Tôi đến Phần Lan trong một chuyến tham quan học tập về giáo dục mầm non. Những giáo viên và chuyên gia tôi tiếp xúc trong chuyến đi đều nói về cùng một bí quyết tạo nên sự thành công của giáo dục Phần Lan. Đó chính là sự tin tưởng.
Chuyện đứa bé ở Helsinki
Một buổi sáng, đến thăm ngôi trường mầm non ở trung tâm thủ đô Helsinki, chúng tôi thấy một em bé đang chơi tự do trong vườn. Em đang ôm trong tay và cố gắng di chuyển những thanh gỗ khá xù xì và dài gần bằng thân người em.
Nếu ở Việt Nam, chắc hẳn hành động như vậy của em bé sẽ không được cho phép. Giáo viên lo ngại em sẽ làm chính mình và người khác bị thương, lo ngại phản ứng của phụ huynh, và do đó sẽ có ai đó chạy đến ngăn em bé lại.
Nhưng ở Phần Lan, trẻ em được phép có những giây phút "tương đối mạo hiểm" như vậy. Em bé có thể tự do mang những thanh gỗ đi quanh sân. Nhưng sự tự do này đồng nghĩa với việc em cũng đang mang vác trên mình trách nhiệm về sự an toàn của chính mình và những người xung quanh.
Khi em làm sai và thất bại, em sẽ phải nhận lấy những hậu quả tự nhiên và học được bài học về cách sống có trách nhiệm. Giáo viên, phụ huynh và xã hội cùng chấp nhận những rủi ro như vậy để sau này khi lớn lên các em có thể trở thành những người lớn có trách nhiệm hơn.
Tại Phần Lan, giáo viên được tự chủ trong việc quyết định nội dung bài học và cách thức vận hành lớp học của mình. Chính nhờ có sự tin tưởng này, cuộc sống của giáo viên Phần Lan màu sắc và hạnh phúc hơn rất nhiều so với những gì chúng ta thường nghĩ về công việc của một giáo viên: lặng lẽ, hy sinh, nhàm chán và gò bó.
Nhìn thấy những thành tựu mà nền giáo dục Phần Lan đạt được, rất nhiều người tin rằng khi trao cho giáo viên và nhà trường sự tự chủ như Phần Lan đã làm, phép màu đổi mới sẽ xảy ra.
Tuy vậy, nếu tìm hiểu sâu hơn về đổi mới, ta sẽ thấy rằng mọi việc không đơn giản như vậy. Sự kìm kẹp quá mức là không tốt. Nhưng sự tự do quá mức cũng không tốt. Tại Phần Lan, tôi đã chứng kiến được viễn cảnh lý tưởng mà tôi chỉ mới đọc được trong lý thuyết: một sự cân bằng tinh tế giữa sự thống nhất và sự tự chủ.
Đa dạng trong thống nhất
Trong hành trình tìm hiểu các trường mầm non tại đây, một điều tôi nhận ra khá rõ ràng là lãnh đạo trường và giáo viên đều nói những điều rất giống nhau. Họ nói về cách giáo dục hướng đến tôn trọng quyền và con đường phát triển riêng của mỗi đứa trẻ, cách trẻ em học tập thông qua vui chơi, cách kết hợp giữa giáo dục và chăm sóc, cách tạo ra một môi trường giáo dục hòa nhập cho mọi đứa trẻ, tình yêu với thiên nhiên và sự công bằng trong giáo dục.
Khung chương trình giáo dục mầm non tại Phần Lan không đưa ra các yêu cầu cụ thể về chuẩn đầu ra và cách triển khai chương trình. Họ dành rất nhiều không gian để nói về triết lý giáo dục, quan điểm về việc dạy và học, về quyền và giá trị của mỗi đứa trẻ. Chính những điều này tạo nên sự thuyết phục và thấu hiểu chung trong cộng đồng giáo viên từ những điều gốc rễ.
Ngoài ra, khi đón đứa con của mình chào đời, cha mẹ sẽ nhận được một hộp quà "hạnh phúc" từ chính phủ chứa những vật dụng cần thiết và những tài liệu hướng dẫn về chăm sóc trẻ em. Do đó, những người trẻ khi bắt đầu hành trình làm cha làm mẹ đều có những quan điểm giáo dục khá tương đồng nhau.
Phần Lan đã làm rất tốt việc xác định đích đến chung trong giáo dục. Nhờ đó, họ dám trao cho mọi người quyền tự do. Và khi trao đi sự tự do, họ nhận lại những con người có trách nhiệm và hành động hiệu quả mà không cần sự kiểm soát quá chặt chẽ.
Đa dạng trong sự thống nhất là điều mà tôi cảm nhận được rất rõ tại đây. Bài học chính là: muốn khác nhau, trước hết cần phải giống nhau.
Truyền thông trong giáo dục
Trong cuộc gặp gỡ, đối thoại với các nhà giáo, cán bộ ngành giáo dục vào tháng 8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã thẳng thắn thừa nhận rằng: "Chúng ta chưa làm cho xã hội thấu hiểu được chúng ta".
Truyền thông thật sự đang là một điểm tắc nghẽn cản trở quá trình đổi mới giáo dục. Không chỉ là truyền thông trong nội bộ ngành mà còn là truyền thông với xã hội, với nhân dân. Ngày nào chưa làm rõ được triết lý giáo dục mà ta đang lựa chọn, chưa thuyết phục được xã hội rằng đấy là hướng đi đúng đắn thì rất khó để có được sự tin tưởng và tự chủ mà ngành giáo dục đang cần để triển khai đổi mới.
Câu hỏi "Triết lý giáo dục Việt Nam là gì?" dù đã được hỏi đi hỏi lại trong suốt nhiều năm qua nhưng dường như vẫn chưa có được một câu trả lời đủ thỏa đáng.
Không có sự thay đổi sâu sắc về nhận thức, về cách nghĩ, cách nói thì mọi sự hô hào, cưỡng ép thay đổi về hình thức cũng chỉ làm đôi vai người giáo viên, phụ huynh và học sinh thêm mỏi mệt.
Khi học về Phần Lan, hãy học họ về cách truyền thông, giao tiếp trong giáo dục. Giáo dục Phần Lan đã cho thấy chỉ khi tạo ra được ý chí và niềm tin thống nhất, chỉ khi nhìn về cùng một hướng mới có thể thực hiện được tự chủ thành công.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận