Từ vượn người đến người hiện đại, con người đã dần bỏ đi lớp lông lá của mình
Ngoài ra một số bộ phận không mất đi nhưng hiện không có ý nghĩa gì ngoài việc là bằng chứng cho sự tiến hóa.
Bộ lông
Đối với phần lớn các loài động vật, bộ lông giữ vai trò quan trọng: giữ ấm (mèo), ngụy trang (gấu Bắc Cực) và đôi khi tự vệ (nhím). Nếu không có bộ lông, ít nhất cũng có một lớp da dày thay thế như cá voi.
Fox News cho biết ba triệu năm trước cơ thể con người cũng được khoác một lớp lông dày giúp làm ấm. Nhưng kể từ khi đứng thẳng, con người biết đổ mồ hôi làm lớp lông lá rụng dần và không còn tác dụng.
Từ đó con người dần phát minh ra quần áo để mặc, lửa để sưởi ấm, vũ khí để tự vệ khiến cho bộ lông càng trở nên không cần thiết.
Lớp cơ sợi mỏng
Ngày nay con người không còn nổi da gà để chống lại kẻ thù - Ảnh: EVERJEAN
Thời tiền sử, lớp cơ sợi mỏng co thắt và làm lông dựng đứng, tạo thành một lớp ấm áp giúp loài người tồn tại trong thời tiết giá lạnh.
Ngày nay, hiện tượng này chỉ xuất hiện trên da khi chúng ta lạnh hay sợ hãi và được gọi là "nổi da gà".
Ở những động vật khác, hiện tượng xù lông còn là một hình thức phản kháng khi gặp nguy hiểm, điển hình như loài nhím.
Cơ quan phát hiện mùi
Cơ quan phát hiện mùi (Vomeronasal organ) ở rắn - Ảnh: Science Art
Cơ quan này còn có tên khác là "Jacobson" vốn cần thiết đối với phần lớn các loài động vật, bao gồm cả con người thời xưa.
Cơ quan này nằm trong mũi với chức năng phát hiện ra các pheromone. Đây là những chất giống như tín hiệu hóa học giữa các cá thể cùng loài hoặc giúp đánh hơi con mồi hoặc giúp cảm nhận sức hút tình dục...
Loài người cũng đã từng có cơ quan này vì thuở xa xưa con người không thể giao tiếp với nhau nên phải sử dụng nó để săn mồi, tìm bạn tình…
Theo quá trình tiến hóa, cơ quan này đã dần dần bị loại bỏ.
Cơ tai
Đôi tai di chuyển linh hoạt của mèo giúp nó dễ dàng định hướng con mồi - Ảnh: Getty Images
Cơ tai còn được gọi là các cơ auriculares có chức năng xoay và điều chỉnh đôi tai để tập trung thính giác về phía những âm thanh đặc biệt.
Có thể thấy rõ đặc điểm này ở loài mèo, khi chúng đang rình chuột - đôi tai sẽ vểnh lên và hướng về phía con mồi.
Các nhà tiến hóa học cho rằng loài người cũng có những cơ này, nhưng sau một thời gian dài tiến hóa họ đã sáng tạo ra nhiều đồ vật và lối sống mới, không còn phải vất vả săn mồi, né tránh kẻ thù, khiến việc điều chỉnh đôi tai không còn cần thiết.
Núm vú đàn ông
Núm vú đàn ông phải chăng chỉ là một vật trang trí? - Ảnh: BBC
Các nhà tiến hóa học cho rằng núm vú đàn ông là một dạng dấu tích từ xưa, có thể từng đóng vai trò tiết sữa ở một số người nhưng hiện nay không còn.
Xét về mặt sinh sản, núm vú hình thành ngay giai đoạn bào thai trong tử cung. Giới tính của trẻ hình thành chính xác tại thời điểm trứng và tinh trùng gặp nhau, nhưng cần một thời gian dài sau đó để bộ phận sinh dục ngoài phát triển tương ứng với nhiễm sắc thể giới tính.
Theo đó, mọi bào thai đều phát triển giống nhau trong khoảng 6 tuần đầu, sau đó sẽ dần định hình bào thai mang cơ quan sinh dục nam hay nữ.
Nhưng trong quá trình xác định giới tính, nhiễm sắc thể đã quên xóa đi dấu tích trên ngực của bé trai nên bé vẫn còn núm vú như con gái.
Ngoài ra, khi vào giai đoạn dậy thì, nữ giới chịu ảnh hưởng của nội tiết tố estrogen làm cho ngực phát triển, trong khi nam giới không có khiến núm vú ở đàn ông gần như một vật trang trí.
Xương cụt
Xương cụt được đánh dấu màu đỏ trong hình - Ảnh: Medicalnewstoday.com
Xương cụt ở người chính là một trong những dấu tính của tổ tiên loài người để lại, cho thấy trước đây loài người từng có đuôi. Bởi vì với việc leo trèo và di chuyển bằng bốn chân, đuôi là một bộ phận quan trọng giúp giữ thăng bằng khi di chuyển.
Khi bắt đầu đứng thẳng, con người không cần chiếc đuôi để giữ thăng bằng nữa mà sử dụng những cơ chế khác để giữ thăng bằng, trong đó có việc sử dụng 2 cánh tay khi di chuyển.
Ngày nay, xương cụt vẫn còn một số tác dụng như giúp giữ thăng bằng và không bị ngã về phía sau khi ngồi xuống và cũng góp phần định hình hậu môn.
Ruột thừa
Phần màu đỏ là ruột thừa trong cơ thể - Ảnh: Alamy
Charles Darwin cho rằng thời xa xưa, loài vượn cổ - tổ tiên của chúng ta - phải ăn lá cây nên ruột thừa vô cùng hữu ích giúp phân giải xenlulozơ thành năng lượng cho cơ thể.
Tuy nhiên, trong quá trình tiến hóa, con người bắt đầu ăn nhiều thịt hơn nên phần ruột dài thêm này không cần thiết nữa. Người ta đặt tên cho nó là ruột thừa cũng vì vậy.
Răng khôn
Răng khôn có thể mọc theo hướng "tùy hứng" trong hàm răng - Ảnh: minato-swan.com
Răng khôn là răng nằm phía trong cùng của hai hàm răng của người trưởng thành.
Trong quá trình tiến hóa của loài người từ vượn sang vượn người rồi sang người nguyên thủy, trải qua vài triệu năm, xương hàm của con người bé dần. Cuối cùng phần lớn hàm chỉ đủ chỗ cho 28 răng bao gồm 14 răng hàm trên và 14 răng hàm dưới.
Nhưng thực tế con người có tới 32 răng vì thêm 4 răng khôn, 2 ở hàm trên và 2 ở hàm dưới và mọc sau cùng.
Đây là một trong những dấu vết tiến hóa còn sót lại, nhưng cũng gây ra không ít phiền phức. Vì không đủ chỗ để mọc bình thường nên răng khôn mọc theo những hướng "tùy tiện". Điển hình như mọc ngược về phía xương hàm, hay đâm về phía răng hàm lớn thứ hai cạnh bên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận