TTCT - Từ nỗ lực lập kỷ lục chạy 100km nhanh nhất Việt Nam, chàng trai Đỗ Trọng Nhơn cùng các nhà hảo tâm của cộng đồng chạy bộ RFF (Run For Fun) đã quyên góp được gần 400 triệu đồng cho quỹ phẫu thuật Operation Smile, tương đương 40 ca phẫu thuật cho trẻ em bị dị tật hở môi, hàm ếch. Trong mùa dịch bệnh, việc gây quỹ từ thiện thông qua hoạt động thể thao lại càng ấm thêm tình người.Những người hùng giản dịKhi đại dịch COVID-19 xảy ra gần 2 năm trước, tên tuổi của cụ ông Tom Moore người Anh bỗng nổi như cồn. Những bước chạy đồng hành với sự kiện thể thao vì cộng đồng của Trọng Nhơn và RFF phát động. -Ảnh: HOÀNG TÙNG Nhân dịp sinh nhật 100 tuổi, cụ ông từng là cựu sĩ quan quân đội Anh này tìm cách gây quỹ cho y bác sĩ tuyến đầu bằng cách đi bộ vòng quanh sân. Ngay khi đoạn video được đăng tải, hình ảnh ông cụ tuổi tròn trăm lọm khọm, nhưng đầy nỗ lực đi bộ cùng chiếc xe đẩy của mình đã tạo nên một làn sóng truyền cảm hứng mạnh mẽ.Hơn 1 triệu người đã tham gia quyên góp cho chiến dịch gây quỹ của cụ Tom Moore, giúp thu về số tiền lên đến gần 40 triệu USD. Người dân Anh dí dỏm gọi cụ Moore bằng biệt danh “Captain Tom”, ví von với anh chàng siêu nhân Captain America trong truyện tranh Mỹ. Cụ Moore được Nữ hoàng Anh ban tước hiệp sĩ nhờ những đóng góp to lớn cho cộng đồng. Không lâu sau đó, cả nước Anh đổ lệ trong buổi tang lễ của “Captain Tom”, một người hùng nhưng cũng là nạn nhân của đại dịch. Câu chuyện của cụ ông Tom Moore là minh chứng cho giá trị lan truyền cảm hứng trong thể thao. Một người bình thường, với một hành động quá đỗi bình thường, lại có thể lan tỏa giá trị xã hội tương đương các ngôi sao giải trí hàng đầu.Ngày nay, việc gây quỹ từ thiện thông qua thể thao phổ biến đến mức có nhiều trang web để bạn truy cập, thiết lập một thách thức để chinh phục, và kêu gọi cộng đồng tham gia hỗ trợ. Đó có thể chỉ là một chuyến đạp xe vòng quanh thành phố, hay nỗ lực bơi dọc bờ biển. Cho một mục đích cao đẹp, những hoạt động thể thao đơn giản đôi lúc còn lay động con tim hơn sự quảng bá rầm rộ. Và không chỉ có ở phương Tây, những hoạt động thể thao ý nghĩa như vậy ngày càng xuất hiện nhiều ở VN.Từ mục tiêu thử thách bản thânKhi Trọng Nhơn đưa ra ý tưởng chạy 100km để gây quỹ cho Operation Smile, anh lập tức nhận được sự ủng hộ từ đông đảo cộng đồng chạy bộ TP.HCM. Bản thân Nhơn là HLV chạy bộ, nhưng vì dịch bệnh, anh cho biết thời gian qua không có nhiều dịp để chứng tỏ bản thân ở các giải đấu.“Bản thân mình muốn tạo nên một thử thách đặc biệt để duy trì tính nghiêm khắc trong việc tập luyện. Mình quyết định chọn thời điểm chuyển giao năm mới để lập kỷ lục cự ly 100km". "Trước đây mình từng nghe có một anh ở Đà Nẵng chạy được 100km trong 8 giờ 58 phút. Mình không quá quan tâm đến việc lập kỷ lục, nhưng quan trọng là muốn đặt ra một cột mốc để chinh phục, thử thách bản thân và gắn kết với các kế hoạch vì cộng đồng". "Vì vậy mình chọn cột mốc 8 giờ 30 phút, và liên kết thử thách của mình với tổ chức phẫu thuật nụ cười Operation Smile”, Trọng Nhơn chia sẻ.Ý tưởng của Nhơn được đông đảo cộng đồng chạy bộ ủng hộ. Chị Trương Liễu, đại diện RFF, nói: “Khi biết được ý tưởng của Nhơn, chúng tôi nghĩ mục tiêu, nghĩa cử của Nhơn quá đẹp. Vì RFF muốn tiếp sức, cổ vũ cho Nhơn nên chúng tôi định tổ chức một sự kiện nho nhỏ thôi, nhằm kêu gọi thêm sự góp sức từ cộng đồng, các mạnh thường quân. RFF đã có kinh nghiệm tổ chức những sự kiện như thế này". "Chúng tôi muốn thúc đẩy tinh thần của cộng đồng hướng về những hoạt động không chỉ cho bản thân, mình còn chạy vì cộng đồng, những con em mình trong gia đình cũng sẽ hiểu, mình sẽ chạy cho những bạn nhỏ kém may mắn hơn mình”.Nỗ lực đến bước chạy cuối cùngTrọng Nhơn bắt đầu kế hoạch tập luyện kéo dài 12 tuần sau khi TP.HCM gỡ bỏ giãn cách. Anh Phan Đăng Sơn, cũng là một HLV trong nhóm chạy bộ của Nhơn, cho biết mục tiêu chạy 100km trong khoảng thời gian dưới 9 giờ “ở VN chỉ có lơ thơ vài người làm được”. Bản thân Trọng Nhơn cũng không quá đặt nặng việc hoàn thành mục tiêu, điều anh muốn là nỗ lực hết sức vì mục đích cộng đồng.Ngay khi câu chuyện của Nhơn được đăng tải, đông đảo người chạy bộ đã tham gia sự kiện run4smiles (chạy vì những nụ cười) do RFF tổ chức ngày 19-12 tại quận 7 (TP.HCM). Các nhà tài trợ, nhà hảo tâm của sự kiện cam kết sẽ đóng góp vào quỹ số tiền tương ứng với số km chạy được (có nhiều mức khác nhau theo nhà tài trợ của mỗi nhóm chạy, vào khoảng 10.000 đồng/km). Đây cũng là một hình thức rất phổ biến với các hoạt động thể thao mang mục đích cộng đồng.Hành trình của Nhơn bắt đầu từ 15h30 ngày 19-12 và xuyên suốt cuộc chạy, Nhơn không bao giờ cô độc, kể cả khi anh gần hoàn thành cự ly vào khoảng nửa đêm. Ban tổ chức cho biết đã nỗ lực tách đoàn để giữ khoảng cách người chạy cùng Nhơn nhưng không thành công do tình cảm của mọi người dành cho Nhơn quá lớn. Càng về khuya thì số người chạy càng đông, luôn có khoảng 100 - 200 người đồng hành cùng anh.Dù đã lên kế hoạch tập luyện rất kỹ, sở trường của chàng trai Bình Định không phải ở đường chạy ultra marathon. Vì vậy khi bước đến ngưỡng km thứ 80, cơ thể anh bắt đầu xuất hiện nhiều dấu hiệu bất ổn. Trong khoảng 18km cuối cùng, Trọng Nhơn đã phải cắn răng chạy trong đau đớn. Nhưng tinh thần quyết tâm vì mục đích cao đẹp, cùng tình cảm cổ vũ của các bạn đồng hành đã giúp anh không bỏ cuộc. Cuối cùng, Trọng Nhơn hoàn thành cự ly 100km trong thời gian vừa tròn 9 giờ đồng hồ.Kỷ lục đã không bị phá, nhưng giá trị của thể thao không nằm ở những tấm huy chương, mà ở nỗ lực chiến thắng bản thân và lan truyền nguồn cảm hứng. Dù không thể chinh phục thử thách “siêu khó” tự đặt ra, nhưng nỗ lực chạy hết 100km của Trọng Nhơn đều được giới chạy bộ thán phục.Và không chỉ có mình Trọng Nhơn, mỗi người chạy đồng hành cùng sự kiện run4smiles đều mang đến những giá trị đẹp, những hình ảnh thú vị và xúc động bên cung đường chạy quận 7. Như anh Việt, chị Trang - đôi vợ chồng tham gia tài trợ sự kiện đã chọn cùng nhau chinh phục cự ly 22km để kỷ niệm 22 năm ngày cưới. Hay rất nhiều người chạy khác đều nỗ lực đến những bước cuối cùng, vượt quá khả năng ngày thường của họ, vì mỗi một bước chạy ở run4smiles lại mang tới thêm một nụ cười…“Đau nhưng đã”Đến đầu tuần này, Tổ chức Operation Smile đã nhận được 394,7 triệu đồng từ các nhà hảo tâm ủng hộ thông qua sự kiện run4smiles. Đa phần là các khoản quyên góp nhận được từ sự vận động của RFF cùng các học viên - huấn luyện viên T-coaching Family. Trên tài khoản mạng xã hội, Trọng Nhơn chia sẻ hình ảnh đôi bàn chân rướm máu, với phần móng chân muốn bật lên sau hành trình 100km. Anh chia sẻ: “Đau lắm nhưng đã lắm ạ. Chưa bao giờ dám nghĩ mình sẽ lan tỏa được một điều lớn lao như vậy cả”. Tags: Từ thiệnChạy bộChạy bộ 100kmChạy vì nụ cườiChạy 100km
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đua theo ‘cơn sốt’ ăn táo đỏ, những ai không nên ăn? ĐOÀN NHẠN 22/11/2024 Nhiều người đang theo trào lưu mua táo đỏ trên mạng để ăn hằng ngày, nhưng cần lưu ý cách dùng đúng để đạt công dụng và tránh bất lợi.
Bà Tôn Ngọc Hạnh trở thành bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước A LỘC 22/11/2024 Bà Tôn Ngọc Hạnh, 44 tuổi, được điều động, chỉ định làm tân bí thư Tỉnh ủy Bình Phước và là bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước hiện nay.
Khám xét nơi ở và làm việc của viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM ĐAN THUẦN 22/11/2024 Ngày 22-11, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã thi hành lệnh khám xét nơi làm việc và chỗ ở của ông Huỳnh Nguyễn Lộc, viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM.
Gần 150 bộ hài cốt ở phố Tây Sơn không phải của binh lính nhà Thanh PHẠM TUẤN 22/11/2024 Ngày 22-11, nhà chức trách cho biết gần 150 bộ hài cốt phát hiện trên phố Tây Sơn, Hà Nội là của người dân bình thường, được chôn cất ở đây từ 50-70 năm.