Những người phương Tây háo hức tham gia các giải Ekiden - Ảnh: Facebook
Và đến đầu thế kỷ 20, những bước chạy từ Kyoto đến Tokyo của người dân Nhật cũng khởi nguồn cho một thứ tinh thần mang tính đại diện cho cả dân tộc xứ sở mặt trời mọc - tinh thần Ekiden.
Ekiden là hình thức giải đấu chạy bộ tiếp sức cực kỳ phổ biến bắt nguồn từ Nhật Bản và rồi lan truyền rộng rãi ra toàn thế giới. Với riêng người dân Nhật, Ekiden còn hơn cả một cuộc đấu thể thao.
Hãy chia nhỏ nó ra...
Cuộc đua Ekiden đầu tiên ra đời vào năm 1917, với một mục đích khá sâu xa - kỷ niệm ngày dời đô nước Nhật (từ Kyoto sang Tokyo vào năm 1868). Cuộc đua được thành lập bởi Yomiuri Shimbun, một trong những tờ báo hàng đầu nước Nhật. Cuộc đua kéo dài từ Kyoto đến Tokyo, với độ dài quãng đường di chuyển lên đến 508 km, và diễn ra trong ba ngày ba đêm.
Người đặt tên cho giải đấu năm đó là nhà thơ Zenmaro Toki (1885-1980) - đứng đầu phòng xã hội của Yomiuri Shimbun. Ý nghĩa của Ekiden khá dễ hiểu, với "eki" nghĩa là trạm, còn "den" là sự chuyển giao.
"Ekiden" đơn giản chỉ muốn nói đến một cuộc đua được chia ra làm nhiều chặng - điều hiển nhiên với độ dài lên đến hơn 500km của cuộc đua. Trong cuộc đua Ekiden đầu tiên này, các VĐV của mỗi đội di chuyển từ trạm này đến trạm kia, trao một chiếc băng (được gọi là tasuki) cho người chạy tiếp theo của đội.
Khi Yomiuri Shimbun tổ chức giải Ekiden đầu tiên, có lẽ họ cũng không ngờ đến sức ảnh hưởng rộng rãi mà giải chạy bộ tiếp sức này mang đến cho người dân Nhật mãi đến sau này. Việc dời đô từ Kyoto đến Tokyo là quyết định đặt nền móng cho cuộc Duy Tân của Minh Trị Thiên Hoàng cuối thế kỷ 19.
Và giải chạy bộ Ekiden vì thế, đi vào tiềm thức người dân Nhật như một hành trình tiến đến sự đổi mới, đến tương lai xán lạn. Đó là cuộc hành trình mà bằng sức một người bình thường - vào thời điểm đó là không thể nào đạt được. Vậy thì "hãy chia nhỏ nó ra"!
Giải Ekiden ở Hawaii thu hút đông đảo người tham dự - Ảnh: Facebook
Không bao giờ bỏ cuộc
5 năm trước khi giải Ekiden ra đời, thể thao Nhật chào đón một sự kiện đặc biệt - VĐV Shizo Kanaguri trở thành người Nhật đầu tiên tham dự một cuộc đua marathon ở Olympic. Cuộc đua ở Thụy Điển năm 1912 đầy rẫy những thử thách về nhiệt độ, cùng các vấn đề về thực phẩm với chàng trai người Nhật.
Trên đường chạy, Kanaguri bị ngất xỉu và được một nhà nông chăm sóc. Quá xấu hổ, khi tỉnh dậy ông âm thầm rời Thụy Điển mà không thông báo cho ban tổ chức. Chính quyền Thụy Điển thậm chí ngỡ rằng ông đã mất tích.
Nhưng Kanaguri không bao giờ bỏ cuộc cho ngày trở lại. Trong thời gian ông tập luyện miệt mài, giải Ekiden đầu tiên ra đời, và nhà vô địch chạy bộ của nước Nhật đã nhìn thấy chính mình qua hình ảnh cuộc đua tiếp sức đó.
Năm 1920, Kanaguri đưa ra ý tưởng thành lập một giải Ekiden thường niên - lấy tên Hakone Ekiden (chạy từ Tokyo đến Hakone). Cuộc đua lần này chuyên nghiệp hơn nhiều so với giải Ekiden do Yomiuri Shimbun tổ chức, với sự tham dự của một hệ thống các trường đại học lừng danh ở Nhật - theo lời kêu gọi của Kanaguri. Nhà vô địch chạy bộ Nhật Bản cũng tham gia cuộc đua năm đó.
Vài tháng sau khi tổ chức giải Hakone Ekiden đầu tiên, Kanaguri đến Bỉ để một lần nữa chinh phục cuộc đua marathon ở Olympic. Và cuối cùng ông cũng hoàn thành phần chạy của mình, với thời gian 2 giờ 48 phút 45,4 giây.
Câu chuyện về sự kiên trì của Kanaguri trở thành nguồn cảm hứng cho các giải đấu Hakone Ekiden sau này. Hiếm có ai lại không thất bại trong những nỗ lực chinh phục đầu tiên, nhưng bằng sự miệt mài, và hỗ trợ cho nhau, tất cả đều có thể đến đích.
Suốt gần một trăm năm qua, Hakone Ekiden vẫn được tổ chức đều đặn hàng năm với sự tham gia của các học sinh, sinh viên, những công dân trẻ nước Nhật, trở thành một trong những giải đấu thể thao lâu đời và vĩ đại nhất thế giới.
VĐV Phạm Đức Luân
Cả thế giới hưởng ứng
Nhưng Hakone Ekiden không phải là giải Ekiden dài nhất thế giới. Trong quá khứ, danh hiệu này thuộc về The Grand Tour Kyushu Ekiden - giải đấu có cự ly lên đến 1064 km diễn ra ở đảo Kyushu, có thời gian thi đấu lên đến 10 ngày.
Giải đấu này ra đời vào năm 1951 và khởi đầu ở thành phố Nagasaki - mang mục đích ủng hộ sự hồi sinh của thành phố bị bom nguyên tử tàn phá trong Thế chiến thứ II này. Với ý nghĩa đó, Grand Tour Kyushu Ekiden có một vị thế rất quan trọng trong lòng người dân Nhật.
Độ thử thách của Grand Tour Kyushu lớn đến mức Sammy Wanjiru - nhà vô địch Olympic môn marathon người Kenya (giành HCV ở Bắc Kinh 2008) từng có một thời gian dài đến Kyushu tập luyện, và tham gia vào giải đấu này.
Không chỉ có Wanjiru, rất nhiều người nước ngoài háo hức tham gia vào các giải Ekiden hàng đầu ở Nhật Bản. Adharanand Finn - tác giả cuốn sách "Chạy bộ với người Kenya" cũng đến Nhật sinh sống nhiều năm để tìm hiểu về văn hóa - tinh thần Ekiden.
"Tất cả, dọc theo các tuyến đường, mọi người ra khỏi nhà để cổ vũ cho các VĐV. Bầu không khí đó gợi cho tôi nhớ đến Tour de France. Và những người lớn tuổi thì không ngừng kể về kỷ niệm, cảm xúc của họ trong những lần chạy Ekiden đầu tiên. Đối với tôi, Ekiden là một trong những môn thể thao thú vị, hấp dẫn và cuồng nhiệt nhất" - Finn viết.
Ngày nay, Ekiden đã trở thành một sự kiện mang tính toàn cầu. Rất nhiều công ty, tập đoàn hàng đầu Nhật Bản tổ chức các giải đấu Ekiden để gắn kết các nhân viên làm việc ở nước ngoài, đồng thời quảng bá về nét văn hóa đặc sắc này của họ đến người dân bản xứ.
Ở mọi nơi, các giải đấu Ekiden đều nhận được sự ủng hộ rất lớn. Các quốc gia đặc biệt có những giải Ekiden quy tụ đông đảo người tham gia gồm Canada, Singapore, New Zealand, Bỉ và Mỹ...
Và ngày 17-11 tới đây, Ekiden lần thứ hai với mục tiêu chạy vì an toàn giao thông trở lại với Hà Nội, Việt Nam, cũng hứa hẹn tưng bừng như những nơi khác trên thế giới.
Điều kiện tham dự và lộ trình của Kizuna Ekiden 2019
Sự kiện Kizuna Ekiden 2019 diễn ra tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội, VN) sáng 17-11. Theo đó, các đội sẽ xuất phát từ khu vực vườn hoa Lý Thái Tổ, một lượt 2 vòng hồ Hoàn Kiếm, tổng cộng 4 lượt chạy với tổng cự ly chạy là 14km.
Các đội tham gia giải năm nay được chia thành 2 nhóm. Theo đó, nhóm Kizuna với tối đa 200 đội, mỗi đội gồm 4 người, trong đó có ít nhất 1 người Việt Nam và 1 người Nhật Bản. Đặc biệt trong nhóm này sẽ có nhóm cảnh sát Việt - Nhật (13 đội) là sự kết hợp lực lượng cảnh sát của hai nước.
Riêng nhóm Ekiden có tối đa 200 đội, mỗi đội gồm 4 người, không phân biệt quốc tịch.
* Người tham dự có thể đăng ký tham gia Việt Nam Kizuna Ekiden 2019 tại: http://vietnam.kizunaekiden.com.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận