Câu chuyện tìm lại gia đình trong số 166 này đan xen nỗi đau mất mát lẫn ấm áp tình người.
Nhân vật Như chưa hề có cuộc chia ly từng tự tử
Câu chuyện buồn của cuộc đời ông Cao Quốc Tựu mở ra qua những lời kể của chính ông và người trong cuộc.
48 năm trước, trong cuộc chạy loạn chiến tranh, ông Tựu cùng mẹ và các chị em lên chuyến xe nhét đầy người. Ông lúc đó mới chỉ 7, 8 tuổi, nhỏ con nên được đẩy lên phía đầu xe.
Mẹ và chị thì ở phía cuối. Đến một điểm dừng, nhìn lại trên xe không thấy người thân, ông bỗng dưng trở thành cậu bé lẻ loi trên cõi đời.
Trailer chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly tập 166
Hành trình dài 48 năm của ông Tựu đầy nước mắt. Ông từng tự tử nhưng được cứu sống.
"Lúc đó tôi khoảng 20 tuổi, chưa có vợ. Tôi buồn thân phận không cha mẹ, đi chơi bị bạn bè nói này nói kia, nói đồ trôi sông lạc chợ. Tôi thấy con đường tương lai mình bí quá", ông Tựu lần đầu tiết lộ về việc chọn cái chết với giọng buồn buồn.
Sau này, khi lấy vợ rồi có hai con, ông dần tìm ra mục đích sống của đời mình.
Mục đích ấy đơn giản chỉ là ráng làm để có tiền cho con được ăn học đàng hoàng, để các con không bị mang tiếng không cha không mẹ như ông.
Ông đi xây dựng công trình, nhiều tháng mới về nhà. Vợ ở nhà trồng thanh long.
Cậu con trai đầu của ông đi làm trên Sài Gòn một thời gian rồi về nhà phụ mẹ, có ý định đi tu. Con gái thứ hai thì vừa tốt nghiệp Cao đẳng Công nghiệp thực phẩm.
Khi chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly báo tin, ông mừng gọi điện ngay cho các con. "Ba vui lắm, kể đã tìm kiếm được bà nội cho con. Mà lâu lắm ba mới gặp, không biết người ta có nhận ra ba không nữa", con gái ông thật thà kể trong chương trình.
Phía sau chuyện buồn là giá trị tình thương
Nhìn lại hành trình 48 năm thất lạc gia đình của ông Tựu, bên cạnh nỗi buồn, còn có lấp lánh giá trị của tình yêu thương. Có lẽ chính điều này đã giúp ông vượt qua các biến cố.
Đó là tình thương người phụ nữ mặc đồ đen ngồi bên cạnh ông trên chuyến xe 48 năm về trước. Bà đã dành mấy ngày để dẫn đứa trẻ mới 7, 8 tuổi đi đến mấy báo đài đăng tìm gia đình nhưng không có kết quả.
Đó là các chú bộ đội người Bắc đã bao bọc ông một thời gian. Các chú cũng chở ông lên đài lên báo để tìm người thân, nhưng tìm hoài cũng không thấy.
Ông Tựu nhớ lại: "Lúc ở đài người thân đến tìm trẻ thất lạc cũng rần rần lắm. Người này người kia lại kiếm nhưng chẳng ai tìm tôi". Rồi ông được đưa vào cô nhi viện Đồng Nai, được đi học.
Trong cuộc đời của ông Tựu, hình ảnh người mẹ nuôi Cao Thị Ảnh khiến người xem trân quý.
Ở cô nhi viện được ba năm, ông Tựu được một người phụ nữ sống ở huyện Châu Thành, tỉnh Long An đến xin làm con nuôi. Khi về nhà mới, ông Tựu lại bị chồng bà ta đánh tàn nhẫn. Những trận đòn roi thừa sống thiếu chết khiến ông khiếp sợ, bỏ trốn vào ủy ban xã.
Lúc bấy giờ, bà Cao Thị Ảnh làm phó bí thư chi bộ xã. Người phụ nữ ấy nay đã 82 tuổi, dáng người gầy yếu, nhưng giọng vẫn sang sảng kể lại ngày Tựu về với mảnh đất Long An này:
"Hồi đó nó (ông Tựu) được một bà ở đây xin về làm con nuôi. Trước khi xin bà đó ra ngoài ủy ban xã xin tôi chữ ký cho giấy tờ, tôi nói nếu mà nuôi được thì xin, còn nuôi không được đem con người ta về bỏ tội nghiệp lắm. Khi xin nó về được một tháng, không biết sao quánh nó đuổi nó đi".
Còn ông Tựu, bằng linh cảm của một đứa trẻ côi cút đã nhận ra ai mới thật sự yêu thương mình. Ông dứt khoát không về lại nhà bà xin nuôi, mà cứ bám riết lấy bà Ảnh. Tối ngủ với bà. Sáng theo bà ra xã. Riết rồi bà nuôi ông luôn.
Cuộc trùng phùng của ông Tựu cũng có chút tiếc nuối khi mẹ ruột của ông đã mất. Suốt cuộc đời còn lại cho đến lúc nhắm mắt vào năm 2007, bà từng nói với các con của mình rằng từ ngày lạc mất ông Tựu bà chưa có ngày nào sung sướng.
Mẹ mất rồi nhưng bù lại, ông Tựu kết nối lại bên nội thật sự của mình. Người cha mà ông Tựu từng sống chung là cha dượng. Cha ruột ông đã tử trận năm 1966.
Vẫn như bao cuộc đoàn tụ trong Như chưa hề có cuộc chia ly trước đây, ông Tựu gặp lại chị ruột của mình trong nước mắt. Tập 166 này có tên gọi là Nước mắt thì mặn, nhưng xem xong chương trình cảm nhận rằng có khi nó còn mặn hơn cả muối cũng nên.
Cuộc đời đáng quý của mẹ nuôi Cao Thị Ảnh
Trong tập 166, cuộc đời mẹ nuôi Cao Thị Ảnh của ông Tựu cũng đầy thăng trầm và đáng quý. Bà đám hỏi với chồng tháng 4. Tháng 6 chồng bà đi làm cách mạng. Đi tới 10 năm bị địch phục kích bắn chết năm 1970. Lúc đó bà mới 25 tuổi và chưa có con.
Gia đình bà và chồng có truyền thống cách mạng. Vậy mà hai người con trai nuôi của bà một người là lai Mỹ (ông Dũng) bà nhận nuôi từ người phụ nữ cho con giữa chợ. Người con thứ hai là ông Tựu - con của một người lính Việt Nam cộng hòa.
Bà dành hết tình thương cho hai người con đặc biệt này, khiến cho sau này nhiều người thuê ông Dũng làm thủ tục cùng đi theo chế độ con lai, nhưng cứ đến phút cuối ông Dũng lại không chịu rời xa mẹ.
Ông Dũng thương mẹ riết đến nỗi khuôn mặt ông giống y mẹ. Họ không máu mủ mà cái tánh cái nết cũng y chang nhau, chẳng khác gì.
Như chưa hề có cuộc chia ly ngoài nhà hảo tâm lớn như Hà Anh Tuấn, còn có nhiều người dân đã góp những ổ bánh mì làm nên điều kỳ diệu.
Cụ thể như cuộc đoàn tụ cho ông Tựu và gia đình, và 120 đến 150 cuộc tìm ra mỗi năm.
Trong tập 166 này, các học phổ cao (học sinh, sinh viên, cao đẳng FPT) với sáng kiến bán quần áo và quyên góp được 7 triệu đồng, và ủng hộ số tiền này cho Như chưa hề có cuộc chia ly.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận