29/09/2022 08:13 GMT+7

Những bài học sau bão Noru

N.AN - C.TUỆ - T.B.DŨNG
N.AN - C.TUỆ - T.B.DŨNG

TTO - Cơn bão Noru (bão số 4) có cường độ mạnh, di chuyển nhanh đã tràn qua một số tỉnh miền Trung vào rạng sáng 28-9 đúng như dự báo. Điều đáng kể nhất là đến nay chưa có thiệt hại về nhân mạng, tài sản cũng chỉ chịu mức thiệt hại ở mức tối thiểu.

Những bài học sau bão Noru - Ảnh 1.

Giúp dân khắc phục thiệt hại tại vùng chuối ngự lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi sau cơn bão Noru quét qua tại xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Ngay trong sáng 28-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tổ chức cuộc họp đánh giá tình hình, khắc phục thiệt hại và rút kinh nghiệm công tác ứng phó với nhiều ý kiến đã chỉ ra bài học kinh nghiệm quý giá trong việc ứng phó với các cơn bão lớn.

6 bài học phòng chống bão

Từ kết quả ấy, Thủ tướng đã biểu dương, khen ngợi và cảm ơn sự tham gia của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng chống bão. Thủ tướng cho rằng với sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, cùng sự vào cuộc tích cực, chủ động của cơ quan khí tượng thủy văn, quân đội, công an, báo chí đã giúp giảm thiểu mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.

Thủ tướng đã chỉ ra và nhấn mạnh sáu bài học kinh nghiệm về công tác ứng phó bão gồm:

1. Việc cương quyết, quyết liệt, nhất quán vận động, di dời nhân dân ra khỏi nơi nguy hiểm là yếu tố quyết định để không bị thiệt hại về người.

2. Việc nắm chắc diễn biến, bám sát tình hình, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp để phòng chống bão nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả.

3. Việc chủ động xây dựng kịch bản, phương án phù hợp tình hình và khi xảy ra tình huống thì vận hành các kịch bản, phương án đã đưa ra theo phương châm bốn tại chỗ.

4. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, chủ động, tích cực, bám sát tình hình, từ sớm, từ xa, từ cơ sở.

5. Thông tin, hướng dẫn kịp thời, thông suốt, toàn diện, đầy đủ tới người dân, các cấp ủy, chính quyền và doanh nghiệp.

6. Theo Thủ tướng, quy luật tự nhiên ở miền Trung là nơi thường xuyên có mưa lũ, bão gió vào tháng 9, 10, 11. Vì vậy, phải luôn đề cao tinh thần cảnh giác, không lơ là, chủ quan, cũng không lo sợ, hoang mang, hốt hoảng, mất bình tĩnh cùng sự tham gia của người dân và doanh nghiệp, sự hỗ trợ của cả nước với tinh thần đoàn kết, thống nhất, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau.

Những bài học sau bão Noru - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà thảo luận cùng Tổng cục KTTV về bão số 4 sáng 27-9 - Ảnh: N.DƯƠNG

Quan trọng nhất: chính quyền chủ động, người dân chủ động

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho hay cơn bão số 4 đã đi qua với thiệt hại thấp nhất về tài sản và về người. Cùng với sự chỉ đạo của Chính phủ thì sự chủ động của địa phương các cấp, sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, việc nêu cao ý thức tự giác và tuân thủ của người dân đã góp phần tạo nên kết quả trên...

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, cho biết ngay từ khi bão chuẩn bị đổ bộ qua Philippines để đi vào Biển Đông, toàn bộ hệ thống từ trung ương tới địa phương đã chỉ đạo rất quyết liệt.

Thủ tướng đã có ba công điện, trực tiếp hai lần họp với các địa phương, quyết định lập ban chỉ đạo tiền phương do Phó thủ tướng Lê Văn Thành làm trưởng Ban phòng chống bão tiền phương. 

"Chúng tôi đi kiểm tra thì đến từng người dân đều biết nguy cơ cao của bão Noru, chính vì vậy sự lãnh đạo, chỉ đạo của địa phương đã ngấm đến từng người dân và chính sự chủ động này là yếu tố quan trọng để thiệt hại do bão gây ra giảm đi rất nhiều", ông Hiệp nói.

Theo ông Hiệp, bài học quan trọng nhất để giảm thiểu thiệt hại trong các cơn bão nói chung và bão Noru nói riêng vẫn là sự chủ động của người dân. 

"Nếu chúng ta xây dựng được cộng đồng an toàn và mỗi người dân trong cộng đồng an toàn này ý thức được người dân phải làm gì trước bão thì chắc chắn sẽ đảm bảo giảm thiểu thiệt hại, sự chủ động này cũng giúp chúng ta khắc phục rất nhanh nếu có thiệt hại".

Trực tiếp thị sát công tác phòng chống bão lũ từ chiều 27-9 tại các tỉnh miền Trung, Phó thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh sự tin tưởng của nhân dân vào các cấp đã mang lại hiệu quả. 

"Đến 5h chiều, không còn bóng người ngoài đường", Phó thủ tướng nhắc lại khi trước đây, nhiều vụ tai nạn do đi đường bị cây đổ, ngã xuống sông, nhà tốc mái. Cùng với đó là sự đoàn kết, đùm bọc của người dân, khi ông trực tiếp chứng kiến "người sống trong nhà cấp bốn thì sang ở nhờ nhà hàng xóm kiên cố hơn, có khách sạn dành cho bà con trú tránh".

Những bài học sau bão Noru - Ảnh 3.

Gia đình chị Nguyễn Thị Nguyệt vui vẻ nói cười tại nơi trú bão - Trường tiểu học cơ sở 2 Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn, Bình Định - Ảnh: LÂM THIÊN

Khâu chuẩn bị làm tốt, hạn chế tối đa thiệt hại

Sau nhiều năm vật lộn cùng người dân đón bão, chống lũ hằng năm, ông Nguyễn Sự, nguyên bí thư Thành ủy Hội An, cho rằng bão không hề nhỏ, nhưng yếu tố làm giảm thiểu thiệt hại đó chính là sự chủ động, đã không còn tâm lý chủ quan của người dân lẫn chính quyền. 

"Thiệt hại về người xảy ra trong hai trường hợp: người dân trú bão trong nhà cửa mất an toàn, nhà xộc xệch và nhiều bà con quá chủ quan khi bão quét qua, cứ nghĩ là hết bão rồi nên ra dọn dẹp nhà cửa, thu dọn đồ đạc. Nào ngờ đuôi bão vẫn còn và lúc đó không kịp chạy trốn, người Quảng Nam gọi là "lại nồm". Trường hợp thứ hai dân Quảng Nam từng bị rất nhiều", ông Sự nói.

Nguyên bí thư Thành ủy Hội An cho rằng không thể phủ nhận hiện nay tư duy và điều kiện chống bão đã khác xưa rất nhiều. Thông tin cập nhật liên tục, đời sống nhân dân nâng cao nên nhà cửa được xây rất kiên cố, vững chãi hơn. Trong một khu dân cư, chỉ cần một số nhà kiên cố thì bà con sẽ san sẻ nhường chỗ để đưa nhau vào trú ẩn. Ông Sự cho rằng chính cơ sở vật chất trú bão "nằm trong dân" này đã giảm tải cho việc tổ chức địa điểm tránh trú từ chính quyền.

Một yếu tố nữa cho thấy tính hiệu quả thấy được, đó là sự chủ động của chính quyền. Trước ít ngày bão đổ bộ, chính quyền các địa phương đã lên mọi kịch bản, chuẩn bị nhân lực. Yêu cầu rõ ràng và nhất quán, nhất là phải phòng bão lớn hơn thực tế với các mốc thời gian hoàn thành từng công việc rất cụ thể. Chính quyền cũng áp lệnh "cấm ra đường" trong thời gian bão đổ bộ, một số nơi còn được kéo dài thêm nhiều giờ sau khi bão tan hẳn để đảm bảo chắc chắn rằng không có nguy cơ mất an toàn.

Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Sơn cũng cho rằng bất cứ sự chủ quan nào sẽ phải trả giá, sự rủi ro khó lường của bão lũ là điều không cho phép dễ dãi. Mọi việc phải làm trước và tới giờ bão đổ bộ chỉ có việc đóng cửa lại đợi chờ và sẵn sàng xử lý tình huống ngoài dự tính. "Quan trọng nhất là người dân phải được đưa vào nơi trú ẩn an toàn vì người mất đi thì không lấy lại được, tài sản của cải thì có thể gầy lại", ông Sơn nói.

Được dự báo là "nằm trong mắt bão", khu dân cư Phước Trạch, Phước Hải, phường Cửa Đại (Hội An) sẽ bị tàn phá nghiêm trọng nhưng sau bão Noru, nơi đây gần như không có thiệt hại nào đáng kể. Tất cả người dân ở đây đều nói rằng họ không có mặt trong nhà thời điểm bão đổ bộ mà dời đi qua nhà người thân, hàng xóm, khu trú bão tập trung. Điều này rất khác so với nhiều năm trước đó. 

Theo ông Huỳnh Nùng - tổ 4, Phước Trạch, do chính quyền rất cương quyết. "Nếu ở lại mà nhờ vào may rủi thì có lẽ không có cảnh bình an sau bão, không một tiếng la khóc như giờ", ông Nùng nói lúc trở về dọn dẹp nhà cửa sáng 28-9.

Tuyệt đối không lơ là với các diễn biến tiếp theo

Thủ tướng lưu ý cần theo dõi sát tình hình, dự báo kịp thời các diễn biến thời tiết, thiên tai, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Theo đó, ông yêu cầu nhanh chóng khắc phục hậu quả, ứng phó với nguy cơ lũ lụt, sạt lở đất, sớm ổn định đời sống người dân. Tuyệt đối không để dân đói, dân rét, không có chỗ ở, không để dịch bệnh bùng phát do ô nhiễm môi trường sau bão, lũ.

Đặc biệt, cần sớm thống kê thiệt hại để tổng hợp, báo cáo các cấp nhằm có biện pháp hỗ trợ, khắc phục thiệt hại. Sẵn sàng hỗ trợ gạo, kinh phí cho các địa phương, khắc phục sạt lở tại các tuyến giao thông trọng yếu, bảo đảm giao thông thông suốt và an toàn, khôi phục hệ thống truyền tải điện...

Không đợi thiên tai xảy ra mới chống

Từ Quảng Ngãi, lãnh đạo tỉnh cho hay miền Trung vốn là nơi hứng chịu nhiều nhất những cơn bão, nên sự chủ động "không đợi thiên tai xảy ra mới chống" là phương châm của tỉnh.

Vì vậy, từ các công điện của Thủ tướng, tỉnh đã phân công từng thành viên thường vụ để chỉ đạo, đôn đốc công tác ứng phó, với phương châm bốn tại chỗ. Trong đó tập trung sơ tán người dân đến điểm kiên cố, sẵn sàng nhu yếu phẩm, đôn đốc việc tàu thuyền neo đậu...

Lãnh đạo TP Đà Nẵng thì cho rằng bài học lớn nhất là cần quyết liệt di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, khu vực có khả năng sạt lở, bảo vệ tính mạng gắn với bảo đảm tài sản của người dân.

Còn theo lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, sự chủ động xây dựng phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro, cập nhật hằng năm, phù hợp thực tế, diễn tập thường xuyên là cần thiết...

Ý thức của mọi người ngày càng cao

Neodautauthuyen

Ngư dân phường Thọ Quang, quận Sơn Trà neo đậu tàu trên âu thuyền trước giờ bão đến - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Chia sẻ cùng Tuổi Trẻ, một lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng cho biết sở dĩ thiệt hại được giảm thiểu là do ngay khi có dự báo bão đổ vào Đà Nẵng, ngoài công việc của chính quyền thì nhờ có kinh nghiệm chống bão nhiều năm nên người dân, các cơ quan công sở, trường học đã chủ động gia cố, chèn chống nhà cửa vững chắc trước mùa mưa chứ không đợi khi bão đến.

TP ban bố lệnh cấm ra đường lúc 20h nhưng từ chiều tối khi thấy gió giật mạnh thì người dân đã chủ động không ra khỏi nhà để đảm bảo an toàn tính mạng của mình. Đó chính là ý thức, trách nhiệm tự bảo vệ chính bản thân mình trước bão tố của người dân ngày càng cao.

Chị Trần Thị Linh, một người dân sống ở phường Tam Thuận, quận Thanh Khê, nói người dân Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung năm nào cũng hứng chịu bão tố nên ngày càng chủ động phòng chống và tìm cách thích ứng để bảo vệ tính mạng và tài sản.

"Nhà cửa khu vực ven biển khi xây thì chú trọng kết cấu vững chắc, việc chằng chống, gia cố nhà cửa là việc làm thường xuyên, không đợi khi có bão mới làm thì không trở tay kịp", chị Linh nói.

Trở về nhà, bà Đinh Thị Giàu (54 tuổi, thôn Hòa Hạ, xã Tam Thanh, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) đau xót nhìn ngôi nhà cấp bốn của mình tan hoang nhưng "cũng may được chính quyền đưa đón đi sơ tán nơi an toàn kịp thời nên gia đình không phải sống cảnh bão bùng", bà Giàu nói.

Chuyện "cũng may" mà bà Giàu nói chính là chuyện sơ tán người dân tránh trú bão một cách triệt để của chính quyền tỉnh Quảng Nam. Tỉnh này đã hỗ trợ xe đưa đón hàng chục nghìn người dân đến nơi tránh trú an toàn, hỗ trợ nhu yếu phẩm, thức ăn, nước uống cho dân trong thời gian tránh trú.

Các đội xe lưu động cũng chạy dọc đường ven biển cả ngày lẫn đêm để phát đi những bản tin cảnh báo bão, vận động người dân sơ tán. Rồi lực lượng dân quân, biên phòng, công an cũng bám sát địa bàn, vận động từng hộ dân gói ghém đồ đạc lên xe đến nơi trú ẩn.

Theo anh Nguyễn Thanh Việt - phó chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự xã Tam Phú, TP Tam Kỳ, từ sáng sớm 27-9 anh cùng lực lượng quân sự của mình phụ trách sơ tán gần 300 người dân ở địa phương vào Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân (xã Tam Phú, TP Tam Kỳ). "Công việc rất khẩn trương, anh em căng mình dầm mưa để đưa đón người dân, rồi sắp xếp bàn ghế gọn gàng dành nơi cho bà con nghỉ ngơi. Chính quyền cũng đã chuẩn bị nước uống, thực phẩm để hỗ trợ người dân trong lúc chờ bão tan về nhà.

Mọi người vào khu trú bão được ghi tên họ rõ ràng, chúng tôi kiểm soát rất kỹ, tuyệt đối không để người nào về nhà trong lúc mưa to gió lớn", anh Việt nói.

Nhóm PV

Việt Nam dự báo bão Noru sát nhất

Theo Tổng cục Khí tượng thủy văn (KTTV) Bộ Tài nguyên và Môi trường, dự báo về hướng di chuyển, thời gian đổ bộ, khu vực đổ bộ của bão Noru là chính xác, riêng cường độ khi đổ bộ thì nhỏ hơn 1 - 2 cấp so với dự báo ban đầu.

Theo dõi sớm và kỹ lưỡng

Đánh giá về công tác dự báo, Tổng cục KTTV cho biết việc dự báo bão Noru được triển khai từ rất sớm và nhận được sự quan tâm của toàn thể hệ thống chính trị. Toàn bộ hệ thống các trạm quan trắc KTTV của tổng cục, đặc biệt là các radar thời tiết ven biển tại khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp của bão số 4 đã thực hiện quan trắc tăng cường, bổ sung phục vụ dự báo bão.

Ngay từ ngày 23-9, khi bão còn ở ngoài khơi Philippines đã có công văn gửi Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai. Khi bão vừa vào Biển Đông, đã phát tin khẩn cấp kèm theo thông báo từng giờ với 33 tin chính thức và 44 tin bổ sung. Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia đã thường xuyên giữ liên lạc và thảo luận với các cơ quan khí tượng Philippines, Nhật Bản để trao đổi đặc điểm bão và những tác động ở Philippines, về dự báo quỹ đạo, cường độ và ảnh hưởng có thể có của bão số 4. "Dự báo quỹ đạo và thời điểm bão ảnh hưởng trên đất liền của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia là phù hợp với thực tế", Tổng cục KTTV nhấn mạnh.

Về cường độ, theo Tổng cục KTTV, đây là một cơn bão có sự thay đổi rất nhanh, liên tục về cường độ, kể cả khi ở ngoài Philippines và trên Biển Đông, có thời điểm khi ở ngoài Philippines tăng tám cấp trong vòng 24 giờ và khi vào Biển Đông thì liên tục tăng cấp, đến 23h ngày 27-9, bão vẫn giữ cường độ cấp 14 - 15, giật cấp 17.

Trong khi đó, các trung tâm dự báo bão quốc tế gồm: Mỹ, Bắc Kinh, Hong Kong dự báo trên biển cường độ bão mạnh cấp 17, giật trên cấp 17; khi đổ bộ cấp 15 - 16, giật trên cấp 17; Nhật Bản dự báo khi đổ bộ cấp 14 - 15; các dự báo của Mỹ, Bắc Kinh, Hong Kong luôn mạnh hơn Việt Nam từ 2 - 3 cấp; dự báo của Nhật mạnh hơn một cấp trên biển và mạnh hơn hai cấp khi đổ bộ.

Còn dự báo Việt Nam bão cấp 13 - 14 trên Biển Đông, cấp 12 - 13 khi vào gần bờ do có tác động của ma sát, địa hình. Khi bão cách bờ biển Quảng Nam 100km, dựa trên quan trắc radar thời tiết chúng ta cập nhật đánh giá cường độ bão khi vào bờ cấp 11 - 12, giật cấp 14.

"So với diễn biến thực tế, các dự báo quốc tế cao hơn 2 - 3 cấp khi trên Biển Đông, 3 - 4 cấp khi đổ bộ vào đất liền. Còn dự báo của Việt Nam sát nhất, chính xác khi trên Biển Đông, thấp hơn 1 - 2 cấp khi bão vào đất liền", Tổng cục KTTV khẳng định.

Luoidien

Nhân viên điện lực cùng nhiều lực lượng khác phối hợp khắc phục điện lưới tại Quảng Ngãi - Ảnh: T.MAI

Bão suy yếu nhanh

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Phan Văn Tân (nguyên chủ nhiệm bộ môn khí tượng, khoa khí tượng thủy văn và hải dương học, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng cho rằng dự báo về cường độ bão Noru của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia sát hơn so với các dự báo quốc tế, về quỹ đạo di chuyển và vị trí đổ bộ là hợp lý.

Theo ông Tân, khi đưa ra cảnh báo ở trên biển, từ thông tin quan trắc thì đây là cơn bão mạnh, có thể duy trì cường độ nên việc đưa ra cảnh báo hơi quá một chút, sai một chút cũng là cần thiết vì sẽ nâng cao cảnh giác cho người dân.

"Có hai loại sai trong thời tiết. Một là bão cường độ mạnh mà dự báo thấp hơn thì để lại hậu quả rất lớn. Hai là bão vào cường độ nhỏ hơn so với cường độ dự báo (như trường hợp bão Noru) thì thiệt hại là việc đầu tư để sơ tán, di dân, vật chất để chống bão. Trong hai sai số này thì phải ưu tiên sai số thiệt hại hơn nguy hiểm", TS Tân phân tích.

Cũng theo ông Tân, bão Noru khi vào bờ giảm cấp rất nhanh là do không được nuôi dưỡng nguồn năng lượng trên biển, ma sát địa hình, nhất là khu vực bão đổ bộ có dãy Trường Sơn khiến bão suy yếu nhanh.

C.TUỆ

Tiếp tục theo dõi vùng xung yếu

Song song với khắc phục hậu quả bão, các địa phương tiếp tục bố trí lực lượng canh gác, biển báo tại các khu vực có nguy cơ sạt lở, các ngầm, tràn bị ngập sâu để cảnh báo, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân.

Theo đó, dù bão tan nhưng sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết, càng nắm thông tin dự báo sớm và chính xác, công tác ứng phó sẽ mang lại hiệu quả cao nhất. "Trong những ngày tới, Quảng Ngãi được dự báo sẽ có mưa lớn trong khi đợt mưa vừa rồi với cường độ lớn, lòng đất nhiều khả năng đã no nước, nếu không chủ động theo dõi, cảnh báo và lên phương án ứng phó, sạt lở, lũ xảy ra sẽ gây hậu quả khôn lường. Từ đây đến khi kết thúc mùa mưa, phải liên tục nắm thông tin và xử lý những vấn đề thời tiết có thể xảy ra" - ông Đặng Văn Minh, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, nói.

T.MAI

Cảnh báo lũ từ Thanh Hóa - Kon Tum

Từ nay đến ngày 30-9, trên các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Trị và hạ lưu sông Đăkbla có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, biên độ lũ lên ở thượng lưu các sông từ 3 - 7m, hạ lưu từ 2 - 3m. Đỉnh lũ trên sông Ngàn Phố (Hà Tĩnh), các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị và hạ lưu sông Đăkbla lên mức báo động 1 - báo động 2; các sông nhỏ, thượng lưu các sông ở Thanh Hóa, thượng lưu sông Cả (Nghệ An), sông Ngàn Sâu (Hà Tĩnh) lên mức báo động 1 và trên báo động 1; hạ lưu sông Mã, sông Cả ở dưới mức báo động 1. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Kon Tum.

C.TUỆ

57 người bị thương

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đến 19h ngày 28-9, bão Noru làm 57 người bị thương, 94 nhà bị sập, 3.246 nhà bị tốc mái, 77 điểm trường bị ảnh hưởng, 295ha lúa, 1.038ha hoa màu bị thiệt hại, 9 ghe, tàu nhỏ bị hư hại, chìm tại khu neo đậu.

Về hệ thống điện: có 10.510 trạm biến áp mất điện tạm thời, trong đó 6.808 trạm tại các tỉnh được đóng điện trở lại vào ngày 28-9, 3.702 trạm của TP Đà Nẵng trước 17h hôm nay 29-9.

C.TUỆ

Vì sao Noru là bão mạnh song thiệt hại giảm thiểu? Vì sao Noru là bão mạnh song thiệt hại giảm thiểu?

TTO - Sự chủ động của các cấp chính quyền và sự đồng lòng, tin tưởng, đùm bọc của người dân đã giúp cho các tỉnh miền Trung hạn chế thấp nhất thiệt hại do cơn bão Noru gây ra.

N.AN - C.TUỆ - T.B.DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên