Trong những ngày tới, Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn có thể được sử dụng để điều trị những ca nhiễm COVID-19 nhẹ - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Trong sáng 8-8, ông Sơn đã đi kiểm tra tại ba cơ sở được chỉ định là nơi điều trị các bệnh nhân COVID-19 là Bệnh viện dã chiến Hòa Vang, Bệnh viện Phổi và Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn.
Những ngày tới, việc chống dịch có thành công hay không, có thể kiểm soát và giảm số lượng ca bệnh hay không phụ thuộc rất lớn vào nỗ lực của chúng ta từ giám sát người bệnh, cách ly F1, cũng như sự chấp hành của người dân.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn
Sớm đưa người bệnh nhẹ về Tiên Sơn
Kiểm tra các hạng mục tại Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn, ông Sơn nhận định đây có thể được xem là một trong những bệnh viện dã chiến được xây dựng nhanh nhất. Bởi chỉ sau 4 ngày, trong tình hình dịch và cách ly xã hội nhưng chính quyền TP và các đơn vị tham gia vẫn huy động được nhân lực và vật liệu để hoàn tất.
Theo ông Sơn, bệnh viện này được thành lập dựa trên kịch bản có sẵn của TP Đà Nẵng mà Bộ Y tế tham gia đóng góp ý kiến.
'Đây là quyết định chính xác, bởi hiện giờ 'bệnh viện COVID-19' ở Đà Nẵng là Bệnh viện dã chiến Hòa Vang, Bệnh viện Phổi đã nhận đủ số lượng bệnh nhân. Sắp tới những trường hợp bệnh nhân COVID-19 nhẹ sẽ được đưa về điều trị tại đây' - ông Sơn nói.
Ông Sơn cho biết sau khi được Thủ tướng quyết định, đoàn Bộ Y tế thường trực tại Đà Nẵng sẽ thẩm định lại bệnh viện dã chiến.
Tuy nhiên qua quá trình tham gia giám sát và góp ý về quy trình chuẩn bị của bệnh viện dã chiến và trực tiếp kiểm tra, ông Sơn cho rằng công trình và trang thiết bị đã đạt được tiêu chí mà bộ ban hành.
Kiểm tra tại Bệnh viện dã chiến Hòa Vang nơi đang điều trị cho hơn 20 bệnh nhân chạy thận nhân tạo, trong đó có 5 bệnh nhân nặng và 2 bệnh nhân phải lọc máu liên tục..., ông Sơn yêu cầu các bác sĩ bám sát diễn biến tình hình bệnh nhân để có phác đồ, phương án điều trị tốt nhất.
3 lộ trình với bệnh viện vừa mở cửa
Liên quan quyết định gỡ bỏ phong tỏa đối với Bệnh viện C Đà Nẵng từ ngày 8-8, Thứ trưởng Sơn cho biết khi tiến hành phong tỏa để 'làm sạch' 3 bệnh viện đã gây sức ép lớn lên việc điều trị, nhất là điều trị cho các bệnh nhân tuyến cuối, có bệnh lý nặng.
Vì thế, việc có một bệnh viện được mở cửa lại là tín hiệu tích cực trong tình hình kiểm soát dịch bệnh, cũng như bớt được một phần gánh nặng đối với các cơ sở y tế ở Đà Nẵng.
'Do không thể huy động tất cả nhân lực của Bệnh viện C ngay lập tức được nên sau khi mở cửa lại, nơi đây sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình tiếp nhận cấp cứu các bệnh nhân nặng, tiếp tục điều trị bệnh nhân ngoại trú của Bệnh viện C Đà Nẵng trước đây.
Sau cùng là nâng cao năng lực của khoa khám bệnh tại đây để chữa trị cho người dân' - ông Sơn nói.
Thứ trưởng Sơn đánh giá tình hình dịch bệnh hiện tại vẫn đang được kiểm soát bằng sự nỗ lực quyết liệt truy vết của TP và sự hỗ trợ năng lực xét nghiệm, điều trị của Bộ Y tế. Đồng thời khuyến cáo người dân cần tuân thủ nghiêm các quy định cách ly xã hội bởi, đỉnh dịch theo dự báo sẽ diễn ra trong 10 ngày tới.
Ngoài ra, theo ông Sơn, việc điều trị vẫn còn nhiều khó khăn đối với nhóm bệnh nhân mắc COVID-19 nhưng kèm theo bệnh nền, Bộ Y tế đã huy động thiết bị tốt nhất để điều trị các ca này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận