Hình ảnh Thiện Nhân trong phim tài liệu Lửa thiện nhân - Ảnh: Đ.H.G. |
Không khó để đoán được những dòng nước mắt của người chưa biết, hay chỉ mới thoáng nghe tên cậu bé Thiện Nhân, vì rằng trong câu chuyện này, mọi chi tiết, mọi nhân vật đều có vẻ như phi thực tế.
Làm sao có thể tin một cậu bé sơ sinh bị bỏ rơi trong góc vườn, chưa được bú một giọt sữa mẹ, lại bị chó cắn mất một chân, mất bộ phận sinh dục lại có thể còn sống, có thể cất tiếng khóc gọi người đến cứu và cứ thế nghiễm nhiên trở thành một “chú lính chì dũng cảm”?
Làm sao có thể giải thích khi một người phụ nữ bé nhỏ, ốm yếu, đang phải vật lộn với cuộc mưu sinh và hai con trai của mình, sau khi thăm Thiện Nhân, đắn đo tìm cách giúp bé, đã quyết định quyết liệt: “Nhanh nhất là đón về với mình”?
Làm sao có thể lường được khi tin Thiện Nhân đã tìm được bác sĩ để tái tạo bộ phận sinh dục lan ra, hàng trăm bệnh nhân khác, vốn vẫn chìm trong im lặng, bỗng xuất hiện?
Làm sao có thể đoán được bác sĩ Roberto de Castro, bác sĩ tiết niệu hàng đầu thế giới với lịch phẫu thuật và những chuyến bay kín mít cả năm, lại vui vẻ gật đầu đồng ý đến Việt Nam, khám, phẫu thuật trong những phòng bệnh cũ kỹ, chật hẹp, đông đúc và không nhận thù lao?
Làm sao có thể tưởng tượng được Greig Craft (chủ tịch Quỹ phòng chống thương vong châu Á) và Na Hương, từ tình thương mà tình nguyện đồng hành với Thiện Nhân, đã sẵn lòng đồng hành cùng hàng trăm bệnh nhân khác, và giữa những mối tơ vò của bài toán “tiền đâu?” họ lại chỉ có một câu trả lời: “Tiếp tục”?...
Dẫn đi dẫn lại lời của bác sĩ Đinh Tuệ: “Có khi ông trời đã sắp đặt cả rồi”, đạo diễn thể hiện sự choáng ngợp của bản thân với câu chuyện bé Thiện Nhân và những tấm lòng thiện nhân, đan xen giữa nỗi đau, nước mắt, chịu đựng, nỗ lực và tình yêu thương, điều kỳ diệu như cổ tích.
Có lẽ cũng vì choáng ngợp mà đạo diễn đã chọn cách làm phim hiện thực thô mộc, giấu kín vai trò của mình, máy quay đi theo mạch diễn tiến thời gian, các nhân vật tự kể chuyện, tự giải thích bình luận, hành động, nhiều đoạn như phóng sự điều tra, nhiều đoạn tái hiện như phim tài liệu.
Có lẽ đó là cách nhanh nhất để thuyết phục người xem: đây là truyện cổ tích có thật.
Từ những giọt nước mắt xót xa, cảm phục, người xem sẽ nhận ra thêm một tầng ý nghĩa nữa bên dưới câu chuyện.
Ông trời không chỉ sắp đặt cho Thiện Nhân làm một gạch nối để những người như Mai Anh, Na Hương, Greig Craft, Roberto de Castro gặp nhau, chung nhau một tình yêu với cậu bé, cùng đồng hành một cách lặng lẽ trên hành trình khám phá, thử thách lòng bao dung của chính mình.
Ông trời cũng không chỉ mở ra từ Thiện Nhân cơ hội được sống đúng là mình, giải thoát các mặc cảm khó nói cho những người đồng cảnh khác.
Ông trời còn đã sắp sẵn cho mỗi người một tấm lòng thiện nhân và có thể một lúc nào đó, với một cơ hội nào đó, sẽ cháy bùng lên thành một “ngọn lửa thiện nhân” để làm nên những điều kỳ diệu. Có lẽ vì thế mà tên phim được đặt là Lửa thiện nhân chứ không chỉ là Thiện Nhân.
Nhiều gia đình rủ nhau đi xem Lửa thiện nhân vì cái tên của cậu bé Thiện Nhân và vì tính nhân văn của câu chuyện. Lửa thiện nhân đang lan tỏa và với những người làm phim, có lẽ không gì vui hơn thế. Nhưng phim, dẫu là phim hiện thực với cảm xúc thật, vẫn không thể theo kịp cuộc đời.
Người xem vẫn tiếc nuối vì những đoạn kể chuyện hơi thừa và hình ảnh dường như hơi thiếu, vẫn tiếc nuối vì phim đã không cập nhật kịp với sự phát triển câu chuyện.
Thiện Nhân nay đã là một học sinh lớp 4, đã biết chăm sóc mẹ Mai Anh và các anh trai như lời hứa của cậu khi vừa tỉnh cơn mê - đoạn phim tư liệu của gia đình đã lấy đi bao nhiêu nước mắt khán giả.
Hành trình Thiện Nhân đã có hàng ngàn bệnh nhân, bác sĩ Roberto đã sang Việt Nam lần thứ hàng chục, đợt khám phẫu thuật tiếp theo vào tháng 11-2015 đang được gấp rút chuẩn bị; Greig và Na Hương đã có một bé gái thật đáng yêu...
Hành trình Thiện Nhân vẫn tiếp tục và “lửa thiện nhân” thì đang được nhóm.
Phim Lửa thiện nhân do Hãng phim Oriental Pictures sản xuất, đạo diễn Đặng Hồng Giang, biên kịch Đặng Hồng Giang - Đoàn Tuấn, đang chiếu tại cụm rạp Ngọc Khánh (Hà Nội) và cụm rạp Tân Sơn Nhất (TP.HCM), từ ngày 15-10 đến 15-11 (mỗi ngày 5 suất; thứ bảy, chủ nhật 7 suất/ngày). Trước đó, bộ phim đã được chọn chiếu khai mạc tại Liên hoan phim độc lập ở New York 2014, được chọn làm đại diện phim Việt Nam trong chùm phim Panorama - Điện ảnh thế giới chọn lọc tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội 2014. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận