Những tình nguyện viên đầu tiên tham gia hỗ trợ điều trị bệnh nhân nghi nhiễm COVID-19 ở Bệnh viện 199 (Đà Nẵng) - Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Các thành viên trong đội phản ứng nhanh luôn chuẩn bị sẵn một balô, trong đó có đầy đủ đồ dùng cá nhân, một số dụng cụ... và trong tâm thế sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ khi có lệnh.
Bác sĩ NGUYỄN TRI THỨC
Ngay khi Bộ Y tế quyết định thành lập Bộ chỉ huy tiền phương chống dịch COVID-19 tại Đà Nẵng, với thành phần là các chuyên gia hàng đầu VN thì Bệnh viện Chợ Rẫy lại được chọn lựa để "chi viện".
Trong cùng một ngày (31-7), hai đội phản ứng nhanh của bệnh viện đã lên đường ra các tỉnh miền Trung để hỗ trợ đồng nghiệp điều trị cho các ca bệnh nặng.
Trước đó, các đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy đã có 8 lần xuất quân tới các điểm nóng ở Bình Thuận, Ninh Thuận, Tây Ninh, Bạc Liêu, Vũng Tàu và nay là Đà Nẵng, Quảng Nam.
"Lên đường bất cứ lúc nào"
Chưa kịp nghỉ ngơi sau một thời gian dài dốc sức điều trị cho bệnh nhân 91 (phi công người Anh), bác sĩ Trần Thanh Linh - phó khoa hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy - lại cùng với hai đồng nghiệp của mình tất tả chuẩn bị tư trang lên đường tới Đà Nẵng từ tối 24-7.
Ra Đà Nẵng đợt này, phía trước họ là nhiệm vụ vừa quen thuộc vừa khó khăn: điều trị cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng, có nhiều điểm tương đồng với bệnh nhân phi công người Anh.
Sáng 25-7 tại Đà Nẵng, bác sĩ Linh lập tức cùng các chuyên gia đầu ngành hội chẩn tìm biện pháp điều trị tốt nhất, rồi bắt tay vào đặt ECMO (oxy hóa qua màng ngoài cơ thể) cho bệnh nhân.
Sau đội số 1, lần lượt đến hai đội phản ứng nhanh số 2, số 3 đã lên đường ra Đà Nẵng và Quảng Nam trong cùng ngày 31-7.
Bác sĩ Nguyễn Tri Thức - giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - chia sẻ thành phần hai đội phản ứng nhanh gồm 5 bác sĩ, đều là người giỏi chuyên môn, có nhiều kinh nghiệm về hồi sức tim mạch, hồi sức hô hấp, hồi sức cấp cứu, từng trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng tại bệnh viện suốt thời gian qua.
"Ngoài các đội hỗ trợ Đà Nẵng điều trị các ca bệnh nặng, lần này đội ở Quảng Nam, một địa phương sát nách ổ dịch, sẽ có nhiệm vụ lên kế hoạch toàn diện về kiểm soát nhiễm khuẩn, thiết lập các phòng hồi sức cấp cứu đúng chuẩn và chuẩn bị các trang thiết bị cần thiết nhằm đảm bảo an toàn trong quá trình tiếp nhận điều trị người bệnh", bác sĩ Thức chia sẻ.
Sẵn sàng chờ lệnh
Chuyến xuất quân chống dịch đầu tiên của đội phản ứng nhanh Bệnh viện Chợ Rẫy là vào rạng sáng một ngày giữa tháng 3-2020. Nơi đến là Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận, một "điểm nóng" sau khi Bộ Y tế công bố có 4 ca nhiễm COVID-19 mới.
Đặc biệt, trong đó có ca bệnh "siêu lây nhiễm" số 34. Nhận lệnh từ Bộ Y tế lúc 20h30, chỉ gần 4 giờ sau, bác sĩ Võ Ngọc Anh Thơ - phó trưởng khoa bệnh nhiệt đới - cùng với hai đồng nghiệp ở khoa cấp cứu đã có mặt tại điểm nóng Bình Thuận.
Bỏ lại phía sau cảm giác ngái ngủ, các bác sĩ khẩn trương bắt tay vào hội chẩn sức khỏe của bệnh nhân, kiểm tra các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn và điều chỉnh các chi tiết về công tác điều trị, sàng lọc bệnh...
"Tất cả không cứng nhắc mà hoàn toàn dựa trên các quy trình của Bộ Y tế và tình hình thực tế tại địa phương. Đội chỉ quay về Bệnh viện Chợ Rẫy khi công việc tại địa phương hoàn tất, đảm bảo an toàn phòng dịch", một thành viên trong đội phản ứng nhanh nói.
Từ chuyến đi này, đội biết được rằng Bình Thuận đang thiếu một lượng lớn vật tư phục vụ cho công tác chăm sóc điều trị bệnh nhân COVID-19, và chỉ sau một ngày, mọi trang thiết bị gần như được cung cấp đầy đủ.
Rồi khi dịch bệnh lây lan trong cộng đồng cơ bản được kiểm soát, mối lo ngại về việc "nhập khẩu nguồn lây" từ bên ngoài, đặc biệt ở các cửa khẩu trở nên đáng báo động. Tây Ninh là địa phương được đánh giá có nhiều cửa khẩu và là nơi diễn ra nhiều hoạt động giao thương với các vùng đang bùng phát dịch.
Gần 22h đêm, điện thoại của bác sĩ Nguyễn Tri Thức đổ chuông. Đầu dây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chỉ đạo ngắn gọn: "Khẩn trương lên Tây Ninh để hỗ trợ anh em trên đó". Và chỉ 30 phút sau cuộc gọi ấy, đội phản ứng nhanh của bệnh viện tức tốc lên đường.
Sau gần 2 giờ, rạng sáng 23-3 đội có mặt tại Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh. Không kịp nghỉ ngơi, từng thành viên trong đội bắt tay ngay vào kiểm tra công tác điều trị, sàng lọc bệnh, phòng chống nhiễm khuẩn, hội chẩn liên viện... cho đến sáng.
Từng hai lần được tin tưởng giao nhiệm vụ trưởng đoàn hỗ trợ công tác phòng chống dịch COVID-19 tại Bà Rịa - Vũng Tàu và Bạc Liêu, bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang - khoa bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy - bảo rằng cảm thấy hạnh phúc khi được tin tưởng cho tham gia đội phản ứng nhanh chống dịch.
Và cũng kể từ mùa dịch này, trong khoa bệnh nhiệt đới luôn cơ động sẵn hai vali đựng đầy đủ các đồ bảo hộ, khẩu trang, dung dịch rửa tay để "lên đường bất cứ lúc nào".
"Đội phản ứng nhanh được thành lập từ trong đợt dịch COVID-19, nhưng tôi thấy rằng về lâu dài đó là giải pháp rất hay có thể đem áp dụng trong nhiều đợt dịch khác. Nhờ có sự phản ứng này mà giúp tối ưu hóa sức mạnh của cả hệ thống y tế trong điều trị, cứu sống người bệnh" - bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang chia sẻ.
Bác sĩ Trần Thanh Linh (phải) - phó khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy - cùng đồng nghiệp làm nhiệm vụ tại Bệnh viện Đà Nẵng - Ảnh: BV cung cấp
Những chuyến đi chưa hẹn được ngày về
6 ngày trước, 10 chuyên gia đầu tiên của Bệnh viện Bạch Mai, trong đó có ông Nguyễn Quang Tuấn - giám đốc bệnh viện, đã tham gia tổ hỗ trợ đầu tiên của Bệnh viện Bạch Mai cho tâm dịch Đà Nẵng. Khi đó, nhiệm vụ chính của các bác sĩ Bạch Mai vào để hỗ trợ 3 bệnh viện giảm tải bệnh nhân khi 3 bệnh viện này bị phong tỏa.
Bạch Mai cũng từng bị phong tỏa, lần này họ đem kinh nghiệm vào hỗ trợ cho Đà Nẵng. Nhưng chỉ trong chưa đầy một tuần, số "người Bạch Mai" vào Đà Nẵng đã tăng liên tục và đến hôm qua 1-8 lên đến gần 30 người.
"Rất nhiều việc đang được triển khai: hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa trung ương Quảng Nam mới được tổ chức đơn vị điều trị bệnh nhân COVID-19, xây dựng Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang thành đơn vị điều trị tương tự và đến 1-8 trung tâm ở Hòa Vang đã tiếp nhận 40 bệnh nhân dương tính, hỗ trợ tổ chức bệnh viện dã chiến, thiết lập khu điều trị lọc máu..." - bác sĩ Phạm Thế Thạch, phó trưởng khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai, chia sẻ.
Công việc tại một bệnh viện tuyến đầu như Bạch Mai bao giờ cũng bộn bề, nhưng ở Đà Nẵng lúc này cũng bộn bề không kém, nhiều thứ còn rất mới, cần tập huấn, tổ chức lại, trong lúc y bác sĩ nào cũng có những công việc gia đình.
Gần một tuần trước, điều dưỡng Tạ Bá Toàn của khoa hồi sức tích cực đã nhận lệnh lên đường đi chống dịch ở Đà Nẵng đúng ngày con trai anh sốt cao 40 độ, nôn ói...
"Bố thương con nhưng chỉ biết để trong lòng, vì sự bình yên của con trai, của những người bố yêu thương, ở đây cần bố..." - điều dưỡng Toàn gửi thư cho con trai, 3 ngày trước khi con anh đã hết sốt, anh đã tạm yên tâm.
Giờ đây, những thành viên của đoàn Bạch Mai, của các tổ công tác đặc biệt của Bộ Y tế vẫn chưa hẹn được ngày về lại gia đình, bệnh viện của họ, họ sẽ ở lại đến khi tâm dịch Đà Nẵng được yên bình trở lại.
Ngày 31-7, đội phản ứng nhanh số 3 của Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục ra Đà Nẵng chi viện - Ảnh: BV Chợ Rẫy cung cấp
Những con người tinh nhuệ nhất
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khẳng định trong mùa dịch COVID-19 này có hai điểm mới là đưa vào hoạt động đội phản ứng nhanh và hội chẩn trực tuyến.
Trong đó, hội chẩn trực tuyến mang lại hiệu quả rất lớn khi hội tụ được trí tuệ của tất cả các giáo sư đầu ngành cả nước, cùng nhau ngồi bàn và chỉ định các ca lâm sàng.
Hội chẩn từ xa tốt thì rất cần lực lượng tiếp cận gần, đó chính là các đội phản ứng nhanh với những con người tinh nhuệ nhất. "Tôi đánh giá rất cao hiệu quả của các đội phản ứng nhanh, trong đó có Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bạch Mai và một số bệnh viện cả nước.
Nhờ sự tiếp cận gần này giúp đánh giá thực tế, đồng thời can thiệp, hướng dẫn tại chỗ giúp đồng nghiệp tại các địa phương chưa có kinh nghiệm thực hiện tốt nhiệm vụ. Đây là mô hình rất hay cần được nhân rộng trong thời gian tới để phòng chống dịch hiệu quả", Thứ trưởng Sơn khẳng định.
Báo Tuổi Trẻ tri ân lực lượng tuyến đầu chống dịch COVID-19
Nhằm tuyên dương, tri ân kịp thời những đóng góp của đội ngũ tuyến đầu phòng chống dịch COVID-19 cũng như hỗ trợ, động viên lực lượng y bác sĩ, công an, quân đội, tình nguyện viên… tham gia phòng chống dịch trong thời gian vừa qua, ban biên tập báo Tuổi Trẻ tổ chức chương trình "Tri ân tuyến đầu chống dịch COVID-19".
Những cá nhân, tổ chức được tuyên dương sẽ được ban tổ chức trao tặng biểu trưng "Cùng Tuổi Trẻ chống dịch COVID-19".
Chương trình dự kiến dành hơn 2 tỉ đồng để trao quà tặng và tiền mặt cho khoảng 400 cá nhân (5 triệu đồng/suất) và 5 tập thể (10 đồng/suất) có nhiều đóng góp trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Ngoài ra, chương trình sẽ dành 5 giải thưởng cho bài viết hoặc hình ảnh ấn tượng của cá nhân, tập thể tham gia tốt công tác phòng chống dịch.
Toàn bộ kinh phí thực hiện trích từ nguồn đóng góp của bạn đọc thuộc chương trình "Cùng Tuổi Trẻ chống dịch COVID-19" do báo Tuổi Trẻ và Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM phát động.
Để thuận lợi cho công tác tổ chức cũng như không bỏ sót sự đóng góp của các cá nhân, tập thể tham gia tuyến đầu chống dịch, ban tổ chức chương trình rất mong nhận được sự giới thiệu các gương điển hình từ cơ sở y tế, bộ, ngành và tỉnh - thành đoàn… đến địa chỉ báo Tuổi Trẻ: số 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, email: [email protected] (ĐT: 0903.972.692 gặp anh Trung Dân).
TR.D.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận