13/01/2013 04:11 GMT+7

Nhức nhối câu hỏi của Thủ tướng

TÒA SOẠN
TÒA SOẠN

TT - “Bây giờ mình không thiếu gạo, mình cũng viện trợ nơi này nơi khác, vậy tại sao để con cháu mình trong cảnh cháu mang mì, cháu mang ngô, cháu mang khoai đến lớp, rồi phải lợp chòi nấu ăn?” - câu hỏi nêu ra vấn đề nhức nhối này của Thủ tướng được đông đảo bạn đọc quan tâm, bình luận.

Nhiều bạn đọc cho rằng lẽ ra chúng ta phải đặt vấn đề này từ lâu lắm rồi, vì không phải bây giờ VN mới là nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo và không phải bây giờ các cháu người dân tộc thiểu số mới đói, rét. Bạn đọc có địa chỉ email hoale@... đề nghị từ câu hỏi của Thủ tướng, những người có trách nhiệm phải hành động ngay, tránh tình trạng có hỏi, có trả lời nhưng sau đó là khoảng trống và không thấy động thái gì.

Từ câu hỏi của Thủ tướng, tác giả Trần Đăng Tuấn viết bài “Xin Thủ tướng hỏi thêm” (Tuổi Trẻ 10-1) đưa ra thông tin cho biết những chính sách hỗ trợ tiền ăn cho học sinh bán trú tại các trường tiểu học và THCS công lập ở vùng khó khăn có hiệu lực cả năm rồi mà tiền hỗ trợ chưa đến được với các cháu. Thông tin này khiến nhiều người bức xúc.

Bạn đọc có địa chỉ email nguyenvanmien.bts@... đặt vấn đề: “Đồng tiền trong quá trình lưu thông sẽ phát sinh lợi nhuận chứ không nằm yên. Từ khi nhận tiền về đến khi phát cho các cháu học sinh hơn một năm, thời gian đó nó nằm ở đâu, ai quản lý, tiền lãi phát sinh ở đâu, ai hưởng số tiền đó?”. Bạn đọc nguyenvanmien.bts@... đề nghị phải làm rõ vấn đề này.

Bạn đọc có địa chỉ email nguoithokhoan2@... kể: “Tôi đã lên vùng cao Lào Cai. Trong những ngày đông lạnh giá, trong cái rét cắt da, sương mù đặc quánh, hình ảnh tội nghiệp của các cháu nhỏ cứ ám ảnh tôi. Cái rét làm cho chúng không run được nữa. Chúng lang thang bên bờ ruộng, trên người chỉ có một chiếc áo mỏng, dưới không quần, không dép. Lúc đó tôi nghĩ đến đống áo quần cũ của con cháu tôi ở nhà và thầm ước giá như có nơi để quyên góp, chuyển đến cho các cháu...”.

Thương các cháu nhỏ ở vùng cao đói ăn, thiếu mặc, nhiều bạn đọc đề nghị ngoài các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các địa phương có điều kiện kinh tế cao, ổn định nên chia sẻ với các cháu. “Theo tôi, sở LĐ-TB&XH các tỉnh vùng núi hãy thống kê đầy đủ các làng, bản thật sự nghèo khó, học sinh học trong điều kiện trường không ra trường, lớp không ra lớp, không đủ gạo ăn, không được hưởng các quyền lợi của trẻ em... để tuyên truyền, vận động các tổ chức, cơ quan đoàn thể, chính quyền địa phương các vùng có điều kiện kinh tế cao, ổn định, nhận giúp đỡ, đỡ đầu về cơ sở vật chất, tinh thần cho các bản, làng, trường học, học sinh vùng cao liên tục trong nhiều năm để họ vượt qua khó khăn” - bạn đọc Vũ Hồng Anh đề nghị.

Theo bạn đọc Hồng Anh, mô hình này tỉnh Quảng Ninh đã làm từ rất lâu nên các xã vùng cao ở Tiên Yên, Hoàng Bồ, Ba Chẽ... được cải thiện rất nhiều từ nhiều năm qua. Các cháu học sinh ở đây đã được học tập trong môi trường rất tốt và được duy trì ổn định...

Bạn đọc [email protected]ến kế: “Các huyện miền núi còn nghèo khó thiếu thốn, cán bộ tại chỗ thiếu kinh nghiệm nên cần từng ngành một của các quận nội thành quan tâm chia sẻ, dìu dắt. Ví dụ về y tế, các bác sĩ ở miền xuôi thay nhau lên miền núi công tác một thời gian để xây dựng mạng lưới y tế, hướng dẫn người tại chỗ khám chữa bệnh. Về giáo dục, cử giáo viên miền xuôi lên vùng cao dạy học. Về nông nghiệp, làm sao hướng dẫn người dân miền núi cách trồng trọt, chăm sóc mùa màng, thu gặt, cất trữ lương thực... Các cán bộ được cử đi phải có kỹ năng, đạo đức tốt và được đãi ngộ thỏa đáng. Có như vậy mới mong sớm cải thiện được cuộc sống của đồng bào vùng cao”.

* Tuần qua, trong tổng số 3.470 email phản hồi các tin, bài trên Tuổi Trẻ, bạn đọc còn quan tâm có ý kiến về các vấn đề sau: (343 ý kiến), sự kiện ông (335 ý kiến), (111 ý kiến)...

TÒA SOẠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên