Phóng to |
Nữ công nhân tại một công trình xây dựng cao ốc ở đường Điện Biên Phủ, Q.3, TP.HCM - Ảnh: Mỹ Thương |
Trong vai một nữ nhân công, tôi cùng làm, cùng lắng nghe những bóng hồng ấy kể chuyện về công việc của mình. Ngày đầu tiên làm việc, đang khệ nệ khiêng tấm ván để chuyển cho thợ chuẩn bị đổ sàn thì tôi nghe tiếng la thảng thốt: “Có người bị té rồi”. Ngay lập tức cả công trường mấy chục con người chạy đến. Chị Lan - người vừa ngã - mặt trắng bệch nằm sóng soài dưới đất, chân đâm phải một thanh sắt chọc ngược lên máu chảy loang kín khoảng đất dưới chân. Chị bị té khi đang bô sắt trên lầu 1...
Nguy hiểm rình rập
Đó chỉ là một trong không ít tai nạn mà tôi vẫn thấy ở công trường những ngày làm công nhân xây dựng. Thường đến mức lâu dần thành quen, những nữ công nhân ở công trường xây dựng dường như quên mất mình từng có nỗi sợ hãi những ngày đầu.
Ngày đầu đi làm, tôi được cai giao lên tầng 7 phụ thợ đổ sàn, gió thổi ù ù bên tai. Tôi vội tìm đường qua sàn, muốn rớt tim khi lối đi từ cầu thang sang tòa nhà đang đổ sàn chỉ là một thanh côppha rộng chưa đầy một bàn tay người lớn. Thấy mặt tôi xanh lét, chị Na - một công nhân làm gần đó - động viên: “Hồi đó cai kêu leo lên giàn giáo bô sắt tui sợ gần chết, nhưng dần rồi quen”. Nhắc đến tai nạn trên công trường, chị Thiếu Oanh kể: “Có lần đang lắp giàn giáo thì tui bị thanh xà gồ rơi trúng đầu suýt chết. Hên là có mũ bảo hộ”.
Chị Thúy cạnh đó cũng chia sẻ: “Hồi còn làm ở một công trường trên đường Điện Biên Phủ, tui từng bị một thanh sắt lao từ tầng trên xuống, chỉ chậm chút xíu là rơi trúng đầu. Thanh sắt do một ông làm ở lầu 8 lỡ tay làm rơi xuống. Bận đó về không ăn nổi cơm luôn”. Tôi hỏi: “Thấy vậy mà mấy chị không sợ à?”. Có chị trả lời: “Sợ thì sợ nhưng cũng phải làm thôi. Không làm lấy gì mà ăn”.
Gánh nặng mưu sinh
11g30, công trường trở nên yên tĩnh trong giờ nghỉ trưa. Sau bữa cơm bụi trước công trường, vợ chồng chị Thiếu Oanh kéo tôi lên lầu 2 kiếm chỗ ngủ. Chị Oanh an ủi tôi: “Nghỉ tạm đi. Giờ chưa quen chứ làm ít hôm sẽ thấy bình thường à”. Chị Oanh năm nay 36 tuổi, quê ở Đồng Tháp, da lúc nào cũng đỏ au như người vừa uống rượu, đã ba năm lăn lộn ở các công trình xây dựng. Bốn năm trước thấy người ta nuôi vịt có tiền nên chị cùng chồng mượn tiền trả góp được 30 triệu đồng để làm ăn, chưa được mấy tháng thì bị dịch cúm, vịt chết hết. Vốn liếng mất sạch, bán mấy công ruộng cũng không trả hết nợ, chị cùng chồng và con trai kéo nhau lên thành phố làm công nhân kiếm tiền trả nợ. Làm được hai năm thì dứt nợ, còn có tiền để dành mua cái xe máy. Chị tâm sự: “Làm ở đây tuy cực nhưng có tiền dư gửi về cho tụi nhỏ đi học. Chứ để tụi nó đi làm thuê khổ lắm...”. Ngày nào chị cũng bắt đầu công việc từ lúc 7g, kết thúc sớm thường là 21g, nhiều hôm làm đến 0g, những hôm đổ sàn thì làm qua đêm.
Trong công trường tôi chú ý một cô công nhân với cặp kính cận dày cộp, thân hình nhỏ bé, giấu nụ cười trong chiếc khẩu trang che kín mặt. Mọi người trong công trường tự hào nói với tôi: “Đây là cô công nhân có trình độ cao nhất ở đây”. Ngọc đang là sinh viên năm cuối Trường cao đẳng Công nghiệp thực phẩm. Đưa bàn tay nhỏ nhắn chai sạn vuốt mồ hôi, Ngọc kể về cuộc đời mình. 18 tuổi đến TP.HCM thi đại học, vừa buông bút khỏi phòng thi Ngọc theo người quen đi làm công nhân xây dựng, thi đậu cũng làm công nhân để đủ tiền đóng học phí, tiền ăn. Ngọc nói: “Đi học buổi sáng thì buổi chiều đi làm rồi tối tăng ca. Nhiều hôm đến lớp mắt mở không ra, tay cứ như tay người khác. Những ngày thi người ta ở nhà ôn còn mình lên công trường cầm một tờ giấy có ghi sẵn bài, rảnh lúc nào đọc lúc đó. Vậy mà cũng qua suôn sẻ”.
Tôi rời việc sau một tuần làm thuê trên công trường. Ngoài tiền công ít ỏi tôi còn được khuyến mãi thêm làn da ngăm đen, những vết chai sần trên tay và tình cảm ấm áp mà những cô gái công trường dành tặng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận