Một điều lạ, người được tìm ra là ông Phạm Hữu An, tuy biết gia đình ở đâu nhưng không tìm về. Điều gì khiến ông có những hành động mà bà Mỹ Não bảo "hư" như vậy?
Như chưa hề có cuộc chia ly: Em biết mình sai rồi
Ông Hữu An bị chị la "hư" vì chỉ sau một năm dẫn vợ và con gái tìm về lại với cha và chị sau 20 năm thất lạc, ông lại dẫn vợ con bí mật rời bỏ gia đình. Hành động này đã khiến cha ông quá đau buồn, lâm bệnh nặng rồi mất.
Trailer Như chưa hề có cuộc chia ly tập 180, chủ đề Đời người mấy lần 20 năm
Còn bà Mỹ Não không phút giây nào thôi thương nhớ em. Trong suốt 32 năm qua bà luôn cố gắng tìm kiếm em.
Nhà báo Thu Uyên hỏi bà Mỹ Não có hờn giận em mình không? Bà trả lời: "Nếu nói không giận thì không phải. Nhưng tình thương nhiều hơn sự giận".
Bà lý giải: "Nó đã lớn lên với mình từ nhỏ. Lần thất lạc đầu tiên do tôi mà nó đi. Lần thứ hai cũng tại tôi không giải thích rõ hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên nó hiểu lầm".
Còn ông Hữu An trong chương trình rơi nước mắt nói với chị: "Em biết mình có lỗi rồi. Cha mất 6 tháng sau em mới biết. Em sợ người đời nói, em mặc cảm đủ điều nên không dám về".
Bà Mỹ Não ôm em thì thầm: "Cha má tha thứ cho em hết. Trước lúc ra đi cha má có dặn là ráng tìm cho được em và nếu có điều kiện như thế nào cố gắng dìu dắt em.
Em là đứa nhỏ bất hạnh, không có gì đáng để buồn hết á. Bằng tất cả tình thương, chế tìm em suốt mấy mươi năm. Cả cuộc đời chế tìm em muốn hết cuộc đời chế rồi. An ơi!".
Người chị luôn cao cả
Bà Phạm Thị Mỹ Não hiện kinh doanh trong ngành quảng cáo. Bà lập nhóm thiện nguyện Chung sức Cà Mau. Đến nay, nhóm đã xây trên 300 chiếc cầu từ tiền nhà hảo tâm trong và ngoài nước đóng góp.
Việc xây cầu giúp được nhiều bà con đi lại thuận tiện. Nhưng mục đích thứ hai còn là vì bà muốn đi nhiều nơi, hỏi nhiều chỗ tìm em.
Câu chuyện tìm em của bà Mỹ Não khiến người xem thấy ấm áp. "Người chị vẫn luôn cao cả nhất", "Mình rất thích phong cách của cô Mỹ Não", ý kiến viết lại về chương trình.
Lần giở câu chuyện của bà Mỹ Não, lát cắt về một gia đình người Hoa sinh sống lập nghiệp lâu năm tại vùng đất U Minh được kể lại.
Ông nội bà là cụ Phạm Hữu Thường, người Hoa đời thứ 5 sang Việt Nam sống tại Vĩnh Long làm nghề nho y. Người con đầu của cụ theo Việt Minh bị Pháp giết chết. Người con thứ hai Phạm Hữu Tình xin đi theo Việt Minh.
Cụ Thường dẫn người con trai út là Phạm Hữu Nghĩa xuống ghe, treo bảng Tình Nghĩa Đường và rong ghe xuôi xuống rừng U Minh hành nghề chữa bệnh, bán tạp hóa. Cụ dặn các con tìm nhau thì cứ tìm đến Tình Nghĩa Đường.
Ông Nghĩa nối nghiệp cha làm thầy đông y, sống trên ghe Tình Nghĩa Đường.
Sống rày đây mai đó trên sông nước, ông Nghĩa và vợ đã mất hai con. Đến năm 1962 họ có thêm con trai Phạm Hữu An.
Vào lúc An 5 tuổi, xảy ra sự kiện kinh hoàng cho mấy đứa trẻ ngay ở bờ kênh, khiến cho bà Mỹ Não sáng hôm sau dặn An rằng tan học đừng về nhà, ra bến xe ở tạm. Ba về bà nói ba ra đón.
Thế nhưng ngày ba đi chữa bệnh cho người về đi tìm An hàng tháng trời mà không tìm được.
20 năm sau, ông An tìm về Tình Nghĩa Đường, cùng vợ và con gái 5 tuổi. Ông Nghĩa đã ngã ngất đi khi nhận ra con. Cha mua vuông đất làm nhà cho gia đình ông An ở. Chị Não hốt hụi và hướng dẫn vợ chồng em mình làm kem đá bào sinh sống.
Không hiểu sao, chỉ một năm sau, ông An bí mật đưa vợ và con gái đi mất, bất ngờ như lúc trở về.
Bà Mỹ Não xem ông An là đứa em nhỏ bất hạnh, bởi 60 năm cuộc đời ông chỉ có hai, ba năm được sống với gia đình.
Ông An trút nỗi lòng: "Lúc đó khổ, em cần tình thương của gia đình. Hồi đó em hiểu lầm chị, hiểu lầm cha. Chứ em biết cha nghèo như vậy em không đi đâu. Em ở trong nhà để cha, chế lo cho em bữa ăn là được rồi".
Người đàn ông 60 tuổi bỏ nhà đi biền biệt 32 năm nay trở về khóc trong vòng tay chị. "Hôm nay khóc được là mừng rồi. Bây giờ chỉ cần mở lòng ra thôi nhé", nhà báo Thu Uyên nhắn nhủ ông An.
Tháng 8-2024
12 cuộc tìm ra.
699 đầu thông tin mới được xử lý.
122 hồ sơ tìm kiếm mới được thiết lập.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận