Học sinh lớp 9 Trường THCS Chi Lăng, Q.4, TP.HCM trong buổi đến trường sáng 4-5 - Ảnh: T.T.D.
Khó khăn lớn nhất trong thực hiện giãn cách là số lượng học sinh của các lớp quá đông trong khi phòng học lại chật. Vì vậy, nhà trường sẽ dịch chuyển bàn ghế, nới rộng khoảng cách giữa các học sinh tối đa có thể.
Thầy TRƯƠNG NGỌC TOÀN (phó hiệu trưởng Trường THCS Lương Văn Chánh, Phú Hòa, Phú Yên)
Hôm qua (4-5), học sinh ở 63 tỉnh, thành trong cả nước đã trở lại trường sau thời gian dài nghỉ học phòng COVID-19. Các trường thực hiện giãn cách bằng tách lớp, không tổ chức hai buổi/ngày, không bán trú...
Trong bối cảnh ấy, làm thế nào để bù đắp chương trình nhanh nhất khi học sinh nghỉ học quá lâu, chất lượng học trực tuyến không đồng đều là bài toán khó của nhiều trường.
Giáo viên phải dạy gấp đôi
Tại TP.HCM, Sở GD-ĐT có văn bản yêu cầu các trường phải kết hợp giữa dạy trực tiếp và trực tuyến để hoàn thành chương trình học kỳ II năm học 2019-2020.
Một giáo viên ở Q.3 băn khoăn: "Dù có dạy trực tuyến thì số tiết thực dạy của chúng tôi vẫn tăng cao so với trước đây khi nhà trường tiến hành tách lớp. Giáo viên lo ngại không đủ sức khỏe để giảng dạy gấp đôi, gấp rưỡi số tiết so với bình thường".
Cô Hứa Thị Diễm Trâm - hiệu trưởng Trường THCS Hà Huy Tập (Q.Bình Thạnh) - chia sẻ: "Chúng tôi bắt buộc phải tách lớp để đạt khoảng cách giữa các học sinh là 1m trở lên. Nhưng như thế thì các giáo viên sẽ phải dạy gấp đôi số tiết so với bình thường.
Nếu như trước đây trung bình các thầy cô dạy 19-20 tiết/tuần thì nay phải dạy 38-40 tiết/tuần. Làm sao có thời gian tái tạo sức lao động và sáng tạo trong giảng dạy?".
Và cô Trâm đưa ra giải pháp: "Sau khi bàn bạc, trường chúng tôi thống nhất cho học sinh học ba buổi/tuần. Trong đó, những bài khó và phần lý thuyết giáo viên sẽ dạy trực tiếp, phần còn lại dạy trực tuyến - đảm bảo học sinh nắm được bài và hoàn thành chương trình học kỳ II.
Riêng khối 9 học trực tiếp sẽ ưu tiên ba môn: toán, văn, ngoại ngữ. Nhưng thời khóa biểu phải đảm bảo sức khỏe cho giáo viên, không để giáo viên phải dạy quá nhiều tiết so với trước đây".
Ngoài ra, hiệu trưởng một trường THCS ở TP.HCM cũng băn khoăn Nhà nước có chi kinh phí để nhà trường chi trả khoản phụ trội cho giáo viên khi họ phải dạy tăng tiết hay không? Và nếu chi thì lấy từ nguồn nào, tính toán ra sao khi số tiết phụ trội tăng vọt?
"Hiện nhà trường chỉ biết kêu gọi giáo viên cùng cố gắng. Chứ thắc mắc dạy tăng tiết có được trả thù lao không thì ban giám hiệu trường chưa biết trả lời như thế nào" - một hiệu trưởng nói.
Ưu tiên lớp 9, 12 học đủ buổi
Thực hiện giãn cách, nhiều trường ở Hà Nội ưu tiên lớp 9, lớp 12 đi học đủ các buổi sáng trong tuần. Các lớp khác học cách nhật, kết hợp giữa dạy trực tuyến và trực tiếp.
Thầy Hà Xuân Nhâm - hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) - cho biết: "Tuần đầu tiên chỉ có lớp 12 đi học đầy đủ các buổi sáng trong tuần, mỗi buổi 4 tiết để có thời gian hoàn thành chương trình kết hợp với ôn tập. Các lớp 10, 11 chỉ đến học trực tiếp 1 buổi/tuần để học các môn tin học, tiếng Anh với chuyên gia nước ngoài. Còn lại các con vẫn học trực tuyến như trước".
Tương tự, tại Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), khối 12 học tất cả các buổi sáng và được tách đôi lớp. Các lớp 11 và 10 sẽ đi học cách nhật 3 buổi/tuần, thời gian còn lại tiếp tục học trực tuyến tại nhà.
Một giáo viên Trường THPT Việt Đức bộc bạch: "Nếu chỉ là tạm thời thì chúng tôi cố gắng được. Trong tổ cũng hỗ trợ lẫn nhau để vượt qua khó khăn, dù trong một buổi vừa dạy trực tiếp vừa dạy trực tuyến khá vất vả. Giáo viên dạy trên lớp xong lại lo bật máy kết nối dạy trực tuyến. Nếu thao tác không thành thạo, máy móc trục trặc, thời gian bố trí không đủ để chuẩn bị thì sẽ ảnh hưởng".
Ở Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành, phương án kiểm tra học kỳ cũng được xây dựng.
"Nếu thời gian sau ngày 9-5 vẫn phải đảm bảo giãn cách thì chúng tôi sẽ tổ chức cho khối 9 và 12 đến trường kiểm tra học kỳ II, các khối còn lại của bậc THCS, THPT sẽ ở nhà học trực tuyến. Khi các khối còn lại kiểm tra học kỳ thì khối 9, 12 đổi sang học, ôn thi trực tuyến" - lãnh đạo trường nói thêm.
Chia lớp làm hai trình độ
Thầy Nguyễn Đức Chính - hiệu trưởng Trường THPT Trần Văn Giàu, TP.HCM - kể: "Dựa vào thực tế học trực tuyến và năng lực của học sinh, chúng tôi sẽ chia lớp ra làm hai theo trình độ. Hai nhóm này sẽ học ở hai phòng liền kề nhau để giáo viên chạy qua chạy lại cho tiện.
Khi giảng bài lý thuyết ở nhóm này xong thì giáo viên sẽ giao bài cho các em và di chuyển sang nhóm bên kia để giảng lý thuyết, bảo đảm quỹ thời gian như một tiết học bình thường với 45 phút, chứ không bị lố giờ.
Những phần kiến thức nào có thể truyền đạt qua trực tuyến thì giáo viên sẽ dạy trực tuyến".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận