Sản phụ Meenakshi Valand và các chuyên gia ghép tử cung Ấn Độ tại Bệnh viện Galaxy Care - Ảnh: Hindustan Times
Trước đây giới y học chú trọng ghép nội tạng để cứu mạng người. Còn nay các ca ghép chú trọng cải thiện chất lượng cuộc sống, ví dụ như ghép tử cung, dương vật hay ghép mặt dù các ca ghép loại này vẫn còn hiếm hoi.
Ca ghép tử cung từ chị em song sinh bổ sung thêm quá trình thành công trong các ca ghép mẹ - con với tỉ lệ sinh con lên đến 85%
Giáo sư MATS BRÄNNSTRÖM
Ấn Độ ghép tử cung thành công 100%
12 giờ 12 phút ngày 18-10-2018, sản phụ Meenakshi Valand 27 tuổi đã hạ sinh một bé gái kháu khỉnh tại Bệnh viện Galaxy Care ở Pune (bang Maharashtra của Ấn Độ). Bé gái cân nặng 1,45kg.
Nghe tiếng khóc chào đời của con, nước mắt lăn dài trên gương mặt người mẹ trẻ. Nhớ lại giây phút kỳ diệu ấy, chị tâm sự: "Tiếng con khóc tôi nghe cứ như tiếng nhạc trỗi bên tai vậy. Đây là cơ hội cuối để tôi có thể sinh con".
Ca sinh của chị Meenakshi là thành tựu y học quan trọng của Ấn Độ vì đây là ca sinh con đầu tiên từ tử cung ghép ở Ấn Độ và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chị kết hôn cách đây 9 năm, đã 4 lần sẩy thai và 2 lần mất em bé khi sinh do mắc hội chứng Asherman.
Người mắc hội chứng này bị dính buồng tử cung vì nội mạc tử cung bị phá hủy rộng sau nạo phá thai nên số lượng nội mạc còn lại không đủ để nuôi dưỡng dẫn đến sẩy thai.
Biết con gái mong đợi có con, bà mẹ 48 tuổi của chị Meenakshi đã quyết định hiến tử cung của bà cho con. Ca ghép được thực hiện vào ngày 18-5-2017 tại Bệnh viện Galaxy Care. Sau khi chị có kinh nguyệt, các bác sĩ cấy phôi thai vào tử cung mới. Tử cung của mẹ chị hoài thai chị ngày trước thì nay trở thành nơi hoài thai con chị.
Ngày chị Meenakshi bước lên bàn sinh, các bác sĩ đều lo lắng vì ca sinh mổ có nguy cơ thất bại. Chị phải sinh sớm do tỉ lệ đường cao trong quá trình mang thai và do uống thuốc chống phản ứng thải loại sau khi ghép.
Cổ tử cung ghép cũng không giãn dần ra trước khi sinh như tử cung bình thường. Bởi thế sau khi sinh mổ, nếu tử cung không co lại sẽ dẫn đến xuất huyết ồ ạt, lúc đó không còn chọn lựa nào khác ngoài cắt bỏ tử cung đã ghép.
Tiến sĩ Shailesh Puntambekar, giám đốc Bệnh viện Galaxy Care, bác sĩ nổi tiếng thế giới về phẫu thuật vùng bụng và ung thư phụ khoa, nói: "Ban đầu chúng tôi cũng hoài nghi nhưng khi nhìn thấy em bé chào đời, chúng tôi biết tất cả đều ổn".
Ngoài ca ghép tử cung cho chị Meenakshi Valand, tiến sĩ Shailesh Puntambekar còn thực hiện 5 ca ghép tử cung nữa và không có ca nào thất bại. Trong các ca ghép có 5 ca mắc hội chứng Mayer-Rokitansky-Kuster-Hauser (MRKH). Phụ nữ mắc hội chứng bẩm sinh hiếm gặp này có cơ quan sinh dục bình thường bên ngoài nhưng không có âm đạo và như vậy không có tử cung.
Hiện có khoảng 600 bệnh nhân đăng ký chờ ghép tử cung tại Bệnh viện Galaxy Care, trong đó 50% mắc hội chứng MRKH, 30% có tử cung bất thường và 20% bị cắt bỏ tử cung. 90% là công dân Ấn Độ và 10% ở nước ngoài.
Hầu hết còn trẻ, từ 25-30 tuổi. Đến nay Thụy Điển đã thực hiện 14 ca ghép tử cung nhưng có 4 ca gặp phản ứng thải loại. Mỹ thực hiện 8 ca, trong đó thất bại 6 ca. Trong khi đó, Ấn Độ thực hiện 6 ca đều thành công.
Giáo sư Mats Brännström (giữa) đã chỉ đạo ca ghép tử cung của hai chị em song sinh tại Serbia vào tháng 3-2017 - Ảnh: EPA
Ca ghép tử cung duy nhất giữa chị em sinh đôi
Ghép tử cung tốn kém từ 1,5 - 2 triệu rupee (từ 495 - 660 triệu đồng Việt Nam), tương đương với chi phí ghép gan, song Bệnh viện Galaxy Care đã miễn phí cho toàn bộ 6 ca ghép.
Tiến sĩ Shailesh Puntambekar giải thích: "Chúng tôi dự tính sẽ tiếp tục miễn phí cho các phụ nữ Ấn vì họ thường bị xã hội kỳ thị do thiếu tử cung. Sau thành công của ca ghép tử cung sinh em bé này, chắc chắn các nhà hảo tâm sẽ đầu tư cho các ca ghép khác".
Trong các ca ghép tử cung, ca sinh con đầu tiên trên thế giới từ tử cung ghép của chị em song sinh xảy ra ở Ý. Chị Alina 38 tuổi không có tử cung từ nhỏ do mắc hội chứng MRKH, vì thế không thể làm mẹ. Người chị em song sinh Gina đã có ba con quyết định hiến tặng tử cung.
Tháng 3-2017, ca ghép được tiến hành tại Bệnh viện Đại học Nhi khoa Belgrade (Serbia) do giáo sư Mats Brännström người Thụy Điển chỉ đạo với chi phí khoảng 50.000 euro. Hơn một năm sau, vào ngày 28-6-2018, Alina đã sinh hạ bé trai nặng gần 3kg.
Ca ghép này thành công nhờ công sức của các chuyên gia quốc tế từ Đại học Göteborg (Thụy Điển), Bệnh viện Stockholm IVF (Thụy Điển), Đại học Belgrade (Serbia), Đại học Harvard (Mỹ) và Trung tâm hỗ trợ sinh sản SISMeR (Ý).
Người có công đầu là giáo sư Mats Brännström, giám đốc Bệnh viện Stockholm IVF, người thực hiện ca ghép tử cung dẫn đến sinh con đầu tiên trên thế giới ở Thụy Điển năm 2014.
Ông giải thích: "Đây là ca ghép tử cung duy nhất trên thế giới giữa cặp song sinh đồng hợp tử. Họ có chung kiểu di truyền nên không cần điều trị bằng thuốc ngăn ngừa phản ứng thải loại suốt đời".
Ghép tử cung vốn là ca phẫu thuật phức tạp, vì lẽ đó, người hiến thường là người trong gia đình như mẹ hoặc chị. Nếu không được ghép tử cung, nhiều phụ nữ muốn có con phải nhờ đến dịch vụ mang thai hộ. Song nhiều nước như Pháp đã cấm dịch vụ này.
Pháp dự kiến đến năm 2019 mới thực hiện ca ghép tử cung đầu tiên, lấy từ người hiến đã chết não. Đây là thử thách táo bạo vì đến nay chưa có ca ghép tử cung người đã chết não nào dẫn đến mang thai.
12 ca sinh con từ tử cung ghép
Em bé đầu tiên ra đời từ tử cung ghép ở Ấn Độ và châu Á - Thái Bình Dương - Ảnh: Bệnh viện Galaxy Care
Sản phụ Meenakshi Valand ở Ấn Độ là trường hợp sinh con thứ 12 trên thế giới từ bà mẹ ghép tử cung. Em bé đầu tiên trên thế giới chào đời từ tử cung ghép sinh tại Thụy Điển vào tháng 9-2014.
Tại Mỹ, em bé đầu tiên chào đời từ tử cung ghép vào tháng 12-2017. Theo các chuyên gia, chỉ có thể dùng tử cung ghép cho một hoặc hai lần mang thai rồi lấy ra để bà mẹ khỏi phải sử dụng suốt đời thuốc chống phản ứng thải loại.
________
Kỳ tới: Trả lại "súng " cho người đàn ông
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận