19/11/2016 08:06 GMT+7

Nhu cầu du học Nhật Bản tăng vọt

TTO - Nếu năm 2011, số lượng du học sinh Việt Nam đến Nhật Bản chỉ là 4.033 người thì năm 2015 đã tăng lên 38.882, tức tăng gần 10 lần trong 4 năm.

Ông Osamu Nakayama (chủ tịch ĐH Reitaku) cung cấp thông tin về du học tại Nhật cho các trường và học sinh Việt Nam - Ảnh: Q.ĐỊNH
Ông Osamu Nakayama (chủ tịch ĐH Reitaku) cung cấp thông tin về du học tại Nhật cho các trường và học sinh Việt Nam - Ảnh: Q.ĐỊNH

Nhiều chuyên gia, nhà giáo dục của Việt Nam, Nhật Bản tại hội thảo Hợp tác giáo dục Việt Nam - Nhật Bản do báo Tuổi Trẻ phối hợp với báo Mainichi (Nhật Bản) tổ chức chiều 18-11 tại trung tâm hội nghị GEM (TP.HCM) cho biết sức hút của Nhật Bản đối với du học sinh châu Á, trong đó có Việt Nam, là rất lớn.

Đi du học Nhật Bản từ phổ thông

Ông Takebe Tsutomu, cố vấn đặc biệt cho Liên minh nghị sĩ Nhật - Việt, trưởng ban tổ chức Lễ hội Nhật Bản - Việt Nam, cho biết ông từng là một học sinh lớn lên ở vùng quê nhỏ thuộc Nhật Bản, nhờ sự chăm sóc và được ba mẹ cho học hành đã có cơ hội để vươn lên, thực hiện những ước mơ của mình.

Ông khuyên các bạn trẻ Việt Nam nên nuôi hoài bão lớn và coi học tập là một con đường quan trọng để đi đến thành công.

Đồng tình với ý kiến đó, ông Nguyễn Xuân Thành, phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), khẳng định hội nhập quốc tế là xu hướng tất yếu, trong đó có việc học sinh các nước đến Việt Nam và Việt Nam đến nước khác.

Trong xu thế đó, Việt Nam tìm đến du học tại Nhật Bản không chỉ bắt đầu từ bậc ĐH mà có cả những học sinh từ phổ thông.

Hiện nay Việt Nam có hơn 25.000 học sinh chọn học tiếng Nhật ở phổ thông. Môn tiếng Nhật là một trong năm ngoại ngữ được học sinh chọn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Một số trường mầm non Việt Nam đã hợp tác với Nhật Bản ngay từ giáo dục mầm non.

“Muốn du học được thì phải hiểu biết về hệ thống giáo dục Nhật Bản để việc học tập và định hướng tương lai được đi đúng hướng. Bộ GD-ĐT hoan nghênh sáng kiến của hai báo về việc tổ chức hội thảo như thế này để cung cấp thông tin, tạo nhiều cơ hội để học sinh Việt Nam tiếp cận trực tiếp với các trường ĐH, trung học của Nhật Bản”, ông Thành nói.

Có mặt tại hội thảo, bạn Huỳnh Kim Ngân, học sinh lớp 11 Trường THPT Marie Curie (TP.HCM), cho biết đã có sáu năm học tiếng Nhật và đang mong muốn sẽ đi du học Nhật Bản sau khi tốt nghiệp THPT.

“Tôi nhận thấy văn hóa Nhật Bản rất đặc biệt nên đã theo học tiếng Nhật nhiều năm nay và hôm nay (18-11) đến đây để tìm hiểu thêm về các trường ĐH tại Nhật Bản rồi chọn ngành mà mình yêu thích” - Kim Ngân chia sẻ.

Vì sao Nhật hấp dẫn du học sinh Việt Nam?

Đưa số liệu về sự tăng vọt của du học sinh Việt Nam vào Nhật Bản, ông Osamu Nakayama, chủ tịch Trường ĐH Reitaku, cho biết các trường ĐH và xã hội Nhật Bản đón nhận nguồn nhân lực từ Việt Nam với tín hiệu tích cực.

Thậm chí, nhiều trường ĐH tại Nhật Bản đào tạo người nước ngoài để họ có thể cạnh tranh tốt khi ở lại đất nước hoa anh đào.

Theo khảo sát tại 100 công ty vừa và nhỏ của Trường ĐH Reitaku, Việt Nam là một trong những nơi đến có triển vọng cho việc đầu tư vì lao động Việt Nam có những ưu thế như kinh phí thấp, chất lượng cao, tỉ lệ biết chữ cao, chăm chỉ, chịu khó, khéo tay và có nền giáo dục nhân tài mang tính toàn cầu.

Vì thế, chính các trường ĐH Nhật Bản cũng đang dang tay đón nhận du học sinh Việt Nam vì sự ham học hỏi của chính họ.

Tại hội thảo, trả lời câu hỏi của phụ huynh về lý do vì sao du học Nhật Bản đang ngày càng có sức hút đối với người Việt, bà Nguyễn Thị Thanh Minh, phó cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài (Bộ GD-ĐT), cho biết có ba lý do chính làm nên sức hấp dẫn du học Nhật Bản: văn hóa Nhật Bản có nhiều điểm đặc biệt nhưng tương đối phù hợp với văn hóa Việt Nam; thời gian gần đây có nhiều trường ĐH, CĐ của Nhật Bản cung cấp cho học sinh, sinh viên Việt Nam nhiều học bổng với đa dạng các hình thức và Chính phủ Nhật Bản có nhiều chính sách để thu hút du học sinh Việt Nam.

Bên cạnh đó, bà Minh cũng lưu ý việc lựa chọn trung tâm tư vấn du học vì trong 4.000 trung tâm du học trên cả nước vẫn có nhiều trung tâm không có giấy phép, thậm chí có cả những trung tâm hoạt động theo kiểu “đa cấp”, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa.

Để tránh bị lừa, ngoài việc yêu cầu những giấy tờ cần thiết khi đến tư vấn, phụ huynh học sinh cũng nên xác thực thông tin về điều kiện học hành, tên trường bằng cách kiểm tra thông qua trang web thông tin của trường và liên hệ những đơn vị quản lý giáo dục để biết thêm.

5 yếu tố được công ty Nhật chú trọng

Ông Osamu Nakayama đã dẫn 5 yếu tố coi trọng của các công ty Nhật Bản dựa theo điều tra của Ủy ban Phát triển kinh tế (Nhật Bản) trên 255 công ty, gồm: nhiệt huyết, động lực (70,3%), khả năng hành động, thực hiện (50,5%), tính tập thể (54,2%), tính thành thật (34,7%), khả năng phát hiện và giải quyết công việc (27,5%).

Mỹ DUNG, [email protected]
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên