Trong một căn phòng kín nằm phía sau một đội bảo vệ có vũ trang và ba hàng dây thép gai cao tại kho hóa chất Pueblo của quân đội Mỹ ở bang Colorado, một nhóm cánh tay robot đang bận rộn tháo rời một số lượng vũ khí hóa học khủng khiếp cuối cùng của Mỹ trong kho này.
Những thanh âm chết người
Theo báo New York Times, đó là những quả đạn pháo chứa đầy chất độc hại chết người mà quân đội Mỹ đã cất giữ trong hơn 70 năm.
Những quả đạn được chọc thủng để chất độc chảy ra. Sau khi rửa sạch, chúng được đem nung ở nhiệt độ 815 độ C. Những mảnh kim loại trơ trơ và vô hại chảy ra, rơi khỏi băng chuyền vào một thùng rác màu nâu thông thường.
"Đó là âm thanh của một loại vũ khí hóa học đang chết dần”, ông Kingston Reif, người đã dành nhiều năm thúc đẩy giải trừ vũ khí và hiện là phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ về giảm thiểu mối đe dọa và kiểm soát vũ khí, nói.
Việc phá hủy kho dự trữ đã kéo dài hàng thập kỷ và quân đội Mỹ cho biết công việc sắp hoàn thành.
Kho gần Pueblo đã phá hủy vũ khí cuối cùng của nó hồi tháng 6, số còn lại tại một kho khác ở bang Kentucky sẽ bị tiêu hủy trong vài ngày tới. Và khi chúng biến mất, tất cả vũ khí hóa học được công khai trên thế giới sẽ bị loại bỏ.
Chậm hàng thập kỷ so với kế hoạch
Kho dự trữ của Mỹ được xây dựng qua nhiều thế hệ và gây sốc về quy mô: bao gồm bom chùm, mìn đất chứa đầy chất độc thần kinh và những thùng chứa đầy chất độc có thể chất lên máy bay phản lực và phun xuống các mục tiêu bên dưới.
Đó là một trong các vũ khí được coi là vô nhân đạo, đến mức việc sử dụng chúng đã bị lên án sau Thế chiến thứ nhất.
Nhưng Mỹ và các cường quốc khác vẫn tiếp tục phát triển và tích lũy loại vũ khí khủng khiếp này. Họ đưa thêm vào vũ khí các chất độc thần kinh mới, như Sarin và VX (có độc tính cao gấp khoảng 10 lần Sarin) có thể gây chết người ngay cả với số lượng nhỏ.
Sự kết hợp giữa chất nổ và chất độc khiến chúng trở nên đặc biệt nguy hiểm khi xử lý.
Các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ từng dự đoán công việc này có thể được thực hiện trong vài năm với chi phí khoảng 1,4 tỉ USD.
Chương trình hiện đang trên đà kết thúc - chậm sau hàng thập kỷ so với kế hoạch - và có chi phí lên đến gần 42 tỉ USD - vượt 2.900% so với ngân sách.
Công chúng biết rất ít về độ lớn và nguy hiểm của các kho dự trữ vũ khí nguy hiểm này. Họ chỉ biết vào buổi sáng mùa xuân đầy tuyết năm 1968, có 5.600 con cừu đã chết một cách bí ẩn trên vùng đất gần một địa điểm thử nghiệm của quân đội Mỹ ở bang Utah.
Mỹ và Liên Xô đã đồng ý về nguyên tắc vào năm 1989 việc phá hủy các kho dự trữ vũ khí hóa học của hai nước.
Khi Thượng viện Mỹ phê chuẩn Công ước về Vũ khí hóa học vào năm 1997, Mỹ và các bên ký kết khác đã cam kết loại bỏ vũ khí hóa học một lần và mãi mãi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận