Phóng to |
Ông Sáu (áo trắng) kiểm tra lại kho gạo. Mỗi bữa quán cơm Thiện Tâm dùng hết khoảng 100kg. Số gạo trong kho hiện có là 2,7 tấn - Ảnh: Minh Đức |
Cơm “thiện tâm”
Một tấm biển màu vàng treo trên cây: “Thiện Tâm - quán cơm chay miễn phí, phục vụ trưa thứ ba, năm, bảy, từ 10-12g”. Đúng giờ, các thực khách xếp hàng dưới bóng cây chờ tới lượt. Thông thường một đĩa cơm chay được bới khoảng hai chén cơm, kèm theo miếng đậu hũ, thêm rau, su su xào. Nhưng nếu ai cần ăn thêm cứ việc lại xin thêm đồ ăn cho tới khi no bụng. Cũng có người tới ăn nhiều lần, các tình nguyện viên quen mặt, biết rõ sức ăn từng người nên tự động bới thêm ít cơm, không quên “khuyến mãi” thêm một nụ cười và những lời thăm hỏi.
Một người đàn ông khắc khổ, mọi người vẫn gọi là chú Hồ “ve chai”, 56 tuổi, bưng đĩa cơm ra bàn ngồi. Rưới thêm một chút nước tương cho vừa miệng, chú cười: “Đỡ lắm, mình lượm ve chai, tiền chẳng có dư để mà ăn uống đầy đủ. Tuần nào tôi cũng ghé đây, có bàn ghế ngồi, có dù che nắng, có nước uống miễn phí. Ăn xong ngồi nghỉ thêm mươi phút rồi đi làm tiếp, thế là no tới chiều”.
Một người thợ ngồi ngay dưới bệ cỏ xúc từng miếng cơm ăn. Thấy có người nhìn, anh chỉ cười cười thẹn thùng giấu đôi bàn tay còn lấm lem chưa kịp rửa. Chú Hồ nói anh làm nghề bốc vác, xong việc là chạy tới đây liền vì sợ hết cơm. “Chắc nó đói đấy thôi, cơm Thiện Tâm mãi gần trưa mới hết, có để ai phải nhịn bao giờ”.
Gần trưa, khi thực khách đã vãn, chị Đoàn Thị Huệ (55 tuổi, quê Quảng Ngãi) mới đi bộ tới. Chị ngả chậu đựng bánh giầy xuống, ngồi quạt một lát mới ra lấy cơm ăn. Chị xin thêm một trái ớt để ăn “cho đỡ nhạt miệng”, quay sang cười nói: “Tui đi bán bánh giầy, bánh giò, nhưng bao giờ bán ế lắm mới dám ăn, không thì cụt vốn. Tui trọ bên Khu công nghiệp Tân Bình, đi bộ bán hàng, cứ mỗi tuần lại tính toán sao ghé đây ăn trưa một vài bữa, tiết kiệm được thêm chút tiền gửi về quê”.
Có một cô bé đến từ rất sớm, đứng tần ngần bên gốc cây đợi vãn người mới qua chào ông Sáu, chủ quán, nói mẹ con đọc báo biết được quán cơm của bác, nhưng bận đi làm nên gửi con tiền góp thêm cho bác làm việc thiện. Một người đi đường dừng xe tấp vào hỏi thăm ông Sáu. Anh góp 2 triệu đồng rồi vội vã đi ngay: “Con nghe ông Sáu làm việc tốt, con tới góp thêm một chút, mai mốt con lại ghé nữa”. Ông Sáu hỏi tên nhưng người khách chỉ cười, xua tay và nhất định không để lại tên tuổi.
Ông Sáu mà mọi người trìu mến gọi tên thật là Lê Công Thượng (74 tuổi), quê Cần Thơ, mở quán cơm Thiện Tâm từ năm 2007 đến nay. Ban đầu mọi chi phí nấu nướng đều do ông và người bạn gom góp vào. Sau này tiếng lành đồn xa, nhiều người biết đến quán của ông, thi thoảng ghé vào ủng hộ một số tiền. Bây giờ cứ đều đặn mỗi thứ ba, năm, bảy hằng tuần lại có 400-500 suất ăn miễn phí được đưa đến với người nghèo.
Ông Sáu nói giản dị: “Tôi đặt tên quán là Thiện Tâm, đặt quán ngay cạnh chùa, chỉ mong muốn cái tâm thiện sẽ được nhân lên, được lan tỏa ra cộng đồng. Nhiều người hiểu được việc làm của mình nên cùng chung tay góp sức giúp người nghèo khổ. Còn những người được giúp đỡ, mong sao họ cũng thấy được tấm lòng của mọi người mà cố gắng, nỗ lực để lo tốt hơn cho cuộc sống của mình. Tôi nghĩ đó mới là điều quan trọng nhất mà quán cơm đã làm được trong chừng ấy năm”.
Phóng to |
Những bệnh nhân nghèo được ấm lòng với bữa cơm miễn phí tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - Ảnh: H.Điệp |
Không phải lo cái ăn
15g chủ nhật, tại cổng Bệnh viện Ung bướu TP.HCM có một chiếc xe lôi chất đầy nồi lớn nhỏ, tô giấy, muỗng nhựa, bình gas, bếp gas... và hàng chục món đồ khác phục vụ một cửa hàng thực phẩm di động. Chỉ mươi phút dừng xe, những người đàn ông trong tổng số 11 người ấy khệ nệ bê từ trên xe xuống đất những món đồ chay, cháo mặn thì từng lượt, từng lượt người trật tự xếp thành hàng dài. Chiếc bếp gas công nghiệp được bật lên ở ngay ven đường, nồi nước lèo đựng hàng trăm lít nước lục bục sôi thì 11 người chia nhau, người chia bánh canh, người trụng nui trong nồi nước lèo, người chan nước, người bỏ hành... lần lượt phát cho những người đang xếp hàng rất trật tự.
Bế đứa con gái nhỏ 4 tuổi mà chỉ nặng 10kg trên tay, anh Nguyễn Hữu Nguyên (quê Nghệ An) âu yếm hỏi con gái: “Con có ăn cháo không để bố xin cho”. Đứa trẻ dụi đầu vào ngực cha nói: “Không, con không ăn”. Anh Nguyên tiếp tục thuyết phục: “Con ăn đi, cháo ngon lắm, ăn một chút, để bố xin nhé”...
Vợ chồng anh Nguyên làm công nhân ở Bình Dương. Mới đây chị vợ phát hiện khối u ở cổ nên đã đến Bệnh viện Ung bướu TP.HCM điều trị gần hai tháng: “Gần đây mẹ cháu mới phẫu thuật nên cả nhà lên bệnh viện. Con lên theo thì cũng phát hiện con có cái u ở cổ nhưng bác sĩ nói uống thuốc và theo dõi thêm..”. Cả hai vợ chồng đều làm công nhân, gia cảnh ở quê lại nghèo nên khi cả nhà bồng bế nhau lên bệnh viện thì cũng chỉ có ba người tự chăm sóc nhau: “Dù ở viện nhưng cũng đỡ lắm, cả tháng vợ điều trị ở đây rồi nhưng mới nộp 8 triệu đồng tiền mổ tuần trước, còn mọi miếng ăn, miếng uống đều được cho” - anh Nguyên nói, ánh mắt rưng rưng.
Được cho, có nghĩa là bữa ăn của vợ anh Nguyên đang nằm ở bệnh viện có chế độ ăn uống riêng, đảm bảo vệ sinh và dinh dưỡng cho một người bệnh sau hậu phẫu đã được bếp ăn từ thiện của Bệnh viện Ung bướu cung cấp ngày ba lần. Hai bố con anh Nguyên thì có thể ra cổng bệnh viện xếp hàng lấy thức ăn cả ba bữa sáng, chiều, tối với đủ các món chay, mặn, cơm, cháo, bánh canh, nui... của những nhà hảo tâm mang đến phát miễn phí. “Nhiều người phát, mỗi ngày mấy lần phát nên không lo thiếu đồ ăn, tôi ở bệnh viện cả tháng nay rồi, chưa ngày nào phải đứt bữa. Bởi vậy cũng yên tâm hơn với việc chăm sóc vợ và con, thấy được an ủi nhiều lắm”.
Nhiều bếp ăn miễn phí Tại Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Nhi Đồng 2, Bệnh viện Chợ Rẫy..., những bếp ăn từ thiện dành cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện đã được nấu nướng sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh nhờ lòng hảo tâm của hàng ngàn người đang sinh sống trên khắp TP. Nhờ những bữa cơm từ thiện đó mà rất nhiều bệnh nhân cảm thấy được an ủi phần nào khi đang điều trị tại các bệnh viện. Và không chỉ có những bếp ăn từ thiện tại bệnh viện, rải rác khắp các quận, huyện của TP, tại các ngôi chùa... đều có những bếp ăn miễn phí dành cho những người cơ nhỡ, khó khăn, những hoàn cảnh neo đơn cần được giúp đỡ. Và không chỉ có những bữa ăn từ thiện “đỡ khi đói lòng” mà tại Sài Gòn còn có hàng chục địa chỉ bán cơm hỗ trợ người khó khăn với mức giá chỉ từ 2.000-5.000 đồng/suất. |
_____________
Kỳ tới: Cuốc xe... tình người
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận