21/12/2024 12:20 GMT+7

Như sinh ra lần hai nhờ bộ đội

Bão Yagi vừa qua đã khiến miền Bắc hứng chịu thiên tai chưa từng có. Người hùng của đồng bào trong cơn thiên nhiên thịnh nộ ấy chính là những người lính thời bình đã xông pha gian khó, hiểm nguy vì sinh mạng người dân.

Lính thời bình - Những cống hiến lặng thầm: Như sinh ra lần hai nhờ bộ đội - Ảnh 1.

Bộ đội biên phòng tỉnh Lào Cai cứu giúp hàng chục hộ dân trong trận mưa lũ, sạt lở lịch sử tháng 9-2024 - Ảnh: Bộ chỉ huy BĐBP Lào Cai cung cấp

Chưa bao giờ người Tây Bắc thấy núi rừng nổi giận đến thế! Bão Yagi quét qua, mưa xối xả, núi sạt, suối lũ. Nhiều bản không còn chỗ trú thân an toàn và bao người đã được cứu sống nhờ các chú bộ đội hết lòng vì dân.

Vợ chồng chị La Thị Đào dọn về ở tạm với mẹ chồng tại bản Sín Chải, xã Y Tý (huyện Bát Xát, Lào Cai). Nhà bà Ly Chuy Gơ, mẹ chồng chị Đào, là nhà trình tường (tường bằng đất nện) của người Hà Nhì, phía sau là ta luy. Cứ mưa là mẹ con bà Gơ phải chạy sang nhà hàng xóm ngủ nhờ.

Trong cơn bão hiểm nguy

Nhắc ngày thoát chết trong gang tấc của chị Đào, bà Gơ lại sụt sùi khóc, phần vì thương con, phần vì sợ. Bà kể sáng hôm ấy (9-9-2024) ta luy sau nhà nhão ra thành cháo ụp xuống. 

Bà chạy sang nhà hàng xóm lánh nạn, khóc gọi điện cho con ngày ấy không sang ở chung nhưng chẳng được, chỉ nghe báo khu ruộng có nhà con dâu và cháu ở bị lũ cuốn mất rồi. Hơn tuần sau, nghe tin con được các chú bộ đội cứu sống, bà lại khóc vì mừng.

Khu ruộng có nhà chị Đào cách Trạm kiểm soát biên phòng Y Tý vài trăm mét. Ngày lối mở biên giới chưa đóng, vợ chồng Đào và Phà Giờ Xá dựng nhà tạm làm sửa xe, bán hàng cho bà con. 

Dịch COVID-19, lối mở biên giới đóng, Xá đi Tuyên Quang làm thuê cho trại nuôi cá tầm. Chị Đào và con gái 3 tuổi ở lại căn nhà tạm này.

Mấy hôm trước đêm núi lở kinh hoàng ấy, bộ đội ở trạm biên phòng đến khuyên chị phải về nhà mẹ chồng ở, khi nào hết mưa mới quay lại.

Chị Đào là người Tày, quê xã Hợp Thành (TP Lào Cai) về đây làm dâu. Phần vì không biết tiếng Hà Nhì, khó giao tiếp mẹ chồng, phần vì lo đống thóc mới gặt để ở nhà tạm, chị không chịu đi, cứ ở căn nhà ấy.

Thiếu tá Nguyên Đạt Phong - trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng Y Tý - đi một vòng quanh, gặp nhà nào có người ở cũng khuyên đi chỗ khác. Chị Đào không đi, anh dặn kỹ không được ngủ, nhớ sạc điện thoại, có vấn đề gì gọi ngay bộ đội.

Lính thời bình - Những cống hiến lặng thầm: Như sinh ra lần hai nhờ bộ đội - Ảnh 2.

Mẹ con chị Đào được bộ đội biên phòng cứu sống, đưa về trạm - Ảnh: Trạm biên phòng Y Tý cung cấp

Tiếng kêu cứu trong đêm lũ

Sau hai ngày mưa như thủng trời, đêm ấy núi lở khắp nơi. Cứ sau tiếng núi đồi nổ như bom là tiếng ầm ầm của đá lăn, cây gãy, tiếng nước lũ gầm thét. Trạm kiểm soát không ngủ, thức trắng đêm nghe gió rít, đá lăn.

Hơn 3h sáng, thiếu tá Phong chụp lấy chiếc điện thoại. Đầu bên kia chỉ nghe tiếng ầm ầm của lũ, tiếng người phụ nữ hốt hoảng yếu ớt: "Nhà em bị lũ rồi... cột đổ rồi...". 

Xen lẫn trong tiếng lũ, tiếng kêu cứu là tiếng trẻ con khóc xé lòng. Thiếu tá Phong hét lên trong điện thoại: "Chạy ngay đi! Sang cái lều bên kia đường!...".

Căn nhà khung gỗ quây tôn đã bẹp xuống, bùn đất ở đâu dềnh lên đầy nhà. Chị Đào ôm đứa con chui qua một cái lỗ dưới vách tôn đổ, chạy sang cái lều bên đường. Mẹ con run rẩy ôm nhau chờ bộ đội tới cứu.

Hai người lính biên phòng vơ lấy đèn pin, vội vã khoác áo mưa, lao ngay đi trong đêm tối. Con đường bê tông ngày nào giờ là dòng sông bùn, bước hụt chân là thụt tới bụng. 

Gần đến căn nhà tạm của chị Đào thì không đi được nữa, hai anh bộ đội dò dẫm đi men theo con suối lũ, xuyên qua mấy mảnh nương bỏ hoang. Lúc đến được chỗ hai mẹ con đang run rẩy thì trời đã tảng sáng.

Bốn người vừa đi một đoạn lại nghe nổ ầm một tiếng, quay lại thì thấy căn nhà chị Đào đã bị dòng nước nuốt chửng.

Hai mẹ con về tới trạm biên phòng, run bắn chẳng nói được câu nào. "Biết là được sống rồi, chẳng nhớ gì nữa!", chị Đào kể vô cùng biết ơn các chú bộ đội đã cứu sống mạng hai mẹ con.

Từ lúc về đến trạm biên phòng thì mất điện, mất sóng liên lạc. Trạm bị cô lập gần một tuần, anh Phong chỉ báo cáo lên chỉ huy đồn biên phòng bằng điện tín quân đội: "Anh em ở trạm an toàn, đã đưa hai người dân bị sập nhà về trạm".

Thiếu tá Phong nghĩ lại lúc hai người đi cứu dân cũng liều. Đêm tối không quan sát được, không biết đất đá sạt xuống lúc nào. "Nhưng không đi thì họ biết dựa vào ai? Lúc trước mình đã dặn rồi, phải gọi cho mình. Lúc dân gọi cầu cứu thì mình phải tìm mọi cách đến cứu", anh Phong tâm sự.

Bình yên sống gần bộ đội

Chồng chị Đào nghe tin nhà mẹ đẻ bị sạt, vợ con ở lán chẳng có tin tức gì, lòng như lửa đốt. Xá ở lại không được, về cũng không xong vì đường tắc, mất liên lạc. Tuần sau anh mới nhận được tin báo mẹ đẻ an toàn, vợ con được biên phòng cứu, đang ở nhờ trong trạm.

Mấy ngày sau mưa là những ngày lại nắng cháy da cháy thịt. Bộ đội cắt rừng về bản, vận động bà con xuống giúp chị Đào dọn nhà. Vài chục người dân mang ủng, vác cuốc xẻng đến xúc bùn moi lên những gì còn dùng được.

Họ lôi lên được cái xe máy, tài sản lớn nhất của chị Đào. May thay cái vách tôn đè xuống trở thành lá chắn khiến đồ đạc không bị cuốn trôi hoàn toàn. 

Chị Đào cứu được hơn 30 bao thóc, chục bao ngô, toàn bộ vụ mùa trong năm. Chị phơi ngay sân đồn biên phòng, dồn lại được hơn 20 bao, số khác ướt quá nảy mầm thì mang về cho mẹ chồng chăn gà.

Người dân đến giúp, chị trả công bằng... bugi xe máy, phụ tùng xe (những thứ chồng chị làm nghề trước đây), ai thích cái nào chị cho cái ấy. Hai mẹ con được các chú lính biên phòng nuôi tròn 10 ngày. Lũ rút, núi hết lở, chị ôm con về ở với mẹ chồng trên bản, đồ đạc vẫn gửi trạm biên phòng.

Những ngày sau lũ, thỉnh thoảng chị lại vui mừng nhận điện thoại của bộ đội thông báo đi nhận đồ cứu trợ. Khi thì gạo nước, đồ ăn, khi thì chai mắm, lúc lại có cả tiền, chị gom góp lại đủ cả nhà ăn đến vụ mới.

Chị chỉ hy vọng sắp tới mở lại quán hàng, sửa xe. Ở đó vợ chồng chị yên tâm vì gần các chú bộ đội rất thương dân và luôn sẵn sàng vì dân.

Lính thời bình - Những cống hiến lặng thầm: Như sinh ra lần hai nhờ bộ đội - Ảnh 3.

Bộ đội tìm thi thể đồng bào tại Làng Nủ sau trận sạt lở khủng khiếp - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Ngày tìm cứu đồng bào, đêm canh đồng đội ngủ

Thiếu úy Giàng A Lan (Trường trung cấp 24 Biên phòng), cùng đồng đội cứu hộ ở Làng Nủ, trải lòng đến giờ anh vẫn mơ những ngày lội bùn tìm đồng bào ở Làng Nủ.

Lan từng bị lún bùn sâu nửa người, đồng đội kéo mãi mới lên được. Đồng đội anh người giẫm phải đinh, người bị mảnh tôn cứa tóe máu rất nhiều. Họ phải nén đau thương, vượt gian khó để tìm thi thể đồng bào.

Nguy hiểm nhất là đêm không an toàn, đất đá sau đồi nơi bộ đội ngủ bị vết trượt, có thể đổ ụp. Họ phải thay nhau gác, cứ nghe tiếng động như cây gãy, đất đá trượt là vùng dậy chạy ra ngoài.

Anh lính lao xuống lũ cứu dân

Binh nhất Lý Văn Vũ (Đồn biên phòng Ngọc Côn, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Cao Bằng) lao xuống dòng lũ cứu được em Hoàng Ngọc Hân (14 tuổi) đang bị nước cuốn.

Đêm 2-8-2024, miền Bắc đang hứng chịu đợt mưa lũ lớn. Vũ cùng tổ công tác đi tuần tra thì nghe tiếng kêu cứu. Lúc đó nước sông Quây Sơn (Trùng Khánh, Cao Bằng) lên cao, Hân đang đi cùng chị gái thì bị lũ cuốn. Vũ lao ngay xuống dòng nước nguy hiểm, bơi dìu được Hân vào bờ rồi đưa về nhà an toàn.

Trong đợt mưa lũ sau cơn bão số 3, hàng chục tấm gương trong lực lượng vũ trang không ngại hiểm nguy cứu giúp người dân trong bão lũ.

Như cán bộ Đồn biên phòng A Mú Sung (Lào Cai) cắt rừng đưa dân về trạm tránh lũ an toàn. Cán bộ Đồn biên phòng Si Ma Cai (Lào Cai) đi bộ hơn 20 cây số, vượt qua hàng chục điểm sạt lở nguy hiểm đến đơn vị tham gia cứu hộ...

Lính thời bình - Những cống hiến lặng thầm: Như sinh ra lần hai nhờ bộ đội - Ảnh 4.Tổng Bí thư: Quân đội nhân dân Việt Nam là quân đội anh hùng của dân tộc anh hùng

Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài diễn văn quan trọng tại lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, tổ chức tại Hà Nội sáng 20-12.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên