Giáo sư Andre van der Merwe, người chủ trì ca ghép dương vật đầu tiên trên thế giới thành công ở Nam Phi - Ảnh: Đại học Stellenbosch
Người lính trẻ choáng váng tưởng như mặt đất đổ sụp dưới chân mình. Trong phòng bệnh, anh nghe nhiều đồng đội bị thương nói với nhau họ sẽ tự sát nếu mất "súng" như anh. Anh tự nhủ: "Một thằng đàn ông mà hỏng 'súng' thì còn làm ăn được gì?". Song cuối cùng điều kỳ diệu đã xảy ra.
Vì sao ca ghép "trọn gói" thành công?
Ngày 26-3-2018, người lính trẻ đó được phẫu thuật ghép dương vật, bìu và một phần vùng bụng dưới tại Bệnh viện Đại học John Hopkins ở Baltimore (Mỹ). Đây là ca đầu tiên trên thế giới ghép "trọn gói" cơ quan sinh dục, trừ tinh hoàn.
Ca ghép kéo dài 14 tiếng với êkip phẫu thuật 12 người do giáo sư Wei Ping Andrew Lee (người gốc Đài Loan) - trưởng khoa phẫu thuật tạo hình và tái tạo Đại học John Hopkins - chủ trì, hai bác sĩ phẫu thuật tiết niệu, chín bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ cùng các bác sĩ gây mê - hồi sức, y tá, kỹ thuật viên.
Giáo sư phẫu thuật tạo hình Richard Redett ở Bệnh viện Đại học John Hopkins nhận xét ca ghép hết sức phức tạp vì bệnh nhân đã mất nhiều mô gồm một phần vùng bụng dưới, toàn bộ dương vật, túi bìu, tinh hoàn và thêm nhiều vết thương lân cận. Nếu sử dụng phương pháp tái tạo thông thường sẽ không có tác dụng.
Do đó, êkip phẫu thuật phải ghép "trọn gói" vật ghép rộng 25cm x 28cm, nặng 2kg lấy từ người hiến đã chết não. Các bác sĩ phải nối các dây thần kinh, mạch máu, niệu đạo đồng thời xử lý chống thải loại mạnh hơn bình thường vì phần sâu dưới da rất giàu tế bào miễn dịch.
Có nhiều yếu tố dẫn đến ca ghép thành công. Giáo sư Richard Redett nhận xét: "Khi chúng tôi bắt đầu nghiên cứu ca ghép cách đây hơn 5 năm, Trung Quốc đã thực hiện ca ghép dương vật nhưng thất bại, còn các bác sĩ ở Nam Phi và Boston chưa ghép dương vật. Do đó chúng tôi đã thực tập ghép bìu, thành bụng và các mạch dẫn máu lưu thông trên thi thể người chết nhiều lần".
Bác sĩ Steven C. Bonawitz là thành viên êkip phẫu thuật giải thích êkip đã nghiên cứu rất kỹ về giải phẫu học mạch máu và vấn đề cung cấp máu cho khu vực ghép. Ngoài ra, hai tuần sau ca ghép, các bác sĩ đã lấy tế bào gốc tủy xương bơm vào cột sống bệnh nhân. Nhờ đó bệnh nhân chỉ còn sử dụng một loại thuốc ngăn ngừa phản ứng thải loại thay vì ba loại, từ đó giảm được biến chứng.
Giáo sư François Desgrandchamps, trưởng khoa tiết niệu Bệnh viện Saint-Louis ở Paris (Pháp), giải thích: "Giai đoạn vi phẫu đòi hỏi phải cực kỳ chính xác vì các động mạch dẫn máu trong dương vật và kích thích cương có diện tích rất nhỏ. Phải nối thật khéo các dây thần kinh kích thích cương".
Sau ca mổ, anh lính trẻ phải sử dụng testosterone, sau đó dùng thuốc điều trị rối loạn cương dương Cialis và sáu tháng sau tìm lại được cảm giác cương. Đây là thời gian cần thiết để các dây thần kinh tái tạo các kết nối cần thiết. Hiện nay anh đang theo học ngành y và có thể đi lại bình thường bằng đôi chân giả; quan trọng hơn anh đã có lại "súng" của mình!
Ca phẫu thuật ghép “trọn gói” dương vật và bìu tại Bệnh viện Đại học John Hopkins vào tháng 3-2018 - Ảnh: Đại học John Hopkins
3 ca ghép dương vật thành công
Trong tương lai ca ghép "trọn gói" dương vật và bìu có phổ biến hay không? Giáo sư Richard Redett không nghĩ như thế bởi có cách đơn giản hơn là ghép dương vật.
Ngày 21-9-2005, Bệnh viện đa khoa Quảng Châu đã phẫu thuật ghép dương vật từ người hiến đã chết cho một bệnh nhân 44 tuổi. 14 ngày sau, bệnh nhân yêu cầu lấy vật ghép ra vì hai vợ chồng không chịu đựng nổi vấn đề tâm lý. Ngoài ra, vết ghép đã sưng nhiều do một số mạch máu không kết nối được.
Trừ ca ghép cho anh lính trẻ kể trên ở Bệnh viện Đại học John Hopkins, đến nay chỉ có ba ca ghép dương vật thành công gồm hai ca ở Nam Phi và ca còn lại ở Mỹ. Nam Phi là quốc gia ghép dương vật đầu tiên trên thế giới thành công. Ca ghép ngày 11-12-2014 tại Bệnh viện Tygerberg ở Cape Town được thực hiện cho một bệnh nhân 21 tuổi bị cụt dương vật do cắt bao quy đầu không đúng cách.
Ba tháng sau ca ghép, chức năng tiết niệu và sinh dục khôi phục. Cuối năm 2015, bệnh nhân được làm cha vì chất lượng tinh dịch vẫn sung như ngày nào.
Thomas Manning (năm nay 66 tuổi) là ca ghép dương vật đầu tiên thành công ở Mỹ. Ông mắc bệnh ung thư nên "của quý" bị cắt. Ngày 9-5-2016, Bệnh viện Massachusetts ở Boston thực hiện ca ghép suôn sẻ. Đến nay vật ghép vẫn ổn dù chức năng sinh dục chưa khôi phục bình thường.
Ngày 21-4-2017, Bệnh viện Tygerberg ở Nam Phi tiếp tục thực hiện ca ghép dương vật thứ hai. Bệnh nhân trạc tứ tuần bị hỏng "súng" vì biến chứng sau khi cắt bao quy đầu. Đây là lần đầu tiên trên thế giới người nhận ghép là người da trắng và người hiến dương vật lại là người da màu. Do đó, một chuyên gia về xăm thẩm mỹ phải can thiệp để dương vật ghép tiệp với màu da người nhận.
Các ca ghép dương vật nhắm đến ba mục tiêu: đứng tiểu, quan hệ tình dục bình thường và có con.
Bệnh nhân Thomas Manning (trái) chào các nữ y tá để ra viện ngày 1-6-2016. Đây là ca ghép dương vật đầu tiên ở Mỹ - Ảnh: AP
Vì sao không ghép tinh hoàn?
Trong ca ghép dương vật, bìu và da bụng dưới cho anh lính trẻ vào tháng 3-2018 tại Bệnh viện Đại học John Hopkins, các bác sĩ không ghép tinh hoàn. Giáo sư Richard Redett nhận xét: "Các tế bào mầm tạo ra tinh trùng vẫn còn trong tinh hoàn suốt cuộc đời. Nếu ghép tinh hoàn, bạn đã trao cho người nhận khả năng truyền ADN của người hiến trong khi người hiến chưa đồng ý vì đã chết não".
Bác sĩ Damon Cooney giải thích thêm: "Nếu có tinh hoàn, tinh dịch xuất ra có chứa ADN của người hiến. Sau này người nhận có con thì về di truyền đó là con của người hiến. Điều này không thể chấp nhận về đạo đức. Do không có tinh hoàn, bệnh nhân không thể xuất tinh và sẽ không có con".
* Kỳ tới: Sống sót nhờ da anh em
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận