Phóng to |
Các diễn viên dùng tre để múa, nhào lộn trong vở xiếc Làng tôi - Ảnh: Nguyễn Duy Chân |
Những ai có hứng thú với tạp kỹ và yêu thích lối dẫn đầy hoạt náo của Trấn Thành thì live show Trấn Thành 2014 - Chuyện giỡn như thiệt là một chọn lựa hợp ý.
Trấn Thành chia sẻ: “Sau tám năm dấn thân vào làng nghệ thuật, đây là thời điểm chín muồi để tôi thực hiện live show đầu tiên trong sự nghiệp của mình. Sô chính xác là một chương trình ca vũ nhạc kịch, nơi tôi mang hết những gì mình làm được lên sân khấu: kịch câm, kịch nói, nhạc kịch, vũ kịch, cải lương và thời trang không bình thường...”.
Xiếc Làng tôi ra mắt khán giả Sài Gòn Khán giả TP.HCM sẽ lần đầu được thưởng thức vở xiếc Làng tôi của nghệ sĩ xiếc/đạo diễn Việt kiều Đức Tuấn Lê. Ra mắt khán giả từ năm 2005, vở xiếc Làng tôi đã diễn khoảng 400 suất tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở châu Âu và Bắc Mỹ. Cuối năm 2012, vở xiếc này đã được giới thiệu tại Hà Nội và sẽ lần đầu ra mắt khán giả TP.HCM vào 20g ngày 12-1 tại nhà hát Hòa Bình. |
Ngoài nhân vật chính là Trấn Thành, Chuyện giỡn như thiệt còn có sự góp mặt rất hùng hậu của dàn nghệ sĩ khách mời và những vũ công mà Trấn Thành vô cùng yêu quý từ hai mùa Thử thách cùng bước nhảy. Sô sẽ diễn ra vào 20g ngày 3-1 tại sân khấu Trống Đồng và ngày 12-1 tại nhà hát Quân Đội.
Khán giả nhạc trẻ cũng sẽ “no nê” với live show Dấu ấn - Thanh Thảo và live show Đan Trường 2014 - Vẫn mãi một nụ cười. Nữ ca sĩ Thanh Thảo sẽ là người “mở hàng” cho chuỗi chương trình Dấu ấn của năm 2014 với đêm diễn lúc 20g ngày 4-1 tại nhà thi đấu Nguyễn Du, truyền hình trực tiếp trên VTV9, VTV Huế, VTV Phú Yên, Đài PT-TH Lâm Đồng... Chia sẻ về chương trình, Thanh Thảo cho biết: “Đây sẽ là đêm nhạc tái hiện những cột mốc đáng nhớ trong sự nghiệp ca hát của Thảo. Vậy nên chắc chắn không thể thiếu những bản “hit” đã khá quen thuộc với khán giả trong gần hai thập niên qua như: Ôi tình yêu, Chàng và nàng, Ok chia tay, Búp bê con trai...”.
Trong khi đó, live show Đan Trường 2014 - Vẫn mãi một nụ cười sẽ diễn ra lúc 20g ngày 11-1 tại “nhà hát” Cầu Vồng 126. Ông Hoàng Tuấn - quản lý của ca sĩ Đan Trường - cho biết sở dĩ gọi sân khấu Cầu Vồng 126 thành “nhà hát Cầu Vồng 126” vì ông sẽ tháo dỡ toàn bộ phần mái của sân khấu này, cải tạo thành một nhà hát 126. Mặt tiền sân khấu này cũng được tân trang lại toàn bộ bằng những hộp đèn hơn 300 bóng.
Về chủ đề chương trình, ca sĩ Đan Trường chia sẻ: “Dù có khó khăn ra sao, sóng gió thế nào, Trường vẫn sẽ luôn nỗ lực hết sức để mang đến cho khán giả những chương trình, sản phẩm âm nhạc tươm tất với nụ cười trên môi”. Ca sĩ Đan Trường cho biết thêm sẽ dành một phần doanh thu trong live show lần này để cùng vợ tặng những túi quà tết cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Đêm nhạc Tình lỡ dành cho những khán giả mến mộ nhạc sĩ Thanh Bình sẽ diễn ra tối 3-1 tại phòng trà WE (3 Lê Quý Đôn, Q.3). Không chỉ có cơ hội được nghe lại các tác phẩm của nhạc sĩ Thanh Bình: Những nẻo đường Việt Nam, Lá thư về làng, Tiếc một người, Một kỷ niệm, Chiều vàng trên sông, Mai chị về em gửi gì không... qua phần thể hiện của ca sĩ Ánh Tuyết, Đức Tuấn, Thụy Long, Vân Khánh..., khán giả đêm nhạc còn có dịp nghe vị nhạc sĩ cao niên này chia sẻ những nỗi niềm của cuộc đời long đong, lận đận suốt bao năm qua. Doanh thu từ đêm nhạc sẽ được gửi vào sổ tiết kiệm của nhạc sĩ để giúp ông “dưỡng già”.
Cuộc du hành Champa - sô lạ trong năm mới
Phóng to |
Diễn viên Chăm (trái) thể hiện vũ điệu tụng ca Pô Hanim Par - một vị tướng tài ba của Champa - trên phần hòa nhạc của các nhạc công và nhạc cụ truyền thống Chăm - Ảnh: Lực Hồ |
Cuộc du hành Champa sẽ công diễn suất đầu tiên vào 19g ngày 2-1 tại sân khấu Thế Giới Trẻ, Trường Sân khấu - điện ảnh TP.HCM (125 Cống Quỳnh, Q.1), sau đó trình diễn định kỳ vào tối thứ tư hằng tuần cũng tại địa điểm trên (dự kiến trong hai năm).
Chương trình do Công ty Ba Chữ S giới thiệu, được dẫn dắt bởi hai MC: một chàng trai người Kinh đến thăm làng Chăm và một cô gái Chăm nhiệt tình giới thiệu cho vị khách phương xa về văn hóa dân tộc mình. Câu chuyện gói gọn trong dịp người Chăm tổ chức lễ mừng năm mới, hay còn gọi là lễ Rija Nưgar vào cuối tháng 3 đầu tháng 4 hằng năm. Qua đó, người xem sẽ được biết và hiểu thêm về các tục lệ, cuộc sống hằng ngày cũng như tín ngưỡng của người Chăm qua các điệu múa, tụng ca, điệu nhạc...
Anh Hồ Hữu Lực - nhà sản xuất chương trình - thổ lộ: “Để có 45 phút trình diễn theo hình thức sân khấu hóa lễ hội, 20 diễn viên người Chăm đã tập luyện rất nghiêm túc suốt sáu tháng qua. Toàn bộ đạo cụ sân khấu đều được nghệ nhân ở các làng Chăm thiết kế và tạo hình. Bản thân tôi cũng dành thời gian học tiếng Chăm để có thể làm việc với các diễn viên và nghệ nhân dễ dàng hơn. Êkip thực hiện đã đến những làng Chăm nổi tiếng như Mỹ Nghiệp, Hữu Đức, Tuấn Tú... (Phan Rang) để trải nghiệm cuộc sống và thụ hưởng văn hóa Chăm trước khi bắt tay thực hiện chương trình”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận