Do vậy, bệnh nhân khi than phiền nhức đầu cần được chẩn đoán chính xác nguyên nhân để được điều trị kịp thời, tránh những biến chứng, mà đôi lúc có thể nguy hiểm tính mạng như nhức đầu do viêm não - màng não, cao huyết áp, phình mạch máu não...
Dưới đây là một số nguyên nhân nhức đầu thường gặp:
- Lứa tuổi trẻ lớn (5-6 tuổi, lứa tuổi này các bé mới có thể than phiền nhức đầu với phụ huynh) và thiếu nhi:
+ Viêm não - viêm màng não do vi trùng và siêu vi: nhức đầu thường kèm theo sốt, nôn ói, cứng cổ, li bì, nặng hơn có thể giảm hoặc mất ý thức.
+ Chấn thương đầu: do té ngã khi đi, chạy trượt chân, vấp ngã, hoặc té ngã trên bậc thang, giường... Thường kèm theo sưng tím vị trí va chạm, trường hợp nặng có thể ói, li bì.
+ Viêm mũi - xoang: nhức đầu kèm theo sốt, ho, đau họng, sổ mũi, nghẹt mũi.
+ Thức khuya, chơi game, xem tivi nhiều.
- Người trưởng thành và cao tuổi:
+ Ngoài các nguyên nhân như trên, thường gặp nhất là do sau khi hút thuốc lá, uống rượu, bia, cà phê, trà đậm, ăn tiêu ớt nhiều, mất ngủ, và nguy hiểm nhất là cao huyết áp nhưng không được chẩn đoán và điều trị.
Một nghiên cứu trước đây (đã đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 12-9-2012) cho thấy 40% người trưởng thành cao huyết áp, và phần lớn chưa được điều trị hoặc điều trị không hiệu quả (huyết áp lý tưởng là thấp hơn trị số: 120/80 mmHg).
+ Đau nửa đầu (nhức đầu migrain): nhức một bên đầu (thường ở vùng thái dương), đau từng cơn, tái phát nhiều lần do co thắt mạch máu não.
+ Táo bón: khi không đi ngoài sau 72 giờ, phân cứng, lớn, hoặc như viên bi, phải rặn lâu. Nếu những người cao huyết áp mà kèm theo táo bón, cần phải điều trị sớm hai nguyên nhân vì rất dễ bị tai biến mạch máu não (do rặn lâu dễ gây vỡ phình mạch máu não).
- Mọi lứa tuổi: u não, phình mạch máu não, dị dạng mạch máu não ít gặp, nhưng có thể gặp ở mọi lứa tuổi.
Cần chụp động mạch, chụp cắt lớp (CT) hoặc cộng hưởng từ (MRI) não để chẩn đoán chính xác và điều trị sớm. Nhức đầu thường dai dẳng, liên tục, ngày càng nặng, có thể kèm theo nôn ói, yếu, liệt tay chân...
Xử trí nhức đầu: Nhiều người có thói quen sử dụng thuốc hạ sốt, giảm đau chứa paracetamol hoặc aspirin để giảm nhức đầu.
Trong những trường hợp nhức đầu do cảm, sau khi uống rượu bia... thì thuốc nêu trên có tác dụng, nhưng nếu nhức đầu do cao huyết áp, viêm mũi xoang, u não thì thuốc này không hiệu quả mà cần phải dùng thuốc hạ huyết áp, kháng sinh, thuốc kháng histamin và phẫu thuật (trong trường hợp u não).
Ngoài ra, nếu lạm dụng thuốc paracetamol rất dễ gây hại cho gan. Nhức đầu do migrain (đau nửa đầu) nếu không thuyên giảm sau khi dùng paracetamol, phải dùng những thuốc tác dụng trên mạch máu não mới có thể giảm cơn đau.
Khi sử dụng các thuốc này, cần có chỉ định của thầy thuốc và nên theo dõi các tác dụng phụ có thể xảy ra. Nhức đầu do viêm não - màng não cần phải nhập viện để được điều trị kịp thời...
Tóm lại, khi bạn bị nhức đầu thì trước hết nên xem lại có thay đổi lối sống ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe không. Nếu có, chỉ cần điều chỉnh hành vi, sinh hoạt lành mạnh thì triệu chứng nhức đầu sẽ biến mất sau vài ngày.
Nếu nhức đầu từng cơn hoặc dai dẳng, uống thuốc giảm đau không hiệu quả, hoặc nhức đầu kèm theo sốt và các triệu chứng bất thường, cần tham vấn các bác sĩ ngay.
Nếu bạn trên 20 tuổi, nên kiểm tra huyết áp. Trường hợp huyết áp cao trên mức lý tưởng, cần đo lại trong nhiều ngày liên tiếp.
Và khi kết quả số đo vẫn trên mức bình thường, cần phải điều trị bằng thuốc hạ huyết áp để phòng các biến chứng nguy hiểm như tai biến mạch máu não, đột quỵ, suy tim, suy thận...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận