Dại là bệnh truyền nhiễm có từ rất lâu. Đáng lẽ ra nó phải được khống chế và loại trừ (giống như một số bệnh truyền nhiễm khác). Nhưng không, nó vẫn là hiểm họa luôn rình rập ở nước ta.
Trên 1.000 tỉ đồng và 80 nhân mạng
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, mỗi năm trung bình nước ta có khoảng 500.000 người bị chó mèo tấn công và phải đi điều trị dự phòng bằng vắc xin dại và huyết thanh kháng dại tại các cơ sở y tế. Năm 2023, có tới hơn 677.000 người phải đi điều trị dự phòng.
Cứ lấy con số bình quân là 500.000 người/năm, mỗi người bị chó mèo cắn cần tiêm 5 liều vắc xin dại, mỗi liều vắc xin có giá 400.000 đồng.
Như vậy, mỗi người bị chó cắn mất ít nhất 2 triệu đồng để chích ngừa vắc xin dại. Đó là chưa kể chi phí tiêm huyết thanh, điều trị đa chấn thương, thậm chí phẫu thuật...
Làm phép tính đơn giản: 500.000 người nhân 2 triệu đồng, riêng chi phí tiêm ngừa đã đến 1.000 tỉ đồng.
Chó thả rông đã gây thiệt hại kinh tế rất lớn, trong khi tổn thất này có thể phòng trước được.
Giải pháp gốc rễ vẫn là người nuôi chó mèo phải chấp hành quy định pháp luật.
Còn tổn thất nặng nề hơn, đó là khoảng 80 người mất mạng mỗi năm, trong đó có nhiều trẻ em. Bệnh dại khi đã phát bệnh thì tỉ lệ tử vong là 100%.
Vắc xin dại là biện pháp duy nhất cứu người bị chó mèo dại cắn thoát khỏi cái chết. Vắc xin nhanh hơn vi rút dại thì nạn nhân sống, còn vắc xin tiêm chậm hoặc không được tiêm thì nạn nhân tử vong.
"Bất lực" tiêm phòng chó mèo
Hiểm họa bệnh dại đến từ những con chó thả rông không rọ mõm, những con chó mèo không được tiêm phòng. Hay nói đúng hơn, hiểm họa xuất phát từ những người nuôi chó mèo thiếu trách nhiệm.
Theo ông Nguyễn Văn Long - cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), tỉ lệ tiêm phòng dại trên đàn chó (khoảng 8 triệu con) ở nước ta chỉ đạt khoảng 46%. Đây là con số trên giấy tờ, thực tế còn thấp hơn nhiều vì lượng chó mèo không thống kê được là rất lớn. Trong khi để tạo được miễn dịch phòng dại trên đàn chó ở một khu vực nào đó thì tỉ lệ tiêm phòng phải đạt ít nhất 75%.
Việc tiêm phòng chó ở nhiều nơi rơi vào trạng thái "bất lực". Đến nay cả nước có 12 tỉnh, thành phố đạt tỉ lệ tiêm phòng chó mèo đảm bảo điều kiện miễn dịch cộng đồng (trên 75% tổng đàn).
Tập quán nuôi thả rông khiến việc tiêm phòng chó gặp nhiều khó khăn, nhất là khu vực miền núi. Có nhà nuôi cả đàn chó, nhưng khi cán bộ thú y đến lại không bắt được con nào để tiêm. Kim tiêm đã bơm sẵn vắc xin, nhưng cán bộ thú y đành hủy bỏ.
Theo Cục Thú y, ở nhiều địa phương, sau khi thực hiện sắp xếp, tinh giản biên chế, lực lượng cán bộ, nhân viên thú y còn lại rất mỏng.
Chi phí chi cho phòng chống bệnh dại rất thấp, thậm chí phụ cấp đi tiêm phòng kém xa số tiền chích ngừa vắc xin dại nếu không may nhân viên thú y bị chó mèo cắn, cào, liếm vào vết thương hở.
Trong số những người bị chó mèo tấn công, có không ít người làm nghề chăm sóc thú cưng ở các tiệm spa thú cưng. Có những con thú cưng được mua đi bán lại, chủ nuôi không rõ lịch sử tiêm phòng, bỏ qua lịch tiêm... cũng là mầm bệnh với chính chủ nuôi và người chăm sóc, chữa bệnh cho thú cưng.
"Thả rông" quản lý chó
Chắc nhiều người chưa quên sự vụ chó dại vào tận trường học tấn công, cắn, cào 14 học sinh và thầy cô giáo ở Trường tiểu học và THCS Dực Yên, huyện Đầm Hà, Quảng Ninh vào ngày 28-2 vừa qua.
Thầy cô giáo và các em học sinh phải đi chích ngừa vắc xin dại và huyết thanh kháng dại khẩn cấp. Tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo huyện Đầm Hà tức tốc tiêm phòng bao phủ vắc xin dại trên đàn chó mèo. Cùng với đó, thành lập các đội bắt chó thả rông, xử lý chó thả rông ở các thôn xã.
Khi đến công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), ai cũng có thể nhìn thấy những tấm biển báo rất to dựng ngay lối vào.
Tấm biển trích dẫn chi tiết về quy định mức phạt người nuôi chó nếu không đeo rọ mõm cho chó khi ngoài, không xích giữ chó, không có người dắt khi ra nơi công cộng, không tiêm phòng dại...
Nhưng phía sau tấm biển này, chó thả rông không rọ mõm vẫn chạy lông nhông khắp công viên, đe dọa sự an toàn của người đi dạo, người chạy bộ và cả các em nhỏ đang vui chơi.
Việc xử phạt, bắt và tiêu hủy chó thả rông, không rọ mõm là trách nhiệm của ban quản lý công viên hay chính quyền địa phương?
Chỉ thấy rõ là chó không rọ mõm vẫn tung tăng ở đây và chuyện ở công viên Thống Nhất chỉ là một ví dụ cho chuyện không ai làm gì với chó thả rông trên cả nước.
26 ca tử vong vì bệnh dại đầu năm 2024
Theo số liệu cập nhật của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương (Bộ Y tế) đến ngày 22-3, cả nước ghi nhận 26 ca tử vong do bệnh dại.
Cụ thể: Đắk Lắk: 4 ca; Phú Yên, Bình Thuận, Long An: cùng 3 ca; Quảng Bình, Gia Lai: cùng 2 ca. Thanh Hóa, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Thái Nguyên, Nghệ An, Bến Tre, Cà Mau, Ninh Thuận đã có ca tử vong vì bệnh này.
Nếu như trước đây bệnh dại chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc, thì trong ba năm gần đây, Tây Nguyên và Nam Bộ lại là điểm nóng. Năm 2023, tỉnh Gia Lai có nhiều người tử vong vì bệnh dại nhất với 12 ca. Và bệnh dại bây giờ cũng chẳng còn theo mùa (mùa nóng) nữa, mùa nào cũng có nguy cơ.
Bệnh dại hầu như năm nào cũng đứng đầu về số ca tử vong trong số các bệnh truyền nhiễm.
Theo số liệu của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, trong 10 năm qua (từ năm 2013 đến tháng 3-2024), đã có hơn 890 người tử vong vì bệnh dại. Trung bình mỗi năm có khoảng 80 người tử vong vì căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm số 1 này.
Lại là vấn đề "cha chung"
Khác với nhiều loại bệnh truyền nhiễm khác, phòng chống bệnh dại là sự chung tay của nhiều bên: Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế, chính quyền địa phương. Mỗi bên đều có trách nhiệm của mình. Bộ NN&PTNT (ngành thú y) chịu trách nhiệm cố vấn chuyên môn, tiêm phòng cho chó mèo, đảm bảo vắc xin dại trên động vật.
Bộ Y tế đảm bảo vắc xin trên người, tuyên truyền người dân đi chích ngừa vắc xin, điều trị dự phòng bệnh dại. Chính quyền địa phương lo việc quản lý chó, bắt chó thả rông, xử phạt hành chính, kinh phí phòng bệnh...
Rõ ràng không có sự chồng chéo trách nhiệm ở đây, chỉ là các bên chưa làm tốt vai trò của mình. Vẫn là vấn đề "cha chung". Tỉ lệ tiêm phòng chó quá thấp không thể không liên quan đến ngành thú y.
Người dân không chích ngừa vắc xin sau khi bị chó mèo cắn mà đi tìm "thầy lang" là do ngành y tế tuyên truyền chưa đầy đủ, rộng rãi. Vấn nạn chó thả rông là do chính quyền chưa nghiêm. Và sau cùng, ý thức của người nuôi chó mèo còn hạn chế là vấn đề then chốt.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ra công điện về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng chống bệnh dại.
Ngoài các bên liên quan, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an phối hợp chỉ đạo công an cơ sở chủ động nắm tình hình, kịp thời điều tra, xử lý nghiêm trường hợp chủ nuôi chó không thực hiện quy định về nuôi, quản lý chó dẫn tới gây hậu quả nghiêm trọng.
Người dân kỳ vọng với sự tham gia, vào cuộc của lực lượng an ninh, vấn nạn chó thả rông và chó không tiêm phòng, không khai báo sẽ được chấn chỉnh. Từ đó bệnh dại mới có hy vọng được khống chế và loại trừ ở nước ta.
Nhiều quốc gia đã tiêm dự phòng chủ động bệnh dại cho những người nguy cơ cao như cán bộ thú y, kiểm lâm, người chăm sóc thú cưng...
Cách đây vài năm, số ca tử vong do bệnh dại ở Malaysia cũng cao như tại Việt Nam.
Tuy nhiên, quốc gia Đông Nam Á này đã quyết liệt thực hiện việc tiêm phòng vắc xin dại trên động vật, thẳng tay tiêu hủy chó thả rông, cùng với đó là giáo dục cộng đồng về nguy cơ mắc bệnh một cách thường xuyên, liên tục. Đến nay, quốc gia này đã thanh toán được bệnh dại trên người.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận