Như thế này mới... sành điệu!?

TTCT - Mấy năm qua, học sinh trường tôi hình thành cái mà nhiều thầy cô gọi là “văn hóa áo khoác”. Chính xác là do trong trường có rất nhiều học sinh luôn trùm áo khoác bên ngoài đồng phục (dù là áo dài của nữ sinh hay sơmi trắng của nam sinh) bất kể mùa mưa hay mùa nắng.

Thời của "giao diện" đẹp

LTS: Góp phần gây ra cơn sốt "giao diện" đẹp của bạn trẻ, ngoài ý thức cá nhân còn có sự thiếu sót trong định hướng thẩm mỹ của giáo dục, vai trò của gia đình và truyền thông, như các độc giả, tư vấn viên phân tích trong các số trước. Chúng tôi khép lại loạt bài này bằng ghi nhận của một giáo viên và ý kiến của các sinh viên đang nghiên cứu tâm lý, xã hội học.

|| || || || || ||

Trời nóng chỉ thoáng nhìn đã thấy khó chịu vì áo có màu sắc chói chang (đỏ, vàng, xanh két...). Đã vậy suốt năm tiết học, kể cả khi học thể dục, các em vẫn “cố thủ” trong bộ áo giáp đó mặc cho mồ hôi tuôn ướt áo dù đã mở quạt hết công suất.

Màu tím hoa sim hay màu nâu sôcôla?

“Không hiểu biết đủ về thời trang, về cuộc sống, các em tự biến mình thành những con rối biết đi ngay trong sân trường”.

Giờ chào cờ đầu tuần, nếu là khách mới đến trường lần đầu, bạn có thể ngỡ mình đang ở... Đà Lạt vì sân trường ngập tràn áo khoác. Có dạo thời trang nơi tôi dạy thịnh hành màu tím, thế là cả trường như một đồi hoa sim. Rồi khi thị hiếu thay đổi là màu nâu thì trường tôi cứ như đơn vị đối tác của công ty sản xuất sôcôla vậy.

Qua tìm hiểu, thầy cô biết các em học đòi cho giống một số diễn viên, ca sĩ trong và ngoài nước, không biết rằng đó chỉ là trang phục biểu diễn trên sân khấu của họ mà thôi. Có những em đòi mua bằng được chiếc áo khoác như các tạp chí thời trang giới thiệu dù biết giá tiền chiếc áo ngang bằng giá tiền công cắt lúa thuê của mẹ suốt cả tuần. Chỉ có điều em không biết là một thân hình còm nhom, da lại đen nhẻm như em không thể nào hợp với chiếc áo đó. Chưa hết, bên dưới những chiếc áo khoác sặc sỡ đó là những đôi dép lê, mà phải là dép màu trắng mới đúng điệu!

Khi tôi cùng đồng nghiệp góp ý, có em nói với tôi: “Thầy không biết cách ăn mặc. Đi xăngđan mà đẹp gì. Mang dép như tụi em mới đẹp. Và phải có một chiếc áo khoác nữa mới là sành điệu!”.

Xăm và khuyên tai

Gần đây, trong học sinh lại có xu hướng làm đẹp bằng cách xăm những hình vẽ, những ký hiệu khó hiểu lên người. Cháu trai tôi là học sinh THPT làm cha mẹ bất ngờ khi phát hiện trên cổ tay cháu có một hình xăm kỳ lạ. Gặng hỏi mãi, cháu mới tiết lộ cả nhóm bạn đều chọn mẫu giống như thành viên một ban nhạc nổi tiếng hiện nay.

Chi phí để có được hình xăm ấy chỉ trăm ngàn nhưng gia đình đưa cháu đi xóa vết xăm mất tiền triệu mà vẫn chưa làm mờ được. Cháu bảo ân hận quá vì từ khi có hình xăm mọi người nhìn cháu không được thân thiện như trước đây. Tự hào đâu không thấy, chỉ thấy mặc cảm là xấu trong mắt thầy cô và bạn bè.

Học sinh nữ xăm ở nơi kín đáo hơn rất khó bị phát hiện như bả vai, ngực, lưng, cổ chân... Nhưng vấn đề là không mấy em xăm rồi mà dám khoe với mọi người. Và khi nhận thức được hình xăm chỉ làm mình “nổi” theo một chiều hướng tiêu cực, một vài em do hoảng sợ và không biết cách khắc phục hoặc không có tiền để xóa vết xăm, để thực hiện cam kết với nhà trường cố gắng trở về nguyên trạng đã dùng lưỡi lam cắt nát vết xăm, thậm chí tự gây vết phỏng bằng hóa chất và dầu mỡ đang sôi... Hậu quả là các em phải chịu một vết sẹo còn tệ hơn.

Chuyện xăm mình vừa giải quyết xong lại xuất hiện mốt khuyên tai. Thấy một số nam diễn viên, ca sĩ đeo khuyên tai, lập tức nam sinh trường tôi tập tành theo ngay. Tiền trả cho một lần bấm lỗ tai để đeo khuyên chỉ mười ngàn lại không đau, không chảy máu nên không có gì trở ngại. Một số phụ huynh lại lấy đó làm điều hãnh diện vì con mình có phong cách “khác người”. Có nữ sinh đeo bốn khuyên tai một lượt như đi diễn trên sân khấu, móng tay đắp đủ kiểu cho dù tuổi chưa vượt quá thiếu niên là bao.

Chỉ riêng chuyện yêu cầu nữ sinh phải mặc áo lót khi đến trường mà hội đồng sư phạm năm nào cũng phải bàn. Nhìn các em chưa phát triển đúng mức mà sử dụng nội y màu sắc chói chang, đủ kiểu mới thấy thương các em vô cùng. Không hiểu biết đủ về thời trang, về cuộc sống, các em tự biến mình thành những con rối biết đi ngay trong sân trường.

Đã có lúc tôi nghe nam sinh trường tôi cá cược nội y của cô bạn đang bước đến có màu gì, in hình con thú nào và cả những câu chữ nổi bật trên đó. Tiếng cười xen lẫn tiếng la lối bực bội của các ứng viên thua cuộc nghe sao thật buồn.

Rõ ràng người lớn phải làm gương và là gương tốt cho học sinh noi theo. Gia đình cần quan tâm uốn nắn khi thấy con em chệch hướng. Bên cạnh học chữ, các em cần học để biết làm đẹp phù hợp với lứa tuổi nữa.

__________

1. Tiến sĩ tâm lý học Emily Fox-Kales, trong quyển sách Hollywood và văn hóa biếng ăn (*), bàn về sức ảnh hưởng của phim ảnh đến nhận thức về cái đẹp của giới trẻ Mỹ. Những bộ phim được bà đề cập cũng không xa lạ gì với màn ảnh Việt.

Phóng to

Anne Hathaway trong vai cô trợ lý Andy kém cỏi về thời trang đã phải “cải cách ăn mặc” để bước được vào thế giới xa hoa tráng lệ - Ảnh: psychologicalscience.org

Shrek là bộ phim hoạt hình cuốn hút hàng triệu trẻ em với thông điệp chân thật, trong sáng về tình yêu. Nhưng đồng thời vóc dáng của nàng chằn tinh Fiona trong phim Shrek cũng phản ánh: mập đồng nghĩa với sự xấu xí.

Một bộ phim khác của Mỹ, Chàng Hal tội nghiệp, kể về anh chàng Hal (Jack Black) yêu cô nàng Rosy (Gwyneth Paltrow) đẹp rực rỡ, tưởng như nàng là mười phân vẹn mười, để rồi nhận ra chàng bị thôi miên và Rosy thực chất là một cô gái béo phì.

Cuối cùng thì Shrek vẫn chọn Fiona làm vợ, Hal vẫn cưới Rosy, nhưng cả hai bộ phim đều ngầm nói rằng khi bạn có vẻ ngoài xinh đẹp thì những tố chất tốt đẹp bên trong bạn mới được chú ý tới. Nếu ngay từ đầu Hal nhìn thấy nàng Rosy béo phì thì chàng đã không chết mê chết mệt sự tốt bụng, dịu dàng của nàng rồi.

Một bộ phim khác do Anne Hathaway thủ vai chính - Yêu nữ thích hàng hiệu, kể về cô nàng Andy được nhận vào làm thư ký cho tổng biên tập một tạp chí thời trang nổi tiếng, bà Miranda (Meryl Streep). Cách ăn mặc luộm thuộm của nàng là trò cười cho những người chung sở làm và bà chủ bút Miranda thì không nhớ nổi cả tên nàng. Đến khi Andy bắt đầu cải cách ăn mặc, khoác hàng hiệu đầy mình thì vị trí của nàng trong mắt bà chủ bút mới được thiết lập dần, và nàng dần được đón nhận vào thế giới thời trang xa hoa tráng lệ.

Tiến sĩ Fox-Kales cho rằng bộ phim này ngầm ám chỉ sức mạnh của thời trang, đặc biệt là hàng hiệu, trong công cuộc người Mỹ gọi là "make-over" biến vịt bầu thành thiên nga. Một minh chứng khác cho hiện tượng này là bộ phim Nàng hầu Manhattan, khi cô hầu Marisa (Jennifer Lopez) khoác lên người những bộ cánh đắt tiền thì cô trở nên lộng lẫy và lọt vào mắt của chàng hoàng tử đời mình. Nói cách khác, những bộ phim này truyền tải thông điệp mà giới trẻ Việt hay kháo tai nhau: "Không có phụ nữ xấu, chỉ có phụ nữ không biết làm đẹp".

Phóng to
Cuộc đời nàng chằn tinh Fiona trong phim Shrek làm người ta ngầm hiểu: chỉ khi bạn có vẻ ngoài xinh đẹp thì những tố chất tốt đẹp bên trong mới được chú ý! - Ảnh: dreamworks.wikia.com

2. Tuy nhiên, sức ảnh hưởng của Hollywood không dừng lại ở đó. Truyền hình và điện ảnh Mỹ liên tục nhấn mạnh sự cần thiết để có được vẻ đẹp hoàn hảo bằng mọi giá. Đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất là những cô bé trong độ tuổi thiếu niên. Qua những bộ phim đặc tả đời sống các trường trung học như Những cô nàng lắm chiêu hay Không đầu mối, Hollywood miêu tả mối bận tâm lớn nhất của nữ sinh trung học là sắc đẹp và cân nặng.

Trong Những cô nàng lắm chiêu, Cady (Lindsay Lohan) gia nhập nhóm The Plastics của những cô gái xinh đẹp điệu đà nhất trường. Trưởng nhóm The Plastics Regina (Rachel McAdams) là một cô gái đẹp nhưng luôn lo âu về cân nặng của mình, và mỗi lần ăn bất cứ thứ gì cô nàng cũng cẩn thận xem xét hàm lượng calori có trong đó. Tương tự, Không đầu mối do Alicia Silverstone thủ vai chính cũng miêu tả một nữ sinh trung học xinh đẹp, thành công với những mối bận tâm lớn về thời trang và... kiếm bạn trai.

Cái đẹp không tì vết đã trở thành nỗi ám ảnh lớn đối với thanh niên Mỹ, mà một trong những nhân tố góp sức cho luồng tư tưởng này chính là những bộ phim của Hollywood.

Phóng to
Alicia Silverstone (giữa) trong Không đầu mối là một nữ sinh trung học xinh đẹp với những mối bận tâm lớn về thời trang - Ảnh: hollywoodfashionvault.com

3. Không phải tự nhiên mà nước Mỹ lại đối diện với những chỉ số đáng báo động về tình trạng biếng ăn và số tiền bỏ ra cho thời trang, trang điểm và phẫu thuật thẩm mỹ.

Câu hỏi đặt ra là: Giới trẻ Việt vốn không xa lạ với những bộ phim Hollywood, những đợt du nhập các "làn sóng Hàn", các ảnh hưởng Nhật, có nhận thức được để tránh bao cơn bão đổ bộ từ những thước phim rất nhẹ nhàng này?

VĨ ANH (CSUCB, Mỹ)

__________

(*): Body Shots: Hollywood and the Culture of Eating Disorders, by Emily Fox-Kales, Albany, NY, State University of New York Press, 2011.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận