06/06/2019 09:07 GMT+7

Những bộ sưu tập độc đáo

TRỌNG NHÂN
TRỌNG NHÂN

TTO - Với khả năng ứng dụng cao, đã và đang được chứng minh trong thực tiễn, có những công trình đạt giải Sáng tạo TP.HCM 2019 còn được ví như những bộ sưu tập độc đáo. Đó là công trình nào?

Những bộ sưu tập độc đáo - Ảnh 1.

TS Nguyễn Thị Hiệp và các sinh viên trong phòng nghiên cứu của ĐH Quốc tế ĐHQG TP.HCM - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Ngày 6-6, Giải thưởng Sáng tạo TP.HCM lần thứ nhất sẽ tôn vinh 44 công trình, giải pháp sáng tạo, được chọn từ 111 công trình hồ sơ tham dự giải năm nay.

1. Keo dán chữa lành vết thương

Sau 10 năm nghiên cứu vật liệu sinh học, TS Nguyễn Thị Hiệp, trưởng bộ môn kỹ thuật y sinh Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TP.HCM, đã thiết kế thành công một loại keo dán có khả năng làm lành các vết thương nhanh chóng.

Thành phần chính của keo là axit hyaluronic - giúp gia tăng và di chuyển tế bào, và chitosan - một chất tìm thấy trong vỏ động vật có vỏ như tôm cua, hữu ích trong tái tạo mô. Ngoài ra, keo cũng có thể thêm thành phần khác như bạc hay hạt nano curcumin cho các mục đích cụ thể.

Những bộ sưu tập độc đáo - Ảnh 2.

Mô hình cơ chế tạo keo làm lành vết thương của TS Nguyễn Thị Hiệp - Ảnh chụp màn hình

Theo TS Hiệp, từ dạng bột, chỉ cần hòa tan với nước muối rồi đưa vào ống tiêm là có thể thành keo, từ đó người sử dụng dán lên vết thương trên cơ thể. Ngoài tính năng cầm máu tức thời, keo còn có tác dụng diệt khuẩn, tránh nhiễm trùng, đặc biệt là tạo điều kiện cho phần da bên dưới có thể làm lành nhanh và hiệu quả. 

Đây là giải pháp tự tạm chữa vết thương, hữu ích cho các bệnh viện ở xa như vùng núi hay biển đảo.

Sau khi thử nghiệm thành công trên động vật với các đặc điểm lành tính, tái tạo tế bào tốt, loại keo này đang đến các bước tiếp theo là ứng dụng trên người. "Tới đây, tôi sẽ tiếp tục phát triển loại keo này ứng dụng điều trị khớp gối hoặc tái tạo mô cho bệnh nhân ung thư" - TS Hiệp nói.

TS Hiệp cũng cho biết đã có những doanh nghiệp ngỏ ý đầu tư để sản phẩm này có thể đưa vào thị trường, dự kiến mất khoảng 2-3 năm.

Nghiên cứu của TS Hiệp là một trong 16 công trình thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản được trao Giải thưởng Sáng tạo năm 2019. Trước đó, nghiên cứu này cũng đem về cho cô giải thưởng quốc tế L’Oréal - UNESCO 2018, trao cho nhà khoa học nữ trẻ tài năng của thế giới.

2. Nấm ký sinh côn trùng, chuyện kể từ rừng già

Những bộ sưu tập độc đáo - Ảnh 3.

Quần thể nấm Cordyceps Takaomontana được nhóm nghiên cứu của TS Đinh Minh Hiệp nuôi cấy nhân tạo - Ảnh: Đ.M.H.

Nhiều năm len lỏi qua những cánh rừng vùng Tây Nguyên và Bắc Trung Bộ, nhóm nghiên cứu của TS Đinh Minh Hiệp, TS Trương Bình Nguyên và PGS.TS Lê Huyền Ái Thúy, thuộc Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM, đã sưu tập được một bộ các loài nấm ký sinh côn trùng độc đáo.

Đây cũng là lần đầu tiên ở Việt Nam một bộ sưu tập các loài thuộc nhóm nấm ký sinh côn trùng (nhóm Cordyceps) được thu thập thành một bộ tiêu bản với hơn 100 mẫu vật và hơn 50 chủng thuần với tên chi/loài chính xác, đầy đủ các thông tin khoa học làm cơ sở cho việc khai thác ứng dụng.

TS Hiệp chia sẻ khó khăn lớn nhất khi sưu tập các loài nấm này là phải xác định trước có thể tìm thấy hoặc không, do nấm mọc rải rác và không có địa bàn phân bố xác định. Vì thế, bộ sưu tập không chỉ khẳng định tính đa dạng sinh học của môi trường Việt Nam, mà còn là cơ sở cho những nghiên cứu tiếp theo để tìm ra hướng sử dụng ở thực tiễn trong tương lai.

Nhờ đó, lần đầu tiên Việt Nam đã tự sản xuất sinh khối hệ sợi đông trùng hạ thảo (Cordyceps sinensis) bằng kỹ thuật nuôi cấy lỏng tĩnh và stress sinh lý biến dưỡng với quy mô 30kg/tháng, tạo sản phẩm bột sinh khối đảm bảo an toàn thực phẩm, hàm lượng hoạt chất cao.

Ngoài ra, nhóm đã xây dựng kỹ thuật hỗ trợ định danh đông trùng hạ thảo bằng phương pháp sinh học phân tử nhằm chứng minh tên khoa học của giống gốc dùng trong nghiên cứu và sản xuất; tiêu chuẩn hóa sinh khối hệ sợi nấm đông trùng hạ thảo nhằm đảm bảo tính ổn định chất lượng sản phẩm cũng như hoạt tính sinh học cao.

Đây là điểm gắn với thực tiễn của nhóm tác giả bởi hầu hết các nghiên cứu trong nước liên quan đến nấm ký sinh côn trùng đều dừng lại ở kết quả thu thập, phân lập, định danh các mẫu nấm tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, không tiếp tục nghiên cứu bảo tồn, khai thác nguồn tài nguyên sinh vật này.

3. "Báo động đỏ" cứu sống nhiều ca nguy kịch

Một trong 9 công trình, giải pháp thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội - quốc phòng an ninh được trao Giải thưởng Sáng tạo TP.HCM lần này là Quy trình báo động đỏ cấp cứu người bệnh trong tình trạng nguy kịch, áp dụng đầu tiên tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM.

Theo TS.BS Ngô Ngọc Quang Minh - phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, khi một bệnh nhân vào viện với tình trạng nguy kịch, chẳng hạn do bị tai nạn giao thông, bác sĩ cấp cứu sau khi đánh giá nếu đúng chuẩn nguy kịch thì sẽ phát lệnh báo động đỏ cho bác sĩ ở các khoa, trong đó có khoa ngoại, phòng mổ nhanh chóng chuyển bệnh nhân vào phẫu thuật.

"Nếu như trước đây phải qua các khâu hội chẩn, mất nhiều thời gian, thì giờ đây khi bác sĩ đánh giá đây là ca nguy kịch sẽ phát nút báo động đỏ, các bác sĩ trực sẽ đến thẳng phòng mổ" - bác sĩ Minh nói.

Nhờ áp dụng quy trình này, hơn 10 năm qua, tập thể y bác sĩ bệnh viện đã cứu sống nhiều ca ngoạn mục. Đặc biệt, nhìn thấy hiệu quả, từ tháng 4-2016, Sở Y tế TP.HCM đã tiếp tục triển khai quy trình báo động đỏ liên viện và rất nhiều trường hợp nguy kịch đã được cứu sống.

TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên