Nhựa thân mến ơi, ta viết gởi mi

MAURIZIO CORRADO 06/12/2024 09:01 GMT+7

TTCT - "Người ta đổ lỗi cho mi về tất tần tật, họ nói rằng nếu như hành tinh đang tồi tệ đi, tính cho hết mọi lẽ là do mi cả. Ta biết mi đang nghĩ gì, rằng nếu ai đó ném mi xuống biển, cần phải tới gặp chính kẻ đó để hỏi, mi có can cớ chi?"

Tupperware, công ty Mỹ 78 năm tuổi, nổi tiếng với hộp đựng thức ăn bằng nhựa, nộp đơn xin bảo hộ phá sản hôm 17-9-2024. Điều này không có nghĩa là thời kỳ đồ nhựa đã qua, trái lại vẫn còn rất nhiều lo âu về ô nhiễm môi trường do nhựa.

Nhưng tiểu luận của một kiến trúc sư Ý nổi tiếng mà Tuổi Trẻ Cuối Tuần giới thiệu dưới đây, lược sử vắn tắt của những đồ dùng từ nhựa, lại là một lời nhắc nhở nhẹ nhàng đơn giản, rằng vấn đề không nằm ở một chất liệu giờ đây bỗng bị lên án mà là cách chúng ta dùng nó thích đáng và có trách nhiệm hay không.

Nhựa thân mến ơi, ta viết gởi mi - Ảnh 1.

Ảnh: AP

Nhựa thân mến ơi, ta viết cho mi đây, như thế ta phân tâm được chút ít. Có một tin tức quan trọng kể từ khi mi xuất hiện: đó là thời kỳ hoàng kim đã qua rồi, nhưng ở đây vẫn còn điều gì đó không ổn. Có vẻ như mọi người đột ngột quên hết tất cả những ân huệ mà mi đã làm cho chúng ta và như thế, ta rất tiếc phải nói với mi rằng mi đã trở thành kẻ thù số một của công chúng. 

Người ta đổ lỗi cho mi về tất tần tật, họ nói rằng nếu như hành tinh đang tồi tệ đi, tính cho hết mọi lẽ là do mi cả. Ta biết mi đang nghĩ gì, rằng nếu ai đó ném mi xuống biển, cần phải tới gặp chính kẻ đó để hỏi, mi có can cớ chi? Việc mà mi gần như không thể phân hủy là một điều tuyệt diệu, nhưng có kẻ để kiếm chác được nhiều hơn đã dùng mi để làm những thứ mà chỉ tồn tại trong một ngày. Thật đáng ngờ nếu bảo đó là do thiếu hiểu biết.

Mi có nhớ thời kỳ đẹp đẽ, thời mà với các quý bà đàng hoàng, tiêu chuẩn cao nhất của phát triển bền vững là trưng ra chiếc áo lông tuyệt vời từ nhựa không? Họ gọi chúng là lông thú sinh thái và họ tiếp tục đề cao mi, sử dụng mi để làm túi xách và ủng, trưng bày mi với niềm kiêu hãnh của những người bảo vệ sinh thái. Gió đã đổi chiều rồi, Nhựa thân mến ơi. 

Ta nhớ mi đã đến với một sự thận trọng chừng mực vào giữa thế kỷ 19, người ta gọi mi là Xylonite, đã khêu gợi lên cái ảo tưởng của tương lai vốn là đặc trưng của mi và chỉ bùng nổ một thế kỷ sau đó, đến độ có lẽ cả Kryptonite (1) của Siêu nhân cũng phải mắc nợ mi chút gì đó. 

Điện ảnh chắc chắn phải nợ mi rất nhiều. Nếu mi không hóa thân vào Celluloide (2) có lẽ thế giới đã chẳng bao giờ biết đến Marilyn Monroe lẫn Indiana Jones. Năm 1910 người ta gọi mi là Bakelite, năm 1912 là PVC và năm sau đó là Cellophane, thứ người ta liên tục để mi quấn quanh tất cả những đồ vật mà chúng ta mua ở siêu thị.

Nhưng phải đến cuối những năm 1930 mi mới đặt ra một vấn đề cơ bản cho những ai sáng tạo, dù là một vật, một ngôi nhà hay một tác phẩm văn học: vấn đề về hình dạng. Về bản chất mi không có hình dáng. 

Như nước, mi lấy hình dạng của thứ chứa mi, vì vậy mi có thể mang tất thảy, những giới hạn duy nhất là về mặt vật lý và cấu trúc, để sử dụng người ta sẽ làm những gì mà người ta muốn sáng tạo với mi. Các kiến trúc sư và kỹ sư đã nhận thấy phải đối phó với cùng vấn đề khi việc sử dụng bê tông có và không có cốt thép trở nên phổ biến.

Vốn là một hỗn hợp của đá và cốt liệu, nó có thể mang hình dạng mà nhà thiết kế muốn đưa cho nó và mở ra một khả năng gần như vô hạn về các giải pháp. Có người đã từng thử nghiệm và những cấu trúc hữu cơ tuyệt vời đã hình thành từ đó, giống như kiến trúc sư Erich Mendelsohn đã làm cùng với những kẻ được gọi là những người theo trường phái ấn tượng (3), tất cả những tầm nhìn xa trông rộng của những tài năng đầy tràn tưởng tượng và sáng tạo đã thiết kế và thực hiện những tòa nhà có dáng cong và táo bạo mà trong số họ, kỹ sư tuyệt vời người Ý Pier Luigi Nervi (4) cũng giành một chỗ. Có người ưa thích ở lại chốn an toàn và tiếp tục làm những thứ thẳng thớm cứ như chính họ đang chỉ sử dụng mỗi một loại gạch tiên tiến nhất.

Nhựa thân mến ơi, ta viết gởi mi - Ảnh 2.

Ba kiểu dáng của Dining Armchair Rod, 1948 - hình ảnh của Intique

Chúng ta đã phải chờ tới cuối đại chiến thế giới để bắt đầu trông thấy mi bước vào các ngôi nhà và khai thủy cuộc cách mạng thực sự của mi. Mi có nhớ cái ghế DAR, Dining Armchair Rod không? 

Đó là vào năm 1948, khi những người Mỹ Charles và Ray Eams tham gia giải thưởng Thiết kế cho đồ nội thất hiện đại do MOMA tổ chức, với chiếc ghế cách tân vào thời đó: những cái chân mỏng mảnh bằng kim loại đỡ thân ghế bằng fiberglass - một vật liệu từ nhựa được gia cố bằng sợi thủy tinh được sử dụng rất nhiều trong hàng hải. 

Ngày nay, chiếc ghế đó đã trở lại đầy uy quyền trong thời trang, được làm bằng polypropylen - thứ có thể tìm thấy ở khắp nơi, từ quầy bar cho tới các văn phòng. Ý định của họ là "có được thứ tốt nhất của tốt nhất cho số lượng người lớn nhất với giá thấp nhất".

Nhựa thân mến, đây là điểm chính yếu, mi không đắt đỏ, trái lại mi rẻ tiền, khiêm nhường, linh hoạt, với mi người ta có thể làm những thứ mà với những vật liệu khác sẽ đắt hơn rất nhiều và đã có những kẻ lợi dụng điều này, trong khi mi, với lòng khiêm tốn lớn lao, mi cống hiến cho chúng ta nhằm giải quyết những vấn đề hằng ngày của chúng ta, ví dụ như ăn uống.

Mi có nhớ cái thau Margrethe không? Vào năm 1950, Jacob Jensen cùng văn phòng thiết kế của Sigvar Bernadotte và Acton Bjørn đã thiết kế ra một cái thau hoàn hảo đến độ mà người ta thực sự không thể cải tiến nó, và từ đó hàng triệu người trên khắp thế giới sử dụng nó hằng ngày. Cái thau đó đã dẫn đường cho sự ra đời của vô số những bát đĩa, ly tách, muỗng nĩa, chai lọ, tất cả những thứ chúng ta dùng thường nhật.

Cũng trong năm đó, nam tước Marcel Bich đã dùng mi để làm ra cây bút bi bán chạy nhất thế giới, cây bút Bic Cristal, một trăm tỉ cây đã được bán ra từ đó cho tới năm 2005. Thật đáng tiếc, László Bíró đã bán cho ông ta cái bằng phát minh với số tiền ít ỏi, có lẽ ông không phải là một doanh nhân giỏi ngoài việc là một nhà phát minh, nhà báo, họa sĩ, phi công và ai mà biết còn là gì khác. 

Tuy vậy bá tước cũng có một cú thiên tài khi vào năm 1973, hiểu sâu về khả năng của mi, ông đã có một lóe sáng theo đúng nghĩa đen và đã phát minh ra chiếc bật lửa khiến những người hâm mộ thương hiệu hoan hỉ, ông vẫn gọi là Bic. Dường như nó đã bán được sáu triệu chiếc trong một ngày. 

Ta có nghe ai đó cho rằng Bic là ví dụ thật sự duy nhất của phương Tây về việc xóa bỏ quyền sở hữu tư nhân, là một trong những món đồ liên tục chuyền từ tay này sang tay khác và nếu có tìm thấy trong túi cũng không biết nó từ đâu tới.

Nhựa thân mến ơi, ta viết gởi mi - Ảnh 3.

Pierre Cardin và những người mẫu trong váy chữ A và collant -1966. Ảnh: Keystone-France

Nhưng chúng ta còn nán lại ở những năm 1950 bởi vì vào năm 1953, sau khi trộn lẫn mi vào các loại vải sợi có nguồn gốc tự nhiên và mang lại đời sống cho những thứ quần áo hoàn toàn được tạo ra từ vô số đa dạng của mi, mi đã bắt đầu cuộc cách mạng thầm lặng.

Chỉ trong một thời gian ngắn mi dẫn dắt giới trẻ khắp thế giới nổi loạn, tự giải phóng và lật đổ mọi truyền thống. Allan Grant là con trai của một nhà sản xuất màn cửa ở North Carolina, năm đó anh ta thấy hạnh phúc bởi vợ anh đang mong chờ đứa con đầu lòng. Một buổi tối, cô phàn nàn rằng mặc nịt tất khi mang thai thật sự khó chịu. Allan là một người chồng chu đáo, anh ta bắt đầu suy nghĩ. Tất cho phái nữ chính là một trong những cuộc chinh phục đầu tiên của mi. Vào năm 1939 ni lông đã thay thế cho lụa. 

Nghĩ đi nghĩ lại, cuối cùng Allan tìm ra giải pháp. Tại sao không làm chúng tiếp tục quấn quanh cơ thể cho tới ngang hông? Chúng ta không biết làm thế nào Grant cha chấp nhận ý tưởng chu đáo của cậu con trai, có lẽ với sự nghi ngờ, nhưng chỉ 5 năm sau đó, năm 1959, công ty Glen Raven Mills của ông, bên cạnh những sản phẩm màn cửa chán ngắt thường lệ đã thêm vào đó thứ trang phục làm cách mạng hóa thói quen của phụ nữ ở gần khắp cả hành tinh: collant. 

Không có quần tất collant sẽ không thể tồn tại chiếc váy ngắn được Mary Quant tung ra thị trường London chỉ bốn năm sau đó. Điều gì sẽ xảy ra với cuộc cách mạng tình dục những năm 1960 nếu thiếu chiếc collant?

Một năm sau, năm 1954, kỹ sư hóa học rạng danh người Ý Giulio Netta đã hoàn thiện loại polypropylene có thể đi vào mọi ngôi nhà của chúng ta với cái tên Moplen. Thế là xong, giờ đây mi đã có ở khắp mọi nơi, ngay cả ngành thiết kế mỹ thuật cũng nhận ra và cùng năm đó là một cái xô lau nhà, mẫu KS1143 thiết kế bởi Gino Colonbrini đã giành được giải thưởng danh giá Compasso d' Oro (Cây compa vàng). 

Hãy bỏ qua tất cả những đồ vật mà sau này người ta gọi là biểu tượng thiết kế, chúng ta chỉ nói về những thứ ở chung quanh chúng ta mỗi ngày, ta mong những kẻ hạ thấp giá trị của mi hôm nay nhớ tới điều này. Và chúng ta chỉ mới nói về những năm 1950, còn có nhiều thứ khác nữa cần nhớ, hơn thế, đây chỉ mới là sự khởi đầu. 

Ta biết mi đang nghĩ gì. Thật vô ích, con người lãng quên và vô ơn. Khi họ cần thứ gì đó để sử dụng và rồi vứt đi, giấu tay và đổ lỗi cho cái tăm bông (5). Nhưng thời thế đã đổi thay, Nhựa thân mến ơi, đã đến lúc phải mường tượng một nền kiến trúc và ngành thiết kế của tương lai.

Liên Hương

(dịch từ nguyên gốc tiếng Ý)

Chú thích:

(1) Một khoáng chất của vũ trụ DC tưởng tượng ở các truyện tranh siêu nhân, hay được sử dụng trong ẩn dụ để chỉ điểm yếu của một ai đó.

(2) Celluloid, viết tắt là Cel, gồm cellulose nitrat và long não, là những tấm nhựa mỏng, bóng, trong suốt, dùng trong hoạt hình vẽ tay truyền thống.

(3) Ý nói tới công trình kiến trúc của kiến trúc sư Mendelsohn: tháp Einstein ở Potsdam, Đức.

(4) Người đề ra dự án Tòa nhà Nước và Ánh sáng ở Roma, không thành hiện thực.

(5) Chỉ sự điếc.

Maurizio Corrado, kiến trúc sư, sinh năm 1958, sống ở Bologna, giáo sư tại Đại học Naba ở Milano và các học viện mỹ thuật ở Bologna và Verona, được coi là một trong những chuyên gia hàng đầu của Ý về mối quan hệ giữa thực vật và kiến trúc. Ông tham gia các dự án sinh thái từ những năm 1990, xuất bản hơn 20 cuốn sách về thiết kế và kiến trúc sinh thái. Cuốn sách mới nhất của ông là Kiến trúc của tương lai - Xây dựng bằng cây cối, liễu, sậy, tre, rơm, đất (NXB DeriveApprodi, Roma, 2020).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận