13/11/2017 12:07 GMT+7

Nhóm sinh viên dạy học sinh xài tiền

PHƯƠNG NGUYỄN
PHƯƠNG NGUYỄN

TTO - Đi dạy kèm thấy nhiều cha mẹ cho con tiền nhưng không quan tâm con xài tiền như thế nào, nhóm bạn trẻ nảy ra ý tưởng dạy học sinh xài tiền.

Nhóm sinh viên dạy học sinh xài tiền - Ảnh 1.

Sinh viên Thanh Trúc, Thúy Oanh, Tường Vy (từ trái sang) cùng trao đổi về ý tưởng - Ảnh P.NGUYỄN

Việc dạy học sinh quý trọng đồng tiền vẫn chưa được chú trọng dù rất quan trọng. Xây dựng nền tảng tốt từ nhỏ, mai sau các em mới vươn cao vươn xa được

Trần Nguyễn Thanh Trúc

Đi chợ nấu một món ngon cho cha mẹ, tính toán chi tiêu trong gia đình, nuôi heo đất, làm đồ thủ công, thu mua sách truyện cũ... là những hoạt động giáo dục tài chính cho học sinh tiểu học được nhóm sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM thực hiện.

Ý tưởng này vào chung khảo cuộc thi "Tri thức trẻ vì giáo dục 2017" do Trung ương Đoàn, Bộ GD-ĐT, báo Tuổi Trẻ và Tập đoàn Thiên Long tổ chức.

Tạo nền tảng tốt cho học sinh vươn xa

Nhóm sinh viên ấy gồm ba bạn nữ ở độ tuổi 9X: Trần Nguyễn Thanh Trúc, Nguyễn Thúy Oanh và Nguyễn Ngọc Tường Vy.

"Tôi đi dạy kèm thấy nhiều phụ huynh cho con xài tiền một cách vô tội vạ. Cha mẹ cho tiền nhưng lại không quan tâm con sẽ xài tiền như thế nào. Từ đó, tôi nảy ra ý tưởng giúp học sinh hiểu được giá trị của đồng tiền, quý trọng công sức lao động của cha mẹ và biết sử dụng tiền hợp lý. 

Việc dạy các em quý trọng đồng tiền vẫn chưa được chú trọng dù rất quan trọng. Xây dựng nền tảng tốt từ nhỏ, mai sau các em mới vươn cao vươn xa được" - bạn Trần Nguyễn Thanh Trúc chia sẻ.

Thường tham gia hoạt động Đoàn, khi biết cuộc thi "Tri thức trẻ vì giáo dục" Trúc nghĩ đây là cơ hội để phát triển, đưa ý tưởng của mình cùng hai bạn vào thực tế. Cả ba bạn cùng học ngành giáo dục tiểu học. 

Năm cuối, số lượng bài vở nhiều cùng công việc làm thêm bận rộn, ba cô gái tranh thủ gặp nhau trao đổi đề tài, tìm kiếm, tham khảo và chia sẻ tài liệu; cùng liệt kê các mối quan hệ của tiền trong gia đình, xã hội và chắt lọc ra những ý phù hợp với học sinh tiểu học.

"Chúng tôi dựa vào sách giáo khoa hiện hành để biết được các em đang ở trình độ nào. Giáo dục tài chính có thể liên quan, áp dụng và kết hợp với môn học nào để có sự tích hợp giữa các môn học" - Thúy Oanh nói thêm.

Tự làm mới mình

Trong thiết kế chương trình, nhóm đưa ra các nội dung, hoạt động khác nhau đối với mỗi khối lớp nhưng đều hướng đến việc dạy các em từ cách sử dụng tiền hợp lý đến sự yêu thương, sẻ chia với cha mẹ cùng mọi người xung quanh.

Ví dụ: học sinh lớp 3 có hoạt động "Tạo ra điều bất ngờ đối với người em yêu quý nhất"; lớp 4 có hoạt động "Món ngon mỗi ngày", giáo viên sẽ cung cấp bảng mẫu thức ăn dinh dưỡng và tổ chức cho học sinh đi siêu thị mua thức ăn trong một ngày cho gia đình với mức tiền 100.000 đồng.

"Chúng tôi muốn thực nghiệm và chỉnh sửa lại nữa. Có thể ý tưởng của mình "điên rồ" nhưng khi nghĩ ra một công trình, sáng kiến đó là bước tiến của bản thân. Sau này chúng tôi sẽ đi dạy, vì vậy phải luôn cố gắng, sáng tạo, tự làm mới, tự học hỏi để có thể theo kịp sự phát triển học sinh" - Trúc tâm sự.

Theo đánh giá của nhóm, giáo dục tài chính cho học sinh tiểu học vào thực tế có những thuận lợi sau: tiền là một vấn đề vô cùng thiết thực trong cuộc sống. Việc dạy về tiền sẽ giúp các em có thể tự tính toán những thứ mình đã xài, đặc biệt là những thứ mình tiết kiệm được, kích thích sự hứng thú của học sinh, học sinh dễ dàng tiếp nhận hơn...

Tuy nhiên, các tác giả cũng cho rằng nếu đưa chương trình vào dạy trong nhà trường sẽ gặp phải những khó khăn như: thiết kế dạy ngoại khóa nên thời gian trên lớp không nhiều, chỉ có thể lồng ghép vào một số bộ môn khác.

Ngoài ra, đặc thù học sinh theo từng khu vực khác nhau, sĩ số học sinh đông nên trong lúc ứng dụng giáo viên phải cực kỳ linh động...

Nhóm sinh viên dạy học sinh xài tiền - Ảnh 3.

PHƯƠNG NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên