Bryan Trần (trái) và các sinh viên trong một giờ học - Ảnh: NVCC
Những giờ giảng của thầy Bryan được sinh viên hào hứng gọi là những "bữa tiệc" về văn hóa, ngôn ngữ Anh.
Đến Huế nhận nhiệm vụ mới từ tháng 9-2022, nhưng với sự nhiệt tình, nụ cười thân thiện luôn nở trên môi và khả năng nắm bắt tâm lý người học Việt Nam, chỉ trong thời gian ngắn, Bryan đã chiếm được cảm tình của rất nhiều cô cậu sinh viên từng học tiết tiếng Anh chuyên ngành của mình.
Sáng tạo không gian giảng dạy
"Thầy Bryan tạo niềm hứng thú rất lớn cho gần như mọi sinh viên trong lớp mình học tiếng Anh. Mọi tiết học đều vô cùng vui vẻ, thầy luôn đem những gì thực tế nhất cho tụi mình.
Ngày trước nhiều bạn ngại đến giờ học tiếng Anh vì thường chỉ tuân theo sách vở, nay chúng mình chờ đợi mỗi tuần để tới tiết học" - Lê Nguyễn Quỳnh Thi, sinh viên Trường Du lịch (ĐH Huế), chia sẻ.
Mỗi buổi dạy có sự xuất hiện của thầy Bryan sẽ được chia thành hai phần. Phần đầu do các thầy cô Trường Du lịch đảm nhiệm dạy, sau đó dựa trên những điểm kiến thức và ngữ pháp của đồng nghiệp đã truyền đạt với sinh viên, thầy Bryan sẽ đem vào những phần thực hành.
Tôn chỉ sẽ là làm thế nào để sinh viên nói được càng nhiều càng tốt, có thể vượt qua được sự rụt rè vốn có để luyện nói, giao tiếp.
Thầy Bryan linh hoạt biến cho lớp học trở thành những không gian khác nhau cho sinh viên "đắm mình" vào tiếng Anh.
Chẳng hạn, thay vì bắt sinh viên giới thiệu bản thân quen thuộc, thầy "hóa phép" cho lớp học thành một sự kiện âm nhạc, ở đó các sinh viên sẽ vào vai những ca sĩ nổi tiếng như Ariana Grande, Taylor Swift... trả lời phỏng vấn về đời tư của mình trước cánh phóng viên trên thảm đỏ.
Sự hào hứng và vui nhộn của sự kiện đã làm cho ngay cả các sinh viên trước nay ngại phát biểu cũng tham gia "hóa thân".
Bryan chia sẻ: "Tôi thường viết những mẫu "Tôi có thể..." để truyền động lực cho sinh viên. Sau mỗi tiết học, tôi cùng các bạn lại viết ra những dòng như: Chúng tôi đã học được gì, chúng tôi cần cải thiện gì thêm cho những tiết học sau? Tôi xem lớp học như một nhóm giữa những đồng đội với nhau".
Những giờ học được Bryan tiếp tục duy trì ngoài lớp, đặc biệt qua những buổi đi ăn. Thầy trò thường dắt nhau đi ăn tối, tại đây các sinh viên sẽ chia sẻ cho Bryan về các món ăn, cách làm, những câu chuyện thú vị đằng sau thế giới ẩm thực ở Huế.
Tất cả đều bằng tiếng Anh. Khi thì bún bò, cơm hến, khi thì bánh bèo, bánh canh... nhiều bữa tiệc tiếng Anh như thế kéo dài hơn 3 tiếng cho đến khi học trò được nói tiếng Anh "đã đời" thì thôi.
Biết sinh viên của mình sẽ dùng tiếng Anh để làm những nghề du lịch sau này, Bryan cùng các bạn thăm thú nhiều nơi từ nội ô Huế ra biển Lăng Cô, có lúc đi tour xe máy một ngày đến Hội An.
Trong những chuyến đi này, Bryan thường trong vai một vị khách Tây lần đầu vào Việt Nam, để các sinh viên thực tập giới thiệu các điểm đến từ A tới Z như những hướng dẫn viên thực thụ.
"Về nhà"
Bryan Trần sinh trưởng tại New York (Mỹ). Ở vùng ít người Việt nhưng từ nhỏ, ba mẹ đã dạy Bryan nói tiếng Việt trong gia đình, sau đó mới bắt đầu cho học tiếng Anh.
Bryan lấy bằng cử nhân tiếng Pháp tại Trường Le Moyne College (Mỹ) rồi đi dạy tiếng Pháp tại trường phổ thông. Bryan cũng đang theo chương trình cao học chuyên ngành ngôn ngữ và sư phạm Pháp ngữ tại Trường Middlebury College (Mỹ).
Năm 2018, lần đầu tiên Bryan có dịp về Việt Nam, thăm họ hàng ba mẹ còn sống tại Huế. Bryan tâm sự: "Năm đó tôi chưa thật sự hiểu nhiều điều về Việt Nam nhưng khi ra về, tôi đã khóc rất nhiều. Tôi không biết vì sao.
Có lẽ, tôi cảm thấy có một sự liên kết đặc biệt giữa tôi và Việt Nam. Tôi tự thôi thúc mình một ngày nào đó sẽ quay lại Việt Nam nhưng không chỉ bằng một chuyến du lịch ngắn ngày, mà có thể sống và làm việc trong một khoảng thời gian".
Bốn năm sau, duyên số đã đưa Bryan về lại Huế. Quả thật là "duyên số", bởi lẽ các ứng viên tham gia chương trình Trợ giảng tiếng Anh Fulbright sẽ không được chọn tỉnh thành đến, và Bryan đã được chương trình xếp ngẫu nhiên về Trường Du lịch (ĐH Huế).
Bryan chia sẻ đây như một chuyến "về nhà". Bryan được sống nơi mà ba mẹ mình từng sinh ra và lớn lên. Bryan được gặp gỡ những người thân của ba mẹ. Bryan được tiếp xúc với rất nhiều người nói tiếng Huế - điều mà chưa bao giờ bạn có thể cảm nhận được ở Mỹ.
Bryan tâm sự sau ba tháng, bạn đã thấy trưởng thành hơn rất nhiều. Bryan hiểu thêm về quê hương, biết mình là ai, cảm nhận được nhịp sống ở Huế. Bryan đã biết chạy xe máy và học được thêm một kho từ vựng đồ sộ.
"Từ đây đến khi về nước vào tháng 5-2023, tôi sẽ tận dụng thời gian cho các sinh viên của mình có thể trải nghiệm tiếng Anh càng nhiều càng tốt. Tôi cũng sẽ tranh thủ đi tham quan một số địa danh ở Việt Nam. Hơn hết, tôi muốn xây thêm những mối gắn kết với cộng đồng ở đây" - Bryan nói.
Đại sứ văn hóa Việt - Mỹ
Chương trình Trợ giảng tiếng Anh Fulbright do chương trình Fulbright tại Việt Nam quản lý, thuộc Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội.
Ra đời năm 2008, chương trình gửi trợ giảng tiếng Anh bản ngữ cho nhiều trường phổ thông, cao đẳng và đại học tại Việt Nam nằm ngoài hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM.
Trong thời gian một năm học, các trợ giảng sẽ giảng dạy kỹ năng nghe, nói để góp phần phát triển hoạt động giảng dạy tiếng Anh tại trường tiếp nhận, đồng thời sẽ như một đại sứ văn hóa tại Việt Nam.
"Làn gió mới"
ThS Đàm Lê Tân Anh - giảng viên Trường Du lịch (ĐH Huế) - cảm nhận Bryan Trần đã mang một "làn gió mới" cho các môn học Bryan tham gia trợ giảng. Bryan có sự nhiệt tình và luôn sáng tạo cho từng tiết học.
Bryan truyền được cho các sinh viên một tinh thần học hỏi và chủ động vượt qua trở ngại khi học tiếng Anh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận