​Những bức tranh của vua Hàm Nghi

Q.THI 20/03/2015 02:03 GMT+7

TTCT - Sự xuất hiện của nghiên cứu sinh tiến sĩ lịch sử nghệ thuật Việt Nam Amandine Dabat của ĐH Paris - Sorbonne (Paris IV), hậu duệ đời thứ 5 của vua Hàm Nghi (1871-1944), trong buổi nói chuyện tuần qua tại TP.HCM đã mở ra nhiều điều thú vị về cuộc đời vua Hàm Nghi trong những ngày tháng ở Algeria.

Bức Chiều tà, từng được đấu giá tại Paris năm 2010 với giá 8.800 euro (ảnh chụp lại)

Những bức tranh năm 1889 cho thấy vua Hàm Nghi vẽ tranh chỉ một năm sau khi bị cách ly sang Algeria (1888). Để “khai hóa văn minh” Pháp, chính quyền Pháp cử Marius Reynaud - họa sĩ Pháp sống ở Algeria - dạy vẽ cho ông.

Về sau, bắt đầu từ năm 1899, trong những chuyến du lịch hai năm một lần đến Pháp, vua Hàm Nghi học điêu khắc với nhà điêu khắc vĩ đại August Rodin (1840-1917). 

Ông đã khám phá con đường nghệ thuật qua vẽ tranh, nặn tượng, rồi dành thời gian cho hội họa cả ngày. Có khi, như một họa sĩ trường phái ấn tượng Pháp, ông thử vẽ phong cảnh một nơi bằng nhiều ánh sáng khác nhau như bình minh, trưa, hoàng hôn...

Eva - điêu khắc đồng năm 1925, hình ảnh Eva tay cầm trái táo, tay u uất che mặt buồn cho thiên đường đã mất. Amandine Dabat giải thích đó cũng là nỗi buồn đất nước đã mất của vị vua (ảnh chụp lại)

Năm 1962, sau một cuộc chiến ở Algeria, ngôi nhà của vua Hàm Nghi bị cháy rụi nên rất nhiều tác phẩm của ông không còn nữa. Amandine Dabat cho biết di sản hội họa của vua Hàm Nghi còn dưới 100 bức, phần nhiều là những bức tranh ông tặng bạn bè, gia đình...

Tranh của vua Hàm Nghi chịu ảnh hưởng của các họa sĩ trường phái ấn tượng, hậu ấn tượng của Pháp nhưng màu sắc trong tranh kém tươi sáng hơn, đượm vẻ u ám, buồn bã như tâm trạng của một vị vua vong quốc.

Phong cảnh cảng biển Blanc vùng Saint Lunaire (Pháp), vẽ năm 1912 (sơn dầu)

Ông vẽ nhiều phong cảnh Pháp, Algeria. Và giống như tranh của danh họa Nga I.V.Levitan (1860-1900), những bức tranh phong cảnh của vua Hàm Nghi rất hiếm khi có bóng dáng con người, thể hiện một tâm hồn cô đơn, u uất.

Xưa nay, chuyện các nguyên thủ quốc gia mê hội họa không phải là hiếm. Tháng 12-2014, bức Goldfish pool at Chartwell của cựu thủ tướng Anh W.Churchill (1874-1965) được đấu giá 22,4 triệu USD ở sàn đấu giá Sotheby’ London.

Phong cảnh Pháp vẽ năm 1920, chịu ảnh hưởng phong cách hậu ấn tượng (ảnh chụp lại)

Nhưng tháng 11 năm đó, bức vẽ tòa thị chính Munich của trùm phát xít A.Hitler chỉ bán được giá 162.000 USD. Trong hội họa, W.Churchill lại hạ knock-out A.Hitler một lần nữa. Cũng chính W.Churchill là người gieo cảm hứng hội họa cho các nguyên thủ quốc gia sau này như cựu tổng thống Mỹ Jimmy Carter, G.W.Bush.

Năm ngoái, G.W.Bush từng có cuộc triển lãm tranh “đình đám” tại quê hương Texas, với những bức vẽ chân dung các nguyên thủ quốc gia. 

 

 

 

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận