24/11/2014 00:10 GMT+7

​Nhức nhối nạn tảo hôn trên thế giới

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Cần biết - Trên thế giới mỗi năm có khoảng 15 triệu bé gái kết hôn và hiện có khoảng 700 triệu nữ giới kết hôn trước 18 tuổi.

Theo đà này, ước tính đến năm 2050 sẽ có 1,2 tỷ bé gái là nạn nhân của tệ nạn tảo hôn.

Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, nạn tảo hôn phổ biến nhất ở Nam Á và khu vực cận Sahara ở châu Phi. Niger, Bangladesh và Ấn Độ là những quốc gia có tỷ lệ tảo hôn cao, trong đó Niger có tỷ lệ cao nhất thế giới.

Trung bình mỗi năm trên toàn thế giới có 16 triệu trẻ sơ sinh chào đời từ những bà mẹ trong độ tuổi từ 15-19, chiếm 11% tổng số sản phụ toàn cầu.

Số bé gái mang thai ở độ tuổi từ 10-14 tuy ít song rất đáng lo ngại, trong đó số sản phụ sinh con ở độ tuổi dưới 15 tại nhiều quốc gia ở phía Nam sa mạc Sahara lại chiếm tỷ lệ khá cao, lên tới 12% số sản phụ tại vùng này và tỷ lệ tương ứng ở khu vực Mỹ Latinh là 3%. 

Trước thực trạng có tới 10-12 triệu cô gái trẻ, thậm chí chỉ là các cô bé mới 5 tuổi, bị ép gả chồng mỗi năm, Liên Hợp Quốc đã lên tiếng kêu gọi tất cả các quốc gia tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh chống lại nạn tảo hôn nhức nhối đang có xu hướng phát triển mạnh ở nhiều nơi, nhất là tại các nước kém phát triển. 

iKPn19C7.jpg

Nạn tảo hôn thường phổ biến ở các đất nước nông nghiệp và nghèo nàn, và những hệ quả của nó càng làm nghèo đói trở thành một tình trạng dai dẳng. Các cô dâu trẻ em phải nghỉ học, bị tước đoạt giáo dục và những công việc ý nghĩa.

Họ phải chịu những nguy cơ về sức khỏe liên quan tới những hành vi tình dục sớm và sinh đẻ, dẫn tới tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ em cao, cũng như những bệnh lây truyền qua đường tình dục, bao gồm HIV. Họ có nhiều khả năng trở thành những nạn nhân của bạo hành gia đình, lạm dụng tình dục và cô lập xã hội.

Nạn tảo hôn có nguồn gốc từ truyền thống và văn hóa nên rất khó để thay đổi, thường thì các cô gái và các bậc cha mẹ cũng muốn trì hoãn chuyện hôn nhân nhưng họ thiếu những chọn lựa.

Chính quyền và các cộng đồng đang có những hoạt động tích cực để ngăn chặn tục lệ này qua việc tăng cường nhận thức về những hệ quả bất lợi cho các cô gái, tiến hành chương trình cung cấp cho các cô gái những lựa chọn hôn nhân thích hợp, và yêu cầu sự cưỡng chế có hiệu quả hơn những luật lệ đang lưu hành cấm nạn tảo hôn.

Để thành công trong cuộc chiến chống nạn tảo hôn, Liên Hợp Quốc cho rằng trước hết phải khắc phục tình trạng đói nghèo, lạc hậu, bất bình đẳng giới, bất bình đẳng xã hội, phân biệt đối xử giữa các sắc tộc, vùng miền và giai cấp, đồng thời phải làm tất cả để nâng cao dân trí cho toàn xã hội. 

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên