Sáng 20-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về bảo đảm cung ứng điện trong mùa cao điểm nắng nóng sắp tới cũng như cả năm 2024.
Chủ động ứng phó trong cung ứng điện
Phát biểu mở đầu, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá sản xuất, kinh doanh đang trên đà phục hồi, do đó kéo theo là nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao, chưa kể đang chuẩn bị bước vào cao điểm nắng nóng. Vì vậy, tình hình dự báo khó khăn hơn.
Tuy nhiên, với sự chuẩn bị tốt hơn ngay từ cuối năm 2023, cùng các chỉ đạo thường xuyên, Thủ tướng yêu cầu phải luôn chủ động về nguồn, lưới điện. Mục tiêu là bảo đảm bất kỳ tình huống nào cũng phải đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.
Để đạt được mục tiêu này, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh chỉ đạo thôi là chưa đủ, mà phải tăng cường rà soát, kiểm tra, đôn đốc, không để tình trạng "nước đến chân mới nhảy".
Nhắc lại bài học thiếu điện cục bộ mùa khô năm ngoái, Thủ tướng cho rằng thực tế chúng ta có chuẩn bị nhưng không đôn đốc, đi sâu đi sát kiểm tra.
Dẫn tới lúc cần điện thì nhiều nhà máy lại bảo dưỡng; khâu điều hành không tốt, lúc thời tiết đang thuận lợi thì lại sử dụng gần hết nguồn nước cho thủy điện; thực chất thì tổng nguồn không thiếu, nhưng thiếu điện do khâu điều hành, việc tính toán không khoa học, quan liêu...
Vì vậy, năm nay phải tập trung công tác điều hành; cùng với đó củng cố năng lực truyền tải điện, không được để thiếu điện vì lý do chủ quan trong điều hành.
Theo đó, Thủ tướng đề nghị các bên liên quan phải rút kinh nghiệm bài học năm ngoái để bảo đảm cung ứng đủ điện, không để người dân và doanh nghiệp phải lo lắng về điện.
Các đơn vị phải rà soát lại số liệu cẩn thận, có các phương án ứng phó, nhất là chuẩn bị cả phương án chủ động trong tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Nguyên tắc cao nhất là phải phát huy tinh thần trách nhiệm, không được để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho hay trong quý 1-2024, sản lượng điện lũy kế đạt 69,34 tỉ kW giờ, tăng 11,77% so với cùng kỳ năm 2023; sản lượng điện bình quân ngày đạt 762 triệu kW giờ, tăng 10,4% so cùng kỳ năm 2023.
Diễn biến thủy văn 3 tháng đầu năm không thuận lợi, nên để tiết kiệm nước tối đa, nhiệt điện than đã được huy động cao. Tăng cường truyền tải điện từ miền Nam, miền Trung ra miền Bắc, giúp hệ thống điện đáp ứng nhu cầu trong 3 tháng đầu năm.
Điều chỉnh phương án cung ứng điện
Để đảm bảo cung ứng điện, Bộ Công Thương đã có hoạch riêng trong các tháng cao điểm mùa khô, giám sát chặt chẽ việc cung cấp nhiên liệu (than, khí). Thực hiện việc đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án truyền tải điện, đặc biệt là đường dây 500kV Quảng Trạch - Phố Nối...
Về phương án cung ứng điện, Bộ Công Thương cho hay so với kế hoạch cũ, kế hoạch cung cấp điện được điều chỉnh với mức tăng trưởng phụ tải điện. Cụ thể, mức tăng trưởng điện cho cả năm là 10,4%, phương án điều hành dự phòng trong các tháng cao điểm mùa khô là 11,4%.
Hai chỉ số này đều được điều chỉnh tăng hơn cao hơn 1,25% so với kế hoạch được duyệt. Việc này là nhờ tích trữ nước tại các hồ thủy điện, quy đổi ra sản lượng điện là khoảng 11,3 tỉ kW giờ. Các đơn vị chuẩn bị nhiên liệu, đảm bảo cung ứng than, khí cho điện.
Với miền Trung và miền Nam, bộ cho hay do nguồn khí trong nước suy giảm mạnh, để đảm bảo cung cấp điện an toàn và ổn định hệ thống điện miền Nam, đã thực hiện chạy bổ sung khí LNG từ ngày 15-4, đồng thời các nhà máy nhiệt điện sẵn sàng cho khả năng chạy dầu.
Tuy vậy, miền Bắc tiềm ẩn rủi ro thiếu hụt công suất đỉnh, đặc biệt trong các tháng nắng nóng cao điểm (tháng 5 đến tháng 8). Trong trường hợp các yếu tố bất lợi xếp chồng như lưu lượng nước về kém, sự cố các nhà máy điện kéo dài và sẽ cần thực hiện điều chỉnh phụ tải cũng như huy động thêm nguồn máy phát diesel.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận