Ngọc Anh luyện tập trên đường đua trước giải đua môtô chuyên nghiệp - Ảnh: LÊ VÂN
Để chạy thuần thục được những chiếc môtô phân khối lớn, thậm chí trên 1000cc, các kiều nữ phải khổ luyện. Nhưng đằng sau tay lái, họ được sống như mơ ước - sôi động và thử thách chính mình trên những cung đường đẹp hay tốc độ trường đua.
Một số người sắm môtô để nẹt pô, phóng nhanh, vượt ẩu, "lấy le, khoe ngầu". Vậy là không đúng. Dân chơi môtô thứ thiệt là mê xe, mê đường đẹp hoặc tốc độ trường đua hợp pháp. Nhưng dù thế nào cũng phải an toàn trên hết, phải tuân thủ luật giao thông.
Trần Thị Hà (một nữ biker môtô 600cc ở TP.HCM)
Đam mê và khổ luyện
Trần Ngọc Anh, cô gái quê Nha Trang, tay đua môtô phân khối lớn hiếm hoi là một người như vậy. "Từ bé mình đã thích xe, nhưng sở thích rõ ràng hơn từ khi mình được lái thử một chiếc xe tay côn của bạn. Đó là chiếc xe Honda 67, rồi mình quyết định chọn chiếc Exciter 150cc (cc - phân khối) là con xe đầu đời cho mình", Ngọc Anh chia sẻ.
Đường đua mà Ngọc Anh cùng nhiều cô gái mê "ôm cua cạ gối" nhắm đến là những trường đua chuyên nghiệp được tổ chức và cấp phép bởi Liên đoàn Xe đạp - môtô thể thao Việt Nam. Lễ 30-4 vừa qua, Ngọc Anh còn tiếc hùi hụi vì nếu không có dịch giã, cô và những tay đua chuyên nghiệp, cả nam lẫn nữ đã được tham gia giải đua môtô phân khối lớn "Awakening Road 2021 - Con đường thức tỉnh" tại trường đua Đại Nam, Bình Dương.
Chơi xe phân khối lớn với những tay đua dù là phái mạnh cũng thừa nhận ai đã chơi là phải chịu... khổ. Đầu tiên là "thuần" được trọng lượng xe môtô có khi nặng tới hơn 200kg. Ngọc Anh kể khổ trong sự hóm hỉnh: "Mình từng chạy những chiếc phân khối từ 500cc đến 1000cc... Toàn khổng lồ so với chiều cao, cân nặng khiêm tốn của mình. Con nặng nhất mình từng chạy 221kg".
Còn tay đua Thái Thị Kim Tuyết, Bình Dương, chia sẻ: "Hồi mới tập luyện chuẩn bị giải đua, mình dợt ở sân tập về mệt đừ người và đau nhức kinh khủng. Chưa kể nắng nôi mà vẫn phải mặc bộ giáp bảo hộ nặng trịch. Nhưng tập dần rồi quen, chả thấy gì trở ngại".
Hồng Ánh, 34 tuổi, ở quận Gò Vấp, TP.HCM, cũng từng tham gia các giải đua xe phân khối lớn. Còn bây giờ thì Ánh chỉ chạy đi phượt đường dài. Hiện cô đang chạy chiếc môtô Honda 1000cc. "Từ phân khúc 600cc thì đối với mình cũng nặng, nên đòi hỏi sức khỏe. Đầu tiên là chạy sao đừng tắt máy giữa chừng. Sau đó là kinh nghiệm lên ga, bóp côn, chọn số sao cho nuột để không bị ... đo đường", Ánh cười kể.
Các mỹ nữ biker cũng có nhiều "trường phái", tùy dòng xe họ cầm lái. Như Thảo Phạm, 23 tuổi, sinh viên Nhạc viện TP.HCM, mê xe phân khối lớn khi tình cờ theo anh trai chạy xe. Sau đó, cô được nhiều hãng mời chạy dẫn đoàn cho các tour đường dài để quảng bá sự kiện. Từ đó, Thảo bắt đầu "ngấm mùi xăng, ghiền tiếng pô", mê ôm cua trên những cung đường đẹp của đất nước.
Thảo kể: "Mình chơi xe như có duyên vậy, lên xe môtô dù là xe mới nhưng chỉ tập một chút là có thể chạy được. Cũng vài lần té sấp mặt vì chưa có kinh nghiệm trong các khúc cua gấp nhưng sau đó lại càng háo hức chinh phục hơn".
Mỗi cung đường, nữ biker có những cái khó khác nhau. Như trong phố thì việc dừng đèn đỏ hay kẹt xe phải vững tay vì môtô phân khối lớn rất nặng. Chạy touring thì chú ý các khúc cua cong tay áo như cách chống chân, thế ngồi để ôm cua và nhận biết những đoạn đường nguy hiểm để chạy an toàn cho mình và cho người. Nhưng dù chạy đường nào thì người chơi xe phân khối lớn cũng phải chú ý tập luyện thể lực để "cầm cương" nổi các con ngựa sắt. Đó chính là mặt tích cực, có lợi cho sức khỏe.
Linh Trần và Thảo Nhung, đôi bạn hay đi phượt cùng nhau trên chiếc môtô của mình - Ảnh: LÊ VÂN
Chinh phục những cái "khủng"
Không nói ra nhưng dân biker ai cũng hiểu mê xe phân khối lớn phải vượt qua "chướng ngại vật khủng" đầu tiên chính là được sở hữu một con xe. Tùy dòng xe, giá rẻ của một "em" tay côn cũng khoảng trên 100 triệu đồng chưa tính tiền "độ" tùy thẩm mỹ và nhu cầu mỗi người.
Chưa kể phụ kiện chạy xe như bộ giáp bảo hộ có giá cũng cả chục triệu. Còn những loại môtô "thứ dữ" thì vài trăm triệu đến tiền tỉ. Hồng Ánh, người mới sở hữu chiếc Honda CBR1000cc dù là xe "sang tay" đời 2019 nhưng giá cũng 450 triệu đồng.
Để có "em" môtô này, Ánh vừa làm văn phòng vừa kinh doanh thêm quán cà phê môtô cũng là nơi gặp gỡ của dân chơi xe. Nữ biker mới vào "đường lái" khác như Thảo thì con xe trong tầm tay vẫn là mơ ước.
Thảo bộc bạch: "Em cố gắng dành dụm thôi. Tiết kiệm cái này cái khác, chạy show nè, hy vọng vài năm nữa có thể mua được chiếc sport 1000cc. Bèo cũng trên 300 triệu rồi". Còn tay đua Ngọc Anh thì bộc trực kể: "Thẳng thắn chia sẻ luôn là tiền mua xe nhà mình cho, còn tiền nuôi xe giờ là mình đi làm để nuôi "em nó", tốn kém lắm nên bạn nào lỡ mê tốc độ thì phải cân nhắc và lên kế hoạch từ từ nha".
Và cái "khủng" tiếp theo với các nữ biker môtô là chấp nhận những cú "rớt" khi đã đam mê. Ngọc Anh kể: "Tai nạn thì mình thường bị trong lúc tập luyện, còn rớt ngoài đường là do không kiểm tra xe và mặt đường kỹ. Như một lần do quên xả lốp trước, một lần cán con mèo và một lần đường trơn thẳng vô... cấp cứu. Kinh nghiệm mình rút ra được đó là phải luôn cẩn thận. Có lần mình chạy tập trên đường đua xong vô pitstop (vạch xuất phát) do mệt quá nên chống hụt chân và ngã lăn quay, khá là quê", Ngọc Anh cười kể.
Cũng có nhiều nữ biker khác tự thấy phù hợp xe môtô phân khối nhỏ hơn từ 500cc trở lại. Giá những chiếc này cũng mềm hơn. Thảo Nhung, 25 tuổi, một dancer tại TP.HCM, bộc bạch: "Mình mê xe vì thấy nó cá tính. Xe mình thuộc dòng phân khối lớn thu nhỏ, dành cho người mê xe phân khối lớn nhưng không có điều kiện chơi. Mình phải tập gần một tháng để ôm cua cho ngọt. Có khi mình bị té do thắng gấp, cũng hơi sợ. Nhưng đã quen thì thành đam mê. Mình đang mong phượt một chuyến đến Sapa".
Còn cô ca sĩ trẻ Phạm Sawa Enuol, 23 tuổi, tại TP.HCM thì chia sẻ về ước mơ chinh phục đường đua: "Từ bé, ông nội và bố đã chở mình trên những chiếc môtô chạy đường đèo. Mình mê xe từ trong máu rồi. Ước mơ của mình là luyện thêm chạy xe trên đường đua chuyên nghiệp để được "ôm cua cạ gối" cùng các anh chị".
Nguyễn Minh Cương, huấn luyện viên Trung tâm rèn luyện kỹ năng SRIDER, hiện là tay đua đang nắm kỷ lục chạy nhanh nhất dòng xe phân khối lớn 1000cc ở trường đua Đại Nam. Anh cũng có nhiều kinh nghiệm huấn luyện chạy xe phân khối lớn tại TP.HCM.
Cương chia sẻ về những thử thách với các biker nữ: "Khó nhất là việc nữ biker phải có bằng lái A2 nếu muốn chạy dòng này. Rồi các bạn nữ khi tập xe thường sợ nắng làm đen da, sợ ngã bị... sẹo. Nói vui thôi chứ mấy vụ đó chỉ dành cho các bạn đua chuyên nghiệp. Còn các bạn mê xe thông thường chạy trong phố hay đi tour thì chỉ cần có bằng lái, chú ý an toàn, mang đồ bảo hộ đầy đủ, chấp hành luật lệ giao thông".
Trong xưởng sửa chữa ôtô, Ngọc Thơ di chuyển, làm việc như con thoi. Cô là bóng hồng duy nhất trong đội thợ lấm lem dầu nhớt.
Kỳ tới: Bóng hồng "ghiền" nhớt ôtô
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận