mà được hết" - Thanh nhớ lại.

Mỗi ngày Thanh giúp dạy học sinh cấp I, thu thập tư liệu, khảo sát tình hình dân cư, có khi cũng phụ làm đường, làm cầu với người dân. Các bạn không được cấp kinh phí mà phải vận động từ chính người dân trong làng để thực hiện công trình. Thanh kể: "Phải tìm hiểu người dân ở đó cần gì rồi làm cùng họ, các hoạt động bám sát mục tiêu thiên niên kỷ, phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc. Sau mỗi ngày chúng tôi phải viết báo cáo về hoạt động trong ngày".

Thanh học y nên kiêm thêm nhiệm vụ chăm lo, khảo sát tình hình sức khỏe của dân làng. "Chuyến đi đó cho tôi nhiều bài học, nhiều kỹ năng, ít nhất là xử lý công việc hằng ngày, hoàn thành báo cáo trong điều kiện phải đi đoạn đường vài chục cây số ra trung tâm mới có Internet để gửi báo cáo mỗi ngày" - Thanh ấn tượng.

30 ngày thay đổi bản thân

Hồi đó, Thanh quyết tâm thi vào bác sĩ đa khoa Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Nhưng gia đình không ủng hộ vì sợ con gái vất vả, chỉ muốn con theo công nghệ sinh học. Học hết năm đầu, cô gái bắt đầu thấy hoang mang với chọn lựa của mình.

Cơ duyên tình cờ, Thanh gặp được GS Dominique Bron (Viện Jules Bordet, Trung tâm Ung bướu, ĐH Libre de Bruxelles - ULB). Qua sự giới thiệu của cô hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch thời điểm đó, Thanh được chọn làm trợ lý cho vị giáo sư người Bỉ này trong thời gian tham dự hội nghị huyết học châu Á - Thái Bình Dương tổ chức tại Việt Nam.

Sau lần đó, Thanh nhận được món quà đầy bất ngờ: chuyến thực tập tại Bỉ trong một tháng. Khỏi nói là cô gái vui cỡ nào. "Tôi được vào bệnh viện, đi theo và quan sát cách các bác sĩ tại đây làm việc, được lên lớp học chuyên môn. Đặc biệt, tôi được tham gia khóa học miễn phí ba ngày phẫu thuật bằng robot mà chi phí cho một người tham gia tới 2.500 euro/ngày" - Thanh kể.

Thanh được thực hành điều khiển robot phẫu thuật trên heo sau những ngày quan sát các bác sĩ thực hiện. Một trải nghiệm không phải sinh viên nào cũng có cơ hội. Chuyến đi này khiến cô phải tạm hoãn học một năm vì khi trở về các bạn cùng khóa đã vào chương trình mới cả tháng rồi.

Vừa trễ lịch học, vừa cũng đang đọng nhiều băn khoăn trước đó nên Thanh quyết định tạm dừng một năm "gap year" như để tìm lại chính mình. "Tôi thật lòng cảm ơn chuyến đi ấy, giúp tôi xác định rõ hơn con đường mình đeo đuổi. Tôi tự tin hơn khi chọn theo đuổi lĩnh vực huyết học. Có thể nói 30 ngày ấy đã thay đổi cuộc đời tôi" - Thanh tâm sự.

Những cánh bồ câu không mỏi - Kỳ 2: Cô gái công dân toàn cầu - Ảnh 3.

Đỗ Phạm Nguyệt Thanh (thứ ba, từ phải qua) cùng các đại biểu trong chương trình giao lưu tại Ấn Độ - Ảnh: T.NG.

Đi để thấy mình lớn

Mỗi chuyến đi có khi Thanh chỉ là thành viên, có khi được giao nhiệm vụ trưởng đoàn. Thanh nói đi nhiều không hẳn đã sướng vì cần chuẩn bị nhiều thứ. Có khi cùng một chuyến đi, nhưng phải chuẩn bị nhiều tham luận với những chủ đề khác nhau, mà để nói thì mình phải hiểu điều muốn nói.

"Nói trước cử tọa nước ngoài, mình không thể chỉ nói chung chung mà phải có dẫn chứng, số liệu cụ thể mới thuyết phục được họ. Tôi tự xác định cái gì không biết sẵn sàng nói không chứ không phải cứ thoải mái "chém" cho xong" - Thanh trải lòng.

Thanh đi nhiều, đôi lúc ba mẹ lo ảnh hưởng học hành nhưng họ vẫn ủng hộ con gái hết mình. Lo cô chị chưa xong giờ đến cô em. Mới học tiểu học chứ cô em gái duy nhất cũng theo chị, mê hoạt động xã hội, rất chịu khó quan sát để khi dự cuộc gặp đầu năm với lãnh đạo TP, đã phát biểu về việc bảo vệ môi trường, xây dựng không gian sống thân thiện cho trẻ em.

Đi nhiều, Thanh nói khả năng các bạn trẻ Việt Nam chẳng thua kém gì so với nước khác, cái thiếu có chăng là họ chưa tự tin vào mình. "Hội nhập đừng nghĩ phải là cứ đi nước này, nước nọ mà ngay khi ở trong nước mình có thể làm việc ngang bằng, kéo được người nước ngoài đến đây làm cùng mình, lúc đó ai cũng có thể là công dân toàn cầu" - Thanh chia sẻ.

Thầy Hà Thanh Đạt, bí thư Đoàn Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết Nguyệt Thanh là người đầu tiên đề xuất các hoạt động liên quan đến tiếng Anh cho sinh viên, làm chủ nhiệm câu lạc bộ tiếng Anh của trường. Những hoạt động đó đã phần nào thổi bùng thêm ý thức học ngoại ngữ trong nhiều sinh viên.

"Có thể nói cái tên "Y khoa Phạm Ngọc Thạch" được nhiều nơi biết đến có công của Thanh khi tích cực mời gọi các bạn sinh viên, cả sinh viên quốc tế đến với trường, thăm TP.HCM. Và cả công mang tên trường trở lại sân chơi nghiên cứu khoa học Euréka vì cô gái này còn có niềm đam mê khác là nghiên cứu khoa học" - thầy Đạt nói.

Học để biết tự hào

Nguyệt Thanh kể từng rất bất ngờ trong chuyến đi Nhật khi nghe lời cảm ơn từ một giáo sư tại ĐH Tokyo. Trong bài tham luận của mình, ông ấy đã nói người Nhật Bản cảm ơn bài học từ cách ăn có nhiều rau, chất xơ của người Việt Nam và làm theo để giờ Nhật là một trong những nơi người dân có tuổi thọ cao của thế giới.

Nhiều bạn hay phàn nàn rằng Việt Nam dở cái này, thua cái kia và đem so sánh với nước ngoài. Trong khi thực tế còn nhiều cái hay của dân tộc, đất nước mình nhưng đôi khi các bạn lại không nhìn thấy, chưa kể có những người chỉ thích chê bai.

"Mình học cái hay của người khác là đúng nhưng cũng phải học để biết tự hào về chính những cái hay của con người Việt Nam. Mỗi chuyến đi luôn cho tôi những bài học quý, luôn có điều để tự hào về con người, đất nước mình" - Thanh chia sẻ.

Lắc đầu trước cơ hội làm việc ở Google, chàng trai ấy chọn khởi nghiệp tại quê hương với lý lẽ đây là mảnh đất còn đầy cơ hội.

Kỳ 3: Khởi nghiệp ở quê hương

Những Những 'cánh bồ câu' không mỏi - Kỳ 1: Đôi bạn 'trí tuệ nhân tạo'

TTO - Nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo (AI) lúc này không còn quá xa lạ với sinh viên Việt Nam. Thế giới ấy mở ra bao điều bất ngờ không chỉ vì "sự thông minh" của máy móc mà ở những "bộ óc tư duy" của những người trẻ đam mê khoa học.

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên