TTCT - Bạo lực gia đình và tâm lý cam chịu của người phụ nữ Việt Nam trước những bất công trong hôn nhân là điều đã được nói đến nhiều. Nhưng rất nhiều người sau khi tự gom đủ nghị lực để thoát khỏi bi kịch ấy lại thấy mình đang ở trong một bi kịch khác: cuộc sống của một kẻ không nhà không cửa. Chị Lên trong căn nhà chị đã quay lại vì không biết đi đâu - Ảnh: Đức Hoàng“Ngày 6 tháng 4 năm 2013, âm lịch ngày 26 tháng 3 năm 2013.Tự hứa từ giờ tôi sẽ không bao giờ đi với má nữa cho dù ba có giết chết tôi. Nếu lần này ba tôi tha cho tôi thì từ giờ trở đi tôi sẽ không bao giờ tái phạm nữa. Tôi đã nhiều lần làm khổ ba tôi, nhưng ba tôi vẫn giữ tôi lại vì ba tôi yêu thương tôi. Từ giờ tới khi tôi lớn lên thì tôi nhất định sẽ rửa hận cho ba tôi”.Đó là những dòng “nhật ký” của bé Trần Tự, 9 tuổi, ở xã Nghĩa Điền, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi). Sau mỗi trận đòn nhừ tử, Tự đều bị cha - Trần Thới - bắt viết những dòng “nhật ký” hận mẹ thương cha.Bị đánh miết, sợ miếtNhững “bản cung” sau khi bị tra tấn như thế cũng chẳng cứu được Tự thoát khỏi những trận đòn. Hai tháng sau những dòng chữ trên, Tự bị cha đánh thừa sống thiếu chết, may có người làng phát hiện đưa đi viện. Trần Thới bị bắt và bị xử 18 tháng tù giam. Mọi chuyện như thế tưởng đã kết thúc, nhưng rồi hóa ra mẹ con Tự đã làm đúng lời hứa trong “nhật ký” của đứa trẻ: họ quay lại với người cha bạo lực ngay sau khi Thới ra tù.Chị Lên, mẹ Tự, đã hơn một lần tìm cách thoát khỏi ngôi nhà địa ngục. Một lần chị Lên đã dắt các con chạy vào tận Long An. Lần khác, chị đã nhận được quyết định ly dị của tòa. Nhưng đến hôm nay, chị vẫn đang ngồi trong căn nhà xác xơ đó, bế đứa con hơn một tháng tuổi trên tay, đứa thứ tư mà chị có với người chồng tệ bạc ngay sau khi Thới mãn hạn tù. Chị ngồi đó, mắt vẫn ậng nước và đầy sợ hãi. Lý do của nghịch cảnh ấy: chị không có nơi nào khác để sống.Chị Hương và con trai trước cổng căn nhà mà chồng cũ đang chiếm giữ - Ảnh: Đức HoàngSau khi ly dị, chị Lên vẫn phải lần hồi về ở trong căn nhà cũ mà chị đã cùng tạo dựng với chồng. Rồi Thới ra tù, và họ lại “đoàn tụ”. Căn nhà không thể chia đôi, và thật ra ngay từ đầu chị cũng không có ý thức về việc đòi chút tài sản nuôi con khi ly dị. Bị đánh nhiều quá, sợ quá, đến khi ra tòa cũng chỉ muốn nhanh chóng được giải thoát. Có căn nhà, bốn con trâu, mấy sào đất vỡ và đất vườn, chị chỉ khai tài sản chung đúng bốn con trâu cho... nhanh.Sự thỏa hiệp dễ dàng về tài sản trong những cuộc trốn chạy là đặc điểm thường thấy của nhiều phụ nữ nông thôn. “Bị đánh miết, sợ miết” - chỉ bằng năm từ, chị Hương ở xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa) nghẹn ngào giải thích về lý do mình ra đi tay trắng. Chị đã cùng người chồng cũ xây lên một căn nhà tươm tất, nhưng giờ sau khi ly dị, chị đưa con về sống cùng mẹ già trong căn nhà tình nghĩa nhỏ xíu mà chính quyền xây cho bà. Nhà đất không, ruộng vườn không, thứ duy nhất chị được chia là đàn bò. Đàn bò có ba con thì hai con ở lại với người chồng cũ, chị lấy đi được một con bê.Nước mắt chỉ chực rơi ra trên gương mặt những người đàn bà trốn chạy này khi nói chuyện với tôi. Khi ấy họ chỉ nghĩ đến việc làm cách nào bế được con đi thật nhanh, và vội vàng ghi vào đơn “tự thỏa thuận tài sản” chứ không hề nghĩ đến những hậu quả của việc ra đi tay trắng. Như chị Lên phải quay về từ Long An vì mấy đứa nhỏ không chịu được cảnh sống chui rúc trong nhà trọ.Còn chị Hương sợ bây giờ đòi chia nhà thì tòa sẽ phân cho chồng chị ở ngôi nhà đó và trả lại cho chị chừng vài chục triệu đồng. Số tiền đó không đủ để chị lo cho con. Chị muốn được sở hữu ngôi nhà, nhưng nếu tòa có phán quyết như vậy, chị cũng không có tiền trả phần chia cho chồng cũ. Tính tới tính lui, lại thêm nỗi sợ từ những trận đòn xưa cũ nên chị cứ nấn ná, “để coi thái độ ảnh ra sao” rồi mới quyết định. Hôm nay, chị vẫn đứng trước cái nhà vốn là của mình, tựa lưng vào cổng sắt, ôm con nhỏ trong tay chỉ biết khóc.Phép vua thua họ mạcCó một đặc điểm quan trọng khiến những phụ nữ nông thôn khi ra đi không thể đòi được phần trong căn nhà họ đã cùng tạo dựng: họ xây nhà trên đất của cha mẹ chồng, hoặc sống quần tụ trong cộng đồng họ mạc nhà chồng. Với bối cảnh như vậy, tòa thường sẽ xử cho người chồng được giữ căn nhà và trả tiền cho người vợ ra đi (gọi là “thối lại” theo phương ngữ miền Trung). Nhưng căn nhà ở quê, công sức bỏ ra thì nhiều chứ định giá tài sản chẳng đáng bao nhiêu.Trong trường hợp khả dĩ nhất, họ sẽ nhận được đôi chục triệu đồng. Đó là trường hợp của chị Thủy ở thôn Hải Ninh, xã Bình Thanh, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi. Sau những trận đòn thù của người đàn ông đi biển lâu ngày sinh ghen tuông, chị quyết dứt áo ra đi.Phiên tòa đầu tiên, căn nhà chị xây bằng 10 cây vàng cách đây hơn chục năm được định giá 60 triệu đồng. Chị kháng án lên tòa tỉnh, tòa phúc thẩm nâng mức giá lên thành 85 triệu nhưng phải chia ba, vì người mẹ chồng cùng chung sống cũng được xác định có đóng góp xây dựng. Chị bỏ cuộc bởi vì không có đủ tiền để lên tỉnh theo kiện nữa. Chị làm thuê làm mướn, mỗi ngày chỉ được vài chục ngàn đồng nuôi con, mỗi lần đi xe đò ra tỉnh cũng hết mấy chục ngàn nên đành thôi. Sau vài năm, chị Thủy nhận được hơn 20 triệu đồng “tiền thối” từ cuộc hôn nhân, đi ở nhờ nhà anh trai. Nói đến cuộc chia chác ấy, nước mắt chị vẫn lăn dài.Nhưng đấy đã là một người may mắn. Việc “cưa đôi” những căn nhà ở thôn quê là một nỗi khổ của những cán bộ thi hành án địa phương. Anh Quang, phó Chi cục Thi hành án huyện Bình Sơn, khoát tay chỉ một dãy nhà cạnh nhà chị Lên: đó là nơi anh em, họ hàng người chồng côn đồ của chị đang sống, cũng là mô hình quần tụ phổ biến ở làng quê. “Bây giờ có định giá tài sản, có cưỡng chế, có bán đấu giá cũng chẳng ai dám vào mà mua - anh ta thán - Ai vào là người ta chửi bới, sợ quá lại bỏ đi. Họ đi mua chỗ ở chứ có mua chỗ nghe chửi đâu”.Mô hình “họ mạc” khiến những căn nhà được gia cố bởi sức mạnh của không chỉ người chồng tệ bạc. Bốn bề quanh mảnh đất ấy là họ hàng của anh ta. Chị Tuyết, thôn An Hội Nam 1, xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa sống trong một căn nhà ngập ngụa mùi phân heo. Chị đã cương quyết đòi được quyền sống trong căn nhà cùng tạo dựng sau khi ly dị, nhưng ba phía quanh nhà chị là vườn của anh chồng. Họ nội không chấp nhận việc bị “chiếm đất” như thế.Lần trước, vì cây mít trong vườn, chị kể mình đã bị đánh. Chính quyền xã vào cuộc, người anh chồng cũng không dám lời qua tiếng lại nữa. Nhưng bây giờ, cái chuồng heo nhà bên ấy cứ xả phân ngập quanh nhà chị cũng không dám nói. Cán bộ phụ nữ xã vào thăm, cáu gắt um tỏi, bắt chị phải làm đơn ra xã kêu vấn đề môi trường, chị Thủy còn nài ngược lại “thôi sống như vậy cũng được rồi...”.Làng quê bao nhiêu năm nay đã phủ vây những câu chuyện buồn về người phụ nữ. Những trận đòn vô lý, những hoang tin điều tiếng, những lam lũ cùng cực. Nhưng khi họ muốn thoát ra khỏi những điều đó lại là nguy cơ về một chuỗi bi kịch tiếp theo. Họ thiếu nhận thức về quyền của mình, với suy nghĩ ngây ngô rằng đất đai đó là của bố mẹ chồng cho, mình không có quyền đòi. Những lá đơn cứ hồn nhiên ghi những dòng “tự thỏa thuận” về tài sản - sự thỏa thuận đầy sợ hãi. Ngay cả khi họ muốn đòi quyền cũng gặp những trở ngại rất đặc thù của một miền thôn quê. Những trở ngại mà ngay cả chính quyền cũng bất lực.Anh Ân tựa tay vào tường rào của một căn nhà tranh chấp sau ly dị, thở dài: “Nếu cho chọn lại, chắc không một cử nhân luật nào muốn làm thi hành án”. Kịch bản của những căn nhà “không thể chia đôi” cứ lặp đi lặp lại năm này qua năm khác với từng đó tình tiết. Nếu người phụ nữ không biết quyền của mình, không kêu lên cơ quan chức năng thì họ cũng đành chịu, không thể can thiệp được. Chị Hương, người “bị đánh miết”, bây giờ vẫn sợ sệt đến mức chẳng dám mở miệng ra đòi tiền nuôi con đến 1,2 triệu đồng, bằng công sá chị đi làm mướn cả tháng. Cán bộ thi hành án tỉnh xuống đến nơi, chị mới run rẩy hỏi bây giờ làm cách nào, viết đơn gửi đi đâu?Khi quyền lực cũng... bất lựcRồi ngay cả khi lực lượng thi hành án vào cuộc, việc cưỡng chế một căn nhà ở nông thôn cũng dường như bất khả. Cưỡng chế vô cùng khó khăn. Nhà ở quê khó bán. Cứ giảm giá 5, 7 lần mới có khách vào mua. Rồi khách vào thì bị đuổi đi bởi họ mạc xung quanh. Thời hạn của những cuộc thi hành án liên quan đến đất đai kiểu này cứ kéo dài hàng nhiều năm, hồ sơ xếp thành xấp dày. Người phụ nữ khi ấy cơ nhỡ, lại ôm bầy con côi cút đi ở nhờ, ở thuê, không một đồng dính túi.Chị Thủy khóc khi nói về số “tiền thối” mình nhận được sau ly hôn - Ảnh: Đức Hoàng“Đã có cơ chế phối hợp giữa chính quyền, công an và thi hành án nhưng chưa bên nào đủ nhiệt tình” - anh Phạm Huy Ân, cán bộ thi hành án tỉnh Quảng Ngãi, tâm sự. Việc cưỡng chế của lực lượng thi hành án không có sự góp sức của chính quyền, cũng không có sự can thiệp của cơ quan công an khi xảy ra chống đối, trở nên vô vọng.Hỏi cán bộ thi hành án bây giờ giải pháp khả dĩ nhất cho tình trạng này là gì, anh chỉ nghĩ ra được một điều: tăng khả năng vận động, thuyết phục của chấp hành viên. Vận động đương sự, vận động cả chính quyền cơ sở chung tay với mình, chứ chế tài không đủ để thực thi. Có những bản án mà thay vì thi hành án, người ta chỉ có thể nghĩ đến “vận động án”.“Trong phần lớn trường hợp, những phụ nữ nông thôn này không đủ nhận thức để bảo vệ quyền của mình. Trong khi đó, các cơ quan chức năng chỉ làm việc khi có khiếu nại phát sinh. Nếu không có một bên thứ ba đứng ra tác động, chuyện sẽ trở nên bế tắc. Chúng tôi đang hướng tới việc thúc đẩy sự tham gia nhiều hơn của các đoàn thể địa phương, đặc biệt là hội phụ nữ, những người hiểu rõ bối cảnh của gia đình, để giúp những phụ nữ này. Đôi khi chỉ là động viên và hướng dẫn họ viết một lá đơn cũng rất quan trọng rồi. Xa hơn, chúng tôi tin một sự phối hợp chặt chẽ giữa hội phụ nữ địa phương và lực lượng thi hành án có thể sẽ tạo thêm hiệu quả trong công tác vận động và đấu tranh với các lực cản như đang thấy” - bà Nguyễn Thanh Phương, điều phối viên của Liên minh đất đai (Landa), nói. Landa là một tập hợp gồm 19 tổ chức xã hội, nghề nghiệp với mục tiêu tăng cường sự tham gia của công chúng vào các chính sách liên quan đến đất đai. Tags: Thi hành ánLy dịBạo lực gia đìnhChính sách đất đaiPhụ nữ nông thôn
Khoảng 10.000 khán giả đi nghe Sơn Tùng M-TP, Soobin, HIEUTHUHAI, trèo lên cây, đu cả hàng rào ĐẬU DUNG 24/11/2024 Khu vực bờ hồ và trước Nhà hát lớn Hà Nội ùn tắc kéo dài do lượng người đổ về đại nhạc hội có Soobin, HIEUTHUHAI, Sơn Tùng M-TP, Orange, Hòa Minzy, Issac…
Tiết lộ doanh thu khủng của 'đế chế chăn nuôi' C.P. Việt Nam BÌNH KHÁNH 24/11/2024 Báo cáo tài chính của Charoen Pokphand Foods, công ty mẹ của C.P. Việt Nam, cho biết doanh thu 9 tháng đầu năm nay ở Việt Nam đạt gần 68.000 tỉ đồng.
Các bên vào cuộc xem xét việc Đàm Vĩnh Hưng hát ở hải ngoại khi đang bị cấm diễn HOÀI PHƯƠNG 24/11/2024 Ông Tạ Quang Đông - thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cho biết đang làm việc với các bên liên quan đến việc ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng bị cấm biểu diễn trong nước nhưng đi diễn ở nước ngoài.
Hezbollah tấn công Israel bằng hàng chục tên lửa và drone MINH KHÔI 24/11/2024 Hezbollah tuyên bố đã phóng hàng chục tên lửa và máy bay không người lái (drone) vào Israel, tập trung vào Tel Aviv và các mục tiêu quân sự ở miền nam.