Lễ tang thiếu tướng Hassan Moghaddam năm 2011 - Ảnh: REUTERS
Tính ra từ 15 năm nay đã xảy ra hàng chục vụ ám sát các nhà khoa học hạt nhân Iran hoặc những người liên quan đến chương trình hạt nhân Iran.
Báo Le Monde (Pháp) ghi nhận các vụ ám sát thường xảy ra hết sức tinh vi cho thấy trình độ tổ chức cao của kẻ chủ mưu.
Hiếm khi Iran thừa nhận các nạn nhân bị ám sát tham gia chương trình hạt nhân Iran. Sau mỗi vụ ám sát, Iran thường đổ trút trách nhiệm cho cơ quan tình báo CIA - Mỹ hoặc cơ quan tình báo Mossad của Israel.
Những cái chết bí ẩn
Ngày 15-1-2007, GS vật lý Ardeshir Hassanpour - chuyên gia điện từ trường - đã chết hết sức bí ẩn trong khi làm việc tại nhà máy điện hạt nhân ở tỉnh Isfahan. Phía Iran xác nhận nạn nhân bị ngộ độc khí. Không rõ vì sao ngộ độc!
Ngày 23-7-2011, nhà vật lý Darioush Rezai-Nejad (35 tuổi) bị bắn chết. Báo chí Iran mô tả nạn nhân là chuyên gia vật lý hạt nhân làm việc cho Tổ chức năng lượng nguyên tử Iran (AEOI) và Bộ Quốc phòng. Trong khi đó, chính quyền Iran lại phủ nhận và tuyên bố nạn nhân chỉ là sinh viên học thạc sĩ về điện.
Trong năm 2011, một vụ nổ dữ dội xảy ra trong căn cứ quân sự Modarres của Lực lượng Vệ binh cách mạng ở Bidganeh hôm 12-11-2011. Trong 17 người thiệt mạng có thiếu tướng Hassan Moghaddam, người đứng sau chương trình tên lửa đạn đạo Iran.
Iran bác bỏ giả thiết có tác nhân nước ngoài phá hoại và cho rằng đây là sự cố xảy ra trong quá trình xử lý đạn dược trong kho.
Dù vậy, TS Mohammad Reza Djalili (Thụy Sĩ) nhận định Iran không thể thừa nhận đặc vụ nước ngoài liên quan vì địa điểm này là một trong những trung tâm đầu mối quan trọng của Vệ binh cách mạng.
Ám sát bằng cách đánh bom
Đánh bom là một trong những cách thức ám sát bí ẩn ở Iran. Ngày 12-1-2010, nhà vật lý hạt nhân Massoud Ali Mohammadi đã bị sát hại tại Tehran do một quả bom điều khiển từ xa. Có nhiều tin đồn xoay quanh cái chết này.
Điều tra hiện trường vụ nổ bom sát hại nhà vật lý hạt nhân Massoud Ali Mohammadi đầu năm 2010 - Ảnh: FRANCE 24
Ban đầu Iran khẳng định Mohammadi không làm việc cho AEOI. Cuối cùng, Iran mới công nhận Mohammadi có tham gia chương trình hạt nhân và đổ lỗi cho Israel và Mỹ là thủ phạm.
Tuy nhiên, giới khoa học không tin. Họ cho rằng Mohammadi chuyên nghiên cứu về vật lý hạt chứ không phải năng lượng hạt nhân và công việc chỉ thuần túy lý thuyết. Từ đó phát sinh giả thiết Mohammadi đã bị chính quyền Iran thanh trừng.
Đến ngày 29-11-2010, GS vật lý hạt nhân Majid Shahriari thuộc Đại học Shahid Beheshti thiệt mạng trong vụ đánh bom. AEOI thừa nhận Shahriari phụ trách một trong dự án hạt nhân quan trọng nhất của Iran.
Trong cuộc tấn công thứ hai cùng ngày, trưởng khoa vật lý Fereydoun Abbasi-Davani tại Đại học Imam Hossein và vợ đã kịp nhảy khỏi xe khi bom được kích hoạt nên chỉ bị thương.
Kỹ sư Ahmadi Roshan cũng thiệt mạng trong vụ nổ bom từ tính đặt trên xe nạn nhân gần Đại học Allameh Tabatabai vào ngày 11-1-2012. Roshan là phó giám đốc phụ trách thương mại tại cơ sở hạt nhân Natanz. Cơ sở này có hơn 8.000 máy ly tâm vào thời kỳ đó.
Dân Iran biểu tình đổ lỗi Mỹ sát hại kỹ sư Ahmadi Roshan trong vụ nổ bom từ tính năm 2012 - Ảnh: REUTERS
Những vụ mất tích bí ẩn
Ngoài các vụ ám sát, nhiều vụ mất tích không rõ nguyên nhân đã xảy ra ở Iran. Tháng 2-2007, tướng Ali Reza Asgari, cựu thứ trưởng quốc phòng Iran, đột nhiên mất tích tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Báo chí phương Tây và Israel đưa ra hai giả thiết. Một là tướng Asgari bị Mossad hoặc CIA bắt cóc (Iran công nhận giả thiết này) hoặc đào tẩu sang Mỹ.
Đến cuối năm 2010, Tehran thông báo tướng Asgari đã chết trong nhà tù Israel. Thông tin này không được xác nhận và không rõ tướng Asgari chết trong trường hợp nào.
Shahram Amiri bồng con trai trong lần trở về Tehran vào tháng 7-2010. Sáu năm sau ông bị treo cổ - Ảnh: AFP
Hơn hai năm sau, nhà vật lý hạt nhân Shahram Amiri làm việc cho AEOI đã mất tích. Sau đó có ba băng video được công bố.
Trong video thứ nhất, Amiri cho biết đã bị CIA bắt cóc vào tháng 6-2009 trong chuyến hành hương đến Saudi Arabia và được đưa về Mỹ.
Trong video thứ hai, ông lại nói bản thân đi theo cách riêng đến Mỹ. Trong video cuối cùng, Amiri cho biết tính mạng đang gặp nguy hiểm ở Mỹ và muốn trở lại Iran.
Tháng 7-2010, Amiri trở về Iran và được chào đón như người anh hùng. Đến ngày 7-8-2016, Bộ Tư pháp Iran thông báo Amiri đã bị treo cổ vì tiết lộ thông tin tuyệt mật cho Mỹ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận