Tuy nhiên có khi mảng đỏ không sần sùi mà vẫn khiến da dày lên, lại thường trình diện ở chung quanh mắt và môi, cũng làm bạn ngứa ngáy, khó chịu. Đó là sưng mạch (angioederma), nhiều người gọi đó là mề đay sâu.
Do kẻ lạ xâm nhập
Mề đay và sưng mạch xuất hiện khi có một yếu tố lạ xâm nhập vào cơ thể. Yếu tố này được gọi là “dị nguyên”. Dị nguyên có thể đi vào theo nhiều đường: hô hấp, tiêu hóa, hoặc qua da. Sau khi xâm nhập chúng đều vào máu và cơ thể nhận ra “có kẻ lạ” bèn kích thích “tế bào bạch cầu mast” bài tiết ra histamine. Ở da, niêm mạc mũi, mạch máu, khí quản có nhiều thụ thể tiếp nhận histamine nên khi phát hiện ra “kẻ lạ”, histamine bài tiết nhiều, lập tức gắn vào các thụ thể này và gây ra biểu hiện dị ứng.
Chân dung kẻ lạ
Có rất nhiều “dị nguyên” quanh ta. Tuy nhiên bạn sẽ thấy “dị nguyên” gây bài tiết histamine lại tùy thuộc vào mỗi cá thể. Chẳng hạn: có người dị ứng với loại kháng sinh này, người kia lại ra tiệm mua về uống thoải mái mà chả sao.
Có thể kể các loại “dị nguyên” như sau:
Thực phẩm: nghêu, sò, ốc, hến, cá biển, đậu phộng, một số loại hạt, trứng, sữa và đặc biệt là thịt bẩn, rau nhiễm thuốc trừ sâu…
Dược phẩm: Bất kỳ loại thuốc nào cũng có thể gây nổi mề đay và sưng mạch. Trong đó đầu bảng là penicillin (có thể gây tử vong sau khi tiêm chích), streptomycine, aspirine, ibuprofen (Advil, Motrin) và thuốc trị cao huyết áp.
Những chất ta hít vào: phấn hoa, lông động vật (chó mèo), mùi cao su, khói thuốc lá và có 2 loại côn trùng mà chúng ta không để ý là con mạt nhà và gián. Con mạt nhà sống trong bụi nhà, nệm giường, chiếu, gối. Chúng rất nhỏ nên ta không nhìn thấy. Nhiều người cứ lên giường là nổi mề đay, ngứa rồi uống thuốc mà không biết “kẻ địch” đang nằm chung với mình. Nghe con gián gây dị ứng bà con mình ngạc nhiên. Con gián bò tới đâu đều để lại chất tiết của chúng. Nếu nó bò vào thức ăn thì khi ta ăn sẽ bị nổi mề đay, có người bị sưng mạch vùng họng gây khan tiếng. Chất tiết bốc hơi trong không khí ta hít vào rất dễ dị ứng... Một yếu tố nữa mà ở ta khá dồi dào là khói bụi ngoài đường, ai không mang khẩu trang thì kể như được hít “miễn phí”.
Một số người lại nổi mề đay khi thay đổi thời tiết, đặc biệt là trời nóng chuyển sang lạnh. Các nhà khoa học cho rằng lạnh đã làm biến đổi một vài protein trong cơ thể và chúng trở thành “dị nguyên” khiến cho da nổi mề đay. Cũng có người chỉ cần thời tiết có biến động như áp thấp nhiệt đới tận xa khơi biển Đông cũng nhảy mũi và nổi mề đay.
Chớ xem thường
Nổi mề đay và sưng mạch gây ra những mảng đỏ, ngứa khiến mọi người phải “sột soạt luôn tay tựa gẩy đàn” rất khó chịu. Tuy nhiên nếu ra tiệm mua mấy viên thuốc kháng histamine thì “chiến sự” đang nóng bỏng lại lui dần. Vì thế bà con dễ chủ quan và coi đó là “chuyện nhỏ”. Nếu cứ tiếp xúc với “dị nguyên” nhiều lần thì những lần sau phản ứng của cơ thể sẽ dữ dội hơn. Bởi khi sưng mạch ở khí quản, vùng họng sẽ gây khó thở dẫn đến nghẹt thở. Một số trường hợp sử dụng thuốc đã bị sốc phản vệ mà tử vong. Vì thế việc phòng bệnh rất quan trọng.
Cần né tác nhân gây dị ứng
Tránh nguyên nhân đã từng gây cho bạn nổi mề đay là biện pháp “vàng” để chúng không còn khả năng gây bệnh.
Chẳng hạn: bạn bị dị ứng với hải sản thì không ăn nữa. Nếu có tiệc hải sản buộc phải tham dự thì thủ sẵn 100gr đậu đen rang cháy, tán bột, pha nước uống để chúng thấm hút giùm những “dị nguyên” có thể gây nổi mề đay.
Dị ứng với phấn hoa, khói bụi cần mang khẩu trang dầy chứa than hoạt tính để than hấp phụ những yếu tố gây dị ứng.
Những dược phẩm đã từng gây nổi mề đay cho bạn thì cần báo cho bác sĩ mỗi khi đi khám bệnh.
Trong nhà giường chiếu, nệm, nhà bếp cần vệ sinh sạch sẽ, không để con mạt và gián có điều kiện gây bệnh.
Nếu dị ứng với lông chó, mèo thì không nên nuôi thú cưng lại ẵm bồng hoặc cho ngủ chung.
Nếu nổi mề đay kèm khó thở thì cần chở đi bệnh viện cấp cứu gấp. Để cải thiện cơ địa dễ dị ứng bạn nên uống mỗi ngày 2 muỗng canh mật ong và dùng nhiều hoa quả chứa vitamine C (cam, chanh, bưởi, sơ ri…).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận