19/12/2013 10:25 GMT+7

Những cái đầu nóng, lạnh

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TT - Chuyện chiếc tàu tuần dương Mỹ có trang bị tên lửa, USS Cowpens, phải bẻ lái sang trái tối đa để tránh bị tàu chiến Trung Quốc húc vào đã là sự kiện gây nhiều suy đoán mấy ngày qua.

Động tác tác chiến trên biển mà tàu Trung Quốc thực hiện là một động tác rất cổ điển mà hải quân Pháp gọi là éperonner, tức lấy mũi nhọn bọc sắt đâm vào mạn sườn tàu đối phương (vốn là chỗ yếu nhất) cho vỡ toang...

Động tác húc thẳng cho tới cùng của tàu chiến Trung Quốc vừa cho phép “giải quyết” chiếc Cowpens một cách “im lặng” nhất: không nổ súng, không phát triển vụ chạm trán thành một cuộc đấu pháo để rồi dẫn đến chiến sự, vừa cho thấy quyết tâm “giải quyết” tàu đối phương một cách không rụt rè, không khoan nhượng, không ngại hậu quả.

Trong thực tế, những vụ đeo bám nhau là chuyện thường xuyên xảy ra. Tháng trước, phóng viên Reuters thăm tàu sân bay USS George Washington của Mỹ đang hoạt động trên biển Đông đã kể lại chuyện chiếc tàu khổng lồ này bị một tàu khu trục Trung Quốc đeo bám ở khoảng cách 30km, khiến đội tàu hộ tống cho nó đã phải “tăng cường cảnh giác”.

Kiểu “đùa dai” như thế từng được hải quân Trung Quốc sử dụng. Ngày 26-10-2006, tàu sân bay Kitty Hawk đã bị một tàu ngầm lớp Song đeo bám đến khoảng cách 9 hải lý, tức hoàn toàn trong tầm bắn của 18 thủy lôi mà tàu ngầm này mang theo, rồi ngoi đầu lên “vẫy tay chào” và lặn mất. Lần đó các nhà bình luận hải quân nhận định: kiểu đeo bám nhau là bài tập tác chiến thông thường của hải quân nhưng tiến sát như thế, vượt qua hàng rào phòng thủ của cả chục chiếc tàu hộ tống Mỹ, sẽ kích thích các chỉ huy khác của Trung Quốc thi tài như thế!

Thực tế là hải quân các nước không rèn luyện kiểu va chạm chết người đó. Như trong vụ hôm 5-12, hơn ai hết, hạm trưởng chiếc USS Cowpens ý thức mệnh lệnh hành quân của mình là bám đuôi chiếc Liêu Ninh, không để xảy ra va chạm và đã chấp hành đúng.

Nhưng vụ húc ủi ngày 5-12 có còn là một hành động “cá nhân bốc đồng” như vụ tàu ngầm lớp Song “vẫy tay chào” chiếc Kitty Hawk năm 2006? Câu trả lời dễ thấy từ tờ Nhân Dân Nhật Báo ngày 16-12. Đô đốc Trung Quốc Doãn Trác cảnh cáo: “Quý vị muốn tự do hàng hải, chúng tôi cũng thế. Nhưng không thể vì tự do hàng hải mà ngáng trở chúng tôi tự do hàng hải. Nếu quý vị ngáng trở là chúng tôi sẽ chặn đứng ngay”.

Có phải đây chính là mệnh lệnh cho hạm đội Trung Quốc trong cuộc tập trận kéo dài cả tháng hơn trong khu vực biển Đông, để rồi xảy ra vụ ngày 5-12? Nếu quả thật thế, xung đột không còn là một nguy cơ nữa, không chỉ giữa hải quân Trung Quốc với hải quân Mỹ, mà còn có thể với hải quân mọi nước đang di chuyển trong hải phận quốc tế ở biển Đông.

Đến ngày 17-12 cũng tờ Nhân Dân Nhật Báo cho biết Bộ trưởng ngoại giao Vương Nghị đã điện đàm với ngoại trưởng Mỹ đêm chủ nhật (khi ông Kerry đang công du ở Việt Nam), và tại hội nghị ngoại giao cuối năm ở Trung Quốc, Bộ trưởng Vương Nghị nói rằng không phải “sự đối đầu giữa các cường quốc đang nổi lên với các cường quốc đã thành danh là không thể tránh khỏi”, và ông tin các vụ xung đột có thể tránh khỏi bằng cách cùng làm việc với nhau.

Nếu thật như thế, có thể hi vọng rằng những cái đầu tỉnh táo ở Bắc Kinh sẽ khiển được những cái đầu nóng trên biển.

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên