Phóng to |
Ảnh minh họa |
Cái rét căm căm của những buổi mai trời trở lạnh cũng không làm mẹ rùng mình. Những đêm dần về sáng trời tối mịt mùng cũng không ngăn mẹ lỡ buổi.
Mười mấy hai chục năm trời, chỉ trừ khi đau ốm, còn lại hôm nào mẹ cũng gánh hàng ra chợ bán. Mẹ dường như đã gắn chặt với những buổi chợ quê.
Những buổi chiều quê, khi tiếng bìm bịp gọi nhau về chờ nước lớn ở bãi đất hoang um tùm phía phải mảnh vườn nhà là lúc mẹ tất tươm chắt mót đồ vườn để chuẩn bị cho buổi chợ. Có cao sang gì cho cam, chỉ mấy thứ rau dại mọc thành đám, những loại chuối xác xơ theo mùa. Khá hơn là dăm ba trái dừa khô lột vỏ, mấy trái cam, lọn xả, nhúm ớt... Thế nhưng với mẹ là cả một niềm vui.
Một ít nhọc nhằn cộng với không khí bon chen mặc cả dường như đã ăn sâu vào tiềm thức mẹ. Buôn bán lời lỗ không làm mẹ bận tâm. Mẹ bảo: đồ vườn nhà mà, bỏ công ra lấy lại chén cơm manh áo qua ngày là tốt rồi! Chỉ mong khỏe mãi để cố gùi gắng mà lo cho tụi bay. Âu đấy là phước ông bà để lại cho đấy!
Đã từ rất lâu rồi, tuy không còn đòi đi chợ với mẹ để vòi quà vặt, nhưng tận trong ký ức tôi vẫn nhớ như in những buổi chợ quê được mẹ cho đi cùng. Xách cho mẹ bốn trái dừa cột đôi lại mà tôi thấy ê ẩm cả hai tay. Mệt nhưng vui vì ít ra tôi cũng đóng góp được tí công sức vào niềm vui của mẹ.
Ngoài quà vặt cho tôi là những viên kẹo bọc đường, những củ khoai còn hôi hổi nóng, mẹ còn cho tôi biết được nhiều thứ hơn nữa. Tôi biết được chợ, biết được cái sự trao đổi mua bán của người ta, rồi hàng quán, xe cộ... Bởi mẹ hay bưng bê cái xịa hàng đi vòng quanh mà bán gấp rút khi nắng đã lên. Nắng lên mà phả hơi nóng vào mặt người thì hầu hết người mua kẻ bán đều vãn cả. Những lúc ấy lòng tôi lại dâng lên một nỗi lo âu: Biết mẹ sẽ bán hết hàng hay không? Tuy nhiên khi cái sự lo âu của con trẻ bị thói tò mò trong tôi đánh bật tự lúc nào...
Nhiều năm như thế, tôi hầu như quen dần cái cảnh "cơm hàng cháo chợ". Đôi lúc những qui luật mua bán mà người ta tạo dựng lên rồi ngấm ngầm mặc nhiên để giao ước với nhau ở chợ một cách rất bình thường. Dù biết, ít nhất rằng trong đó có bao nhiêu điều khắc nghiệt...
Tôi vào trung học. Tôi cũng ít đi chợ cùng mẹ. Thi thoảng tôi cũng phải đưa hàng phụ mẹ khi hàng nhiều.
Bây giờ đã bỏ xa lúc ấy hơn chục năm. Tôi đã tốt nghiệp Đại học. Giữa khoảng tốt nghiệp và ngày đầu nhập học - tôi biết - đó là cả một quãng đường gian lao mà mẹ phải vượt qua để lo lắng cho tôi... Vẫn ngày hai lượt đi về, với gánh hàng trên vai. Vẫn những buổi chợ quê vào những buổi mai đẫm hơi sương hay từ khi trời còn mịt mù tối. Có khác chăng đi nữa là đôi vai mẹ đã gầy hơn năm ấy và tóc thì đã bạc hơn lúc trước nhiều.
Khi đã là thanh niên rồi va chạm với cuộc đời, nhiều lúc trong tôi vẫn dâng trào nguyên vẹn cảm xúc của năm xưa. Lo lắng, báo đáp ơn nghĩa sinh thành là bổn phận của một người con như tôi. Nhưng thú thật, nhiều lúc trong cơn mơ chập chờn của một buổi mai nào đó, tôi thèm lắm cái cảm giác thức dậy cùng mẹ chuẩn bị đồ hàng... Chuẩn bị đồ hàng để ra chợ bán...
Vĩnh Long, 07-3-2007
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận