Các loại quần áo, khăn choàng, giày dép giá rẻ được các cửa hàng bung ra để phục vụ khách.
Người dân chọn mua áo khoác chống lạnh trên đường Nguyễn Trãi, Q.5, TP.HCM (ảnh chụp chiều 17-1) - Ảnh: Hữu Khoa |
Cùng với các sản phẩm thời trang mùa lạnh, nhiều cửa hàng thời trang cũng tranh thủ cơ hội này để “tổng xả hàng”, giảm giá bán hàng tồn trong mùa Giáng sinh và Tết dương lịch vừa qua để thu hồi vốn.
Đổ xô “săn” hàng giữ ấm
Sáng thứ bảy, ngày thứ tư liên tiếp nhiệt độ Sài Gòn xuống thấp, anh Đoàn Văn Chung (đường Nhất Chi Mai, Q.Tân Bình) tranh thủ chở hai con nhỏ đi ngắm phố và mua quần áo mùa lạnh. Mới hơn 9g sáng, nhưng nhạc tại một cửa hàng thời trang cuối đường Cộng Hòa đã mở tưng bừng, bên trong quần áo xếp chồng lên nhau với mức giá chưa đến 100.000 đồng/chiếc đủ hấp dẫn người đi đường.
“Mọi bữa tui đi làm qua, giấc sáng không thấy mở cửa, mấy hôm nay thấy chỗ này mở sớm, quần áo lạnh cũng đem ra trưng quá trời” - anh Chung ngạc nhiên nói.
Lựa được hai chiếc áo khoác mỏng cho con, một áo sơmi và quần jean để đi làm với mức giá gần 600.000 đồng, anh Chung nói: “Công nhân như mình tối ngày đi làm, có đi đâu mà lựa đồ đẹp, mua mấy đồ này coi như mặc tết luôn”.
Dọc hai bên đường Cộng Hòa (Q.Tân Bình), cứ đi chừng vài trăm mét lại thấy xuất hiện những quầy bán hàng tự phát. Khách mua hàng quây quanh tấm bạt đổ đống các loại áo khoác, áo gió để lựa chọn.
Tại đây chủ yếu bày bán các loại áo khoác cũ đã qua sử dụng với tấm biển 30.000 đồng/chiếc. Không cần biển hiệu, cũng không cầu kỳ trang trí, quần áo đổ đống đủ loại rất nhiều giá, chỉ từ vài chục ngàn tới dưới 200.000 đồng, các địa điểm bán hàng trên đường Cộng Hòa, Trường Chinh (Q.Tân Bình), Huỳnh Tấn Phát (Q.7) hay các khu chợ đêm thu hút rất đông công nhân, học sinh tấp nập đi mua sắm từ chiều cho đến tối khuya.
Dạo một vòng quanh các tuyến đường thời trang lớn như Hai Bà Trưng (Q.3), Nguyễn Trãi (Q.1), Cách Mạng Tháng Tám (Q.3), Quang Trung (Gò Vấp) có thể thấy thời trang mùa lạnh đang rất hút hàng. Áo len, khăn choàng, áo khoác, quần... được ưu tiên bày biện trước mặt tiền để gây ấn tượng cho khách hàng.
Anh Quốc Huy, chủ sạp chuyên kinh doanh đồ jean tại chợ Tân Bình, cho biết vài ngày nay khách gọi điện đặt hàng tăng đột biến. Trong đó, các loại áo khoác jean được khách vét sạch.
Theo anh Huy, thị trường áo khoác jean có lượng khách ổn định, rất khó tăng đột biến vì khá kén khách. Thông thường khách lựa chọn các loại áo jean mỏng, nhẹ, cách điệu, tuy nhiên thời điểm này loại hàng to, nặng cũng được khách lấy hết.
“Có bao nhiêu hàng liên quan đến đồ lạnh đều đem ra trưng bán hết. Mấy hôm nay khách hàng “săn lùng” nhưng cửa hàng không đủ hàng bán. Tuy nhu cầu khách tăng mạnh nhưng chúng tôi cũng không dám nhập ồ ạt về vì nếu hết lạnh thì trở tay không kịp” - chị Minh Thi, quản lý cửa hàng thời trang trên đường Nguyễn Trãi (Q.5), cho hay.
Tại đây, các loại khăn quàng mỏng chất liệu len, voan đủ màu sắc giá từ 120.000-150.000 đồng được khách chọn mua rất nhiều. Lượng hàng khá phong phú được lấy từ nhiều nguồn như Đà Lạt hoặc nhập từ Trung Quốc. Một số sản phẩm gắn mác Hàn Quốc có giá khá cao, trên 250.000-300.000 đồng/chiếc.
Tranh thủ “ăn theo”
Không khí mua sắm tại khu chợ đêm làng đại học Thủ Đức (Q.Thủ Đức) cũng nhộn nhịp gấp nhiều lần ngày thường. Khu giữ xe tại đây luôn đông kín khách, mặc dù treo biển chỉ giữ xe đến 10g đêm nhưng phải đến 11g điểm giữ xe này mới vãn khách. Khu chợ đêm chuyên phục vụ sinh viên nay tất bật đón lượng lớn khách hàng công nhân lao động từ khu công nghiệp gần đó đổ về.
Chọn mua một chiếc vali lớn giá 270.000 đồng, hai bạn trẻ Linh và Hồng đảo quanh khu chợ tìm mua thêm một loạt quần áo, mỹ phẩm. Tại đây, quần áo thời trang chiếm lĩnh không gian với mức giá chỉ từ 15.000 đồng/chiếc, quần jean, kaki cũng dao động từ 120.000-150.000 đồng. Được ưu ái lựa chọn nhiều nhất là các loại áo thun được chào bán mức 100.000 đồng/3 chiếc.
“Lãnh lương và thưởng Tết dương lịch, tụi mình tranh thủ mua sắm đồ về quê ăn tết. Tết này phải “hoành tráng” vì năm tới về quê làm ngay khu công nghiệp gần nhà chứ không vào lại thành phố nữa” - chị Linh (quê Bắc Giang, công nhân Khu công nghiệp Bình Chiểu, Thủ Đức) nói.
Nhờ sức bật của thời trang mùa lạnh, rất nhiều cửa hàng đã tranh thủ bung hết hàng tồn ra bán với giá rẻ trước khi bước vào mùa cao điểm bán hàng tết. Chị Đinh Thị Trang, chủ cửa hàng thời trang Roses đường Quang Trung (Q.Gò Vấp), cho hay khách kéo đến mua hàng mùa lạnh là chủ yếu, nhưng nhiều mặt hàng thời trang khác nhờ thế cũng “ăn theo” bán được khi có khách.
Tại chợ đêm Hạnh Thông Tây (Q.Gò Vấp), chủ sạp Thủy cho hay thường khách đi chợ này chủ yếu để ngắm, xem vui chơi là chính nhưng khi bán quần áo mùa lạnh, đồ lạ, đẹp nên rất hút khách vào mua. Khi khách mua món hàng này sẽ tranh thủ xem món hàng khác.
“Sinh viên thì tranh thủ sắm tết, công nhân mới có tiền thưởng nên mua sắm cũng thoáng tay hơn chút đỉnh” - chủ sạp này cho hay.
Theo anh Trần Văn Thụy - chủ một địa điểm xả hàng trên đường Trường Chinh (Q.Tân Bình), lúc đầu địa điểm này chủ yếu bán hàng thời trang giá rẻ phục vụ công nhân, người có thu nhập trung bình, thấp. Nhưng thời tiết bất ngờ trở lạnh, cửa hàng cũng nhập thêm đồ về bán, sức mua có nhỉnh hơn trước khi khách đến xem đông hơn.
Cũng theo anh, hàng thường được lấy chủ yếu từ các vựa wax (xử lý hàng), các hàng lỗi, hàng hư hỏng sẽ được dồn vào kho. “Mình mua theo từng lô, đống hoặc mua cả kho, về bán đổ đống, lời ăn lỗ chịu” - anh Thụy cho biết.
Tuy nhiên chị Thanh Tâm, chủ cửa hàng thời trang tại chợ Phạm Văn Hai, cho biết thị trường nhìn chung vẫn đang ế ẩm, chỉ còn hơn một tháng nữa là tới tết nhưng sức mua kém xa những năm trước. Sức mua thời trang mùa lạnh có “nóng” lên, nhưng các cửa hàng cũng không dám ôm hàng nhiều vì rủi ro cao, nhanh qua mùa, lỗi mốt sẽ trở nên khó bán.
Chờ lương thưởng của công nhân
Đại diện Công ty Blue Exchange cho biết kỳ vọng thị trường sẽ tăng vào thời điểm mua sắm tết khi người lao động được chi trả lương thưởng cuối năm. Theo vị này, với kế hoạch tung ra thị trường tết khoảng 150.000 sản phẩm (hiện đã sản xuất được 70%), doanh nghiệp sẽ điều chỉnh phương án bán hàng tùy theo dấu hiệu của thị trường, với hi vọng sức mua sẽ khá hơn trong thời gian tới. Trong trường hợp xấu nhất, sức mua không tăng, doanh nghiệp chấp nhận giảm giá, bán cắt lỗ để thu hồi vốn. Ông Nguyễn Hữu Phụng, chủ tịch HĐQT Công ty thời trang Việt, thừa nhận sức mua mùa tết năm nay giảm rõ rệt so với cùng thời điểm năm ngoái, với mức giảm từ 10-15%, nhưng nếu doanh nghiệp nào có sản phẩm độc đáo, điểm nhấn cá tính trên từng sản phẩm thì hàng vẫn tiêu thụ tốt. Theo tìm hiểu của chúng tôi, so với hàng thời trang của Trung Quốc vẫn đang “làm mưa làm gió” ở khu vực vùng ven hoặc ở các shop thời trang đồng giá dưới 100.000 đồng/áo thun và dưới 200.000 đồng/quần jean, hầu hết sản phẩm thời trang nội địa được người tiêu dùng tin cậy hơn nhờ kèm theo thông tin khá chi tiết về sản phẩm. Không chỉ có mác hướng dẫn cách sử dụng và thông tin liên quan đến sản phẩm, không ít nhà sản xuất còn giới thiệu nơi sản xuất, sản phẩm do ai thiết kế, được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ra sao... chẳng khác gì các thương hiệu thời trang quốc tế đang áp dụng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận