Tuyến tụy là một trong những bộ phận đóng vai trò quan trọng đối với hệ tiêu hóa. Nó tạo ra các enzym để phân hủy thức ăn, sản xuất insulin và glucagon, giúp điều chỉnh lượng đường trong máu - Ảnh: HEALTH
Viêm tụy là một tình trạng sức khỏe nghiêm trọng. Có hai loại viêm tụy là viêm tụy cấp và viêm tụy mãn tính. Cả hai đều có thể gây đau bụng dữ dội và các vấn đề về tiêu hóa. Tình trạng này thường do những nguyên nhân như chế độ ăn uống, hút thuốc lá, uống rượu và nhiễm trùng gây nên.
Lạm dụng rượu bia
Uống nhiều rượu có thể làm tăng đáng kể khả năng mắc bệnh viêm tụy. 40% các trường hợp viêm tụy mãn tính và tới 1/3 các trường hợp viêm tụy cấp có nguyên nhân từ việc lạm dụng rượu bia.
Đối với người từng có tiền sử nghiện rượu hoặc gặp các vấn đề liên quan đến rượu thì nguy cơ bị viêm tụy càng cao. Những người trẻ tuổi thường xuyên có những buổi tụ tập bạn bè, tiêu thụ rượu từ 4-5 ly mỗi ngày trong thời gian dài có nguy cơ tăng cao hơn người bình thường tới 4 lần.
Trong trường hợp này, cách tốt nhất là nên ngừng uống rượu. Bỏ rượu sẽ làm giảm nguy cơ tái phát viêm tụy và giảm khả năng mắc viêm tụy mãn tính.
Nồng độ chất béo trong máu cao
Nồng độ chất béo trung tính trong máu cao là nguyên nhân của 10% các trường hợp viêm tụy cấp.
Chất béo bình thường sẽ được giải phóng từ mô mỡ vào máu và chuyển hóa thành nguồn năng lượng. Khi một người có lượng chất béo cao sẽ được lưu trữ trong mô mỡ dưới dạng chất béo trung tính, có thể hợp thành với glucose. Lượng chất béo này nhiều ở mức 500 miligam trên mỗi decilit (mg/dl) sẽ bị phân hủy thành các axit béo tự do có thể tăng lipid máu hoặc tính kháng insulin, đồng thời gây viêm tuyến tụy.
Điều đáng chú ý là nguyên nhân tiềm ẩn của chất béo trung tính cao lại đến từ lối sống không lành mạnh: ít vận động, uống nhiều rượu bia, ăn nhiều đồ chứa chất béo bão hòa và carbohydrate tinh chế.
Các bệnh lý nền như bệnh tiểu đường, suy giáp và viêm khớp dạng thấp cũng có thể ảnh hưởng đến mức chất béo trung tính.
Hút thuốc lá
Hút thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ phát triển cả viêm tụy cấp tính và mãn tính.
Trong thuốc lá chứa nhiều chất độc hại, chẳng hạn như nicotin và nitrosamine ketone, có thể phá vỡ các tế bào tuyến tụy và dẫn đến viêm nhiễm.
Nhiều bằng chứng khoa học cho thấy những người hút thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh viêm tụy cấp cao hơn nhiều so với những người không hút. Càng hút thuốc lâu năm thì nguy cơ mắc bệnh càng cao.
Sỏi mật
Sỏi mật là nguyên nhân phổ biến nhất của viêm tụy cấp, chiếm tới 40% các trường hợp. Sỏi mật phát triển khi túi mật không rỗng hoàn toàn.
Thông thường, túi mật lưu trữ một chất lỏng, được gọi là mật, giúp tiêu hóa chất béo. Khi chúng ta ăn thực phẩm chứa chất béo, túi mật sẽ giải phóng mật qua một ống gọi là ống mật chủ để tiêu hóa lượng chất béo đó.
Tuy nhiên, khi túi mật không rỗng hoàn toàn hoặc không hoạt động thường xuyên, mật sẽ cô đặc thành sỏi kết tinh, được gọi là sỏi mật. Những viên sỏi mật sau đó có thể bị mắc kẹt trong ống mật chủ hoặc ống tụy, gây tắc nghẽn và dẫn đến viêm tụy.
Khi sỏi mật gây viêm tụy, người bệnh sẽ cảm thấy đau bụng dữ dội ngay bên sườn trái, nôn mửa và sốt, ớn lạnh.
Sử dụng một số loại thuốc
Thuốc chỉ chiếm khoảng 0,1-2% các trường hợp viêm tụy cấp. Nhưng nếu một người có lạm dụng nhiều rượu bia, hút thuốc lâu năm và có bệnh phải dùng một số loại thuốc, chẳng hạn như: thuốc ức chế men chuyển, thuốc tránh thai, liệu pháp thay thế hormone, thuốc lợi tiểu, thuốc hạ đường huyết… thì nguy cơ mắc viêm tuyến tụy sẽ tăng cao.
Viêm tụy do thuốc thường gây ra các triệu chứng nhẹ đến trung bình, rất ít trường hợp có thể trở nên nghiêm trọng. Các triệu chứng thường sẽ khởi phát trong vòng một tuần kể từ khi bắt đầu dùng thuốc.
Trong trường hợp này nên ngừng dùng thuốc ngay lập tức và tìm kiếm một loại thuốc thay thế.
Một lối sống thiếu tôn trọng sức khỏe bản thân, với việc sử dụng rượu bia, thuốc lá và ăn uống nhiều chất béo có thể khiến tuyến tụy ngày càng suy yếu hơn - Ảnh: GETTY
Nhiễm trùng
Nhiễm vi rút, vi khuẩn và ký sinh trùng chiếm khoảng 10% các trường hợp viêm tụy cấp.
Vi rút gây ra hầu hết các bệnh nhiễm trùng dẫn đến viêm tụy, chẳng hạn như: vi rút viêm gan B, HIV (vi rút gây suy giảm miễn dịch ở người), Herpes simplex, Varicella-zoster.
Tăng canxi trong máu
Nồng độ canxi cao trong máu có thể gây viêm tụy.
Một người sẽ có quá nhiều canxi trong máu nếu mắc một tình trạng cường tuyến cận giáp. Đó là khi cơ thể tạo ra quá nhiều hormone tuyến cận giáp. Loại hormone này giúp điều chỉnh nồng độ canxi.
Khoảng 1-8% các trường hợp cường tuyến cận giáp gây ra viêm tụy.
Chấn thương vùng bụng
Một người có thể bị viêm tụy sau chấn thương bụng do những nguyên nhân như: tai nạn xe, ngã, bị đâm, cắt, hoặc phẫu thuật vùng bụng.
Đây là nguyên nhân hiếm, chỉ có khoảng 0,2-1,1% các ca chấn thương bụng dẫn đến viêm tụy.
Yếu tố di truyền
Viêm tụy do di truyền có thể gây viêm tụy mãn tính và làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tụy. Tình trạng hiếm gặp này phát triển do đột biến gene ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến tụy.
Các triệu chứng của bệnh viêm tụy di truyền thường bắt đầu từ thời thơ ấu. Bệnh nhân sẽ có các đợt viêm tụy cấp tính rồi chuyển thành viêm tụy mãn tính. Xét nghiệm di truyền có thể giúp xác nhận họ có bị viêm tụy di truyền hay không.
Ngoài ra, các tình trạng sức khỏe như bị xơ nang, béo phì và ung thư tuyến tụy cũng có thể gây viêm tụy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận