TTCT - Một sáng mùa thu thức dậy, bàng hoàng nghe tin hàng cây cổ thụ trên con đường Kim Mã đang sắp sửa bị đốn, nhường chỗ cho công trình tàu điện ngầm hiện đại. Minh họa: Hoàng Phong Người khóc thương hàng cây trăm tuổi làm đẹp thủ đô. Kẻ phẩy tay, phục vụ xã hội thì đành hi sinh chút ít. Tôi chẳng biết mình tiếc nuối hay hờ hững với những hàng cây, chỉ thấy những cái cây đô thị mỗi ngày lại trở nên cô đơn như tuổi trẻ. Ngày đầu tiên đặt chân lên thành phố nhập học, bác đón tôi bằng một chiếc xe máy cà tàng. Tôi ôm balô trong tay, suốt quãng đường mở tròn mắt vì những con phố sầm uất, những tòa nhà cao tầng hiện đại, đường phố xam xám một màu bêtông cốt thép. Cả quãng đường dài, không thấy một bóng cây đủ làm mát góc quán trà đá ven đường. Những bóng người bịt kín lao đi vun vút giữa cái nắng như thiêu như đốt, hơi nóng mặt đường hất lên, vỉa hè, tường nhà hất vào. Có cảm tưởng, chỉ cần cọ hai bàn tay vào nhau là có thể bùng lên một trận hỏa hoạn. Những ngày còn sinh viên, tôi đi lại bằng xe buýt và xe đạp. Qua những khu đô thị mới ít bóng cây, ngước nhìn lên các tòa nhà bịt cứng bằng kính, thấy con mắt ngộp thở bởi những đường thẳng, đường xiên. Đôi khi, chạy theo chiều dọc tòa nhà sẽ có một khúc hõm ở giữa, là khu vực đặt các chậu cây cảnh làm đẹp. Mỗi tầng một cây. Chúng nằm thẳng tắp trên một đường, y chang bộ đội duyệt binh. Tôi bỗng thấy thương. Cây cối sinh ra cũng như con người, hầu hết thích mọc bầy đàn, rậm rạp. Chúng cũng có trò chuyện, trao đổi thông tin bằng một thứ sóng âm nào đó tai người không nghe thấy được. Ấy thế mà bây giờ, mỗi “đứa” một chậu, một tầng. Họa hoằn, cả tháng mới có người tưới cho ít nước. Cô đơn như tuổi trẻ lập nghiệp nơi đô thành xa lạ, đi làm về không biết mình có mệt hay không. Đi ở trọ, lâu lâu làm công việc mới, lại chuyển nhà một lần. Để tiết kiệm, tôi thường chọn các phòng trên cao nhất. Từ tầng cao nhìn xuống, may mắn tôi sẽ bắt gặp một cái sân thượng nhỏ với đầy đủ thùng xốp trồng rau, trồng hoa. Những giàn thiên lý, tầm xuân, mướp, mồng tơi... leo xanh um trên các chấn song lạnh lẽo. Những thùng xốp xếp đặt ngay ngắn, mơn mởn ít rau theo mùa: cải, cà rốt, su hào, hay muống, đay, dền cơm, gừng, kinh giới, tía tô... Điểm xuyết trong đó sẽ là một vài chậu hoa hồng, cánh bướm, mười giờ... Khu vườn thu nhỏ với rất nhiều nỗ lực của người làm vườn cứ xanh tốt thêm mỗi ngày. Chúng trò chuyện trong gió, vượt qua mùa hè đổ lửa, sự cằn khô của đất mà lớn lên. Mỗi chiều muộn, lại thấy bóng một cô gái hoặc một anh con trai lúi húi múc từng gáo nước tưới vào các chậu. Thi thoảng, tôi bắt gặp một hai đứa trẻ, chắc là con của họ, lên làm thay phần việc của người lớn. Tôi thấy chúng ngồi sụp xuống cạnh gốc cà chua, chỉ trỏ thích thú một vài quả non đang lớn, hoặc vuốt ve trái mướp già lụ khụ cuối mùa... Những hàng cây rợp bóng mát ngã xuống. Cuối cùng, những cái cây đô thị trong lòng phố vẫn mang trong mình một nỗi cô đơn...■ Tags: Những cái cây cô đơnCây cô đơn trong thành phốNhật kí thành phố
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Nhiều người ở TP.HCM bắt đầu đi làm, đi học bằng metro CHÂU TUẤN 23/12/2024 Từ sáng đến trưa 23-12, không ít người dân ở TP.HCM cho biết đây là lần đầu tiên dùng metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên để đi làm, đi học.
Panama đáp trả ông Trump về đe dọa 'đòi lại' kênh đào THANH HIỀN 23/12/2024 "Mỗi mét vuông của kênh đào Panama và các khu vực lân cận đều thuộc về Panama và sẽ tiếp tục thuộc về Panama".
Hàng loạt đại học phát cảnh báo chiêu lừa đảo học bổng, giảm học phí cho sinh viên MINH GIẢNG 23/12/2024 Hàng loạt trường đại học phát cảnh báo chiêu trò lừa đảo sinh viên về học bổng, giảm học phí khi chuyển khoản cho cá nhân.
Nên 'bêu' tên người xả rác bừa bãi như cách làm của người Nhật? THANH NY 23/12/2024 Để trị 'bệnh' xả rác bừa bãi, hãy học người Nhật cách xử lý người thiếu ý thức nơi công cộng.