Anh Tùng bên khuôn đúc mặt trống đồng - Ảnh: Vũ Thủy |
Mỗi người với đam mê riêng đã dày công phục dựng, đi tìm lại những nét đẹp văn hóa vốn một thời ăn sâu vào tiềm thức của người dân đất Việt.
Nhiều người đã chọn cách khởi nghiệp, vào đời từ chính những đam mê của mình.
Giữa cái lạnh căm của mùa đông Kinh Bắc, những người thợ vẫn nhễ nhại mồ hôi bên những mẻ đồng nóng đỏ.
Từ cái bếp lò nhỏ của họ, những chiếc trống đồng Đông Sơn huyền thoại ra lò ở giữa thế kỷ 21, óng lên màu đồng tươi mới.
Trống xưa kia ở huyện nhà
Xưởng nhỏ chỉ vài trăm mét vuông, người nấu đồng, người đúc khuôn, người chạm khắc tạo những nét hoa văn tinh xảo mà mấy ngàn năm trước bàn tay tài hoa của những người thợ Việt từng kiến tạo.
Ngày này qua tháng nọ, những chiếc trống đồng dần thành hình. Người xem lặng nhìn, lòng rưng rưng khi biết rằng cách đây khoảng hơn 2.500 năm, chính tại nơi này từng có những bếp lò đỏ rực nung đất, nấu đồng để đúc nên những chiếc trống Đông Sơn tinh xảo, biểu tượng của một nền văn hóa Đông Sơn rực rỡ.
Lò đúc đồng duy nhất của cả vùng Đông Sơn là của anh Thiều Quang Tùng, người đã bỏ cả thời tuổi trẻ đi tìm chiếc trống đồng Đông Sơn.
Vóc người dong dỏng, đôi tay thoăn thoắt và ánh mắt tinh anh, anh tỉ mẩn thực hiện những động tác chạm khắc dứt khoát trên mặt trống bằng đất màu đen mun.
Anh kể cái duyên trống đồng đến với anh tự nhiên như hơi thở. Gia đình anh không có nghề truyền thống đúc đồng. Lúc anh còn nhỏ, thôn Nhật Thạch, xã Đồng Tiến, huyện Đông Sơn nơi anh sống có hai di chỉ khảo cổ học người ta về khai quật là Đồng Ngầm, Đồng Vưng. Đây là hai di chỉ có tên trên bản đồ khảo cổ thế giới.
Anh vẫn còn nhớ rõ hai đợt khai quật ấy diễn ra vào năm 1975 và 1978, nhiều nhà khảo cổ trong đoàn đã ở nhờ ngay trong nhà anh.
Ngoài giờ học anh lại long nhong theo các nhà khoa học đến các di chỉ, tha hồ ngắm nghía và nghe câu chuyện về trống đồng của các nhà khảo cổ.
Anh từng tận mắt nhìn thấy những chiếc trống đồng được khai quật. Không còn chiếc nào nguyên vẹn mà đã vỡ nát hết nhưng những hoa văn tinh xảo vẫn còn rõ nét.
Lúc đó trong lòng đứa trẻ nhỏ 10 tuổi đã biết tiếc nuối.
Đến khi lớn lên, nghe chỗ nào có cổ vật anh đều tìm xem và bắt đầu tập tành sưu tập từ đồ đá, đồ gốm, đồ đồng. Rồi anh nghĩ đến những chiếc trống đồng, manh nha một ý định tưởng như điên rồ là nhóm lửa những lò đúc đồng.
Vì gia đình không có nghề đúc nên anh đi học nghề đúc đồng để từ đó ứng dụng vào đúc trống.
“Ban đầu chỉ cố đúc cho nó thành hình, nay hỏng chỗ này, mai mất chỗ kia nhưng đúc hết cái này đến cái khác cũng giúp mình hoàn thiện dần. Hôm trước trống toang hoác một mảng, hôm sau thì vết hở nhỏ hơn” - anh nhớ.
Gian nan như vậy nhưng mọi thứ tự nhiên có một sức hút, thôi thúc anh chinh phục, cứ muốn làm cho tròn trịa.
Anh đúc được thành hình rồi bắt đầu tìm cách làm họa tiết hoa văn. Mày mò, rị mọ, đúc hỏng không biết bao nhiêu cái để rồi sau sáu năm trời anh cũng hoàn thành trọn vẹn quy trình đúc.
Anh không nhớ mình đã đi xem bao nhiêu cái trống cổ còn lưu tại các bảo tàng để tìm hiểu xem thực tế các cụ đúc như thế nào, vị trí, cách làm khuôn, rót đồng ra làm sao. Khi hoàn thành quy trình, anh đúc cái đầu tiên rồi công bố.
Các nhà nghiên cứu nghe có người đúc được trống đồng Đông Sơn đã tìm về xem.
Chiếc trống đồng với hoa văn tinh xảo trong phòng khách nhà anh Tùng - Ảnh: V.TH. |
Thổi hồn cho trống
Bắt đầu học nghề năm 1988 lúc 19 tuổi cho đến năm 1994 khi bắt tay vào đúc cái trống đầu tiên, anh chưa bao giờ tưởng tượng được là sẽ có lúc người ta đặt mua trống của anh.
“Lúc đó chỉ duy nhất là đam mê nên mình làm. Đến đại lễ ngàn năm Thăng Long, ban tổ chức đặt tôi làm 100 trống. Đó là cơ hội đầu tiên để tôi khẳng định nghề nghiệp của mình” - anh Tùng nhớ lại.
Khu lò đúc của anh chỉ gần 100m2, ngổn ngang đất sét, trấu, đồng và một cái lò nung rực lửa. Một người thợ đang hì hục đắp khuôn. Anh chỉ vào một bạt đất bảo đây là đất sét đặc biệt, đất sét này sẽ nghiền ra trộn trấu đắp thành khuôn.
Người ta đặt cái trống bao nhiêu phân thì đắp một cái khuôn, sau đó bồi thêm lớp đất đặc biệt để làm hoa văn. Lớp đất này vừa chịu nhiệt vừa phải đủ mịn để vẽ hoa văn. Cách pha chế đất này cũng rất cầu kỳ, nếu làm không chuẩn thì khi đổ đồng sẽ tạo ra những lỗ khí.
Sau khi đắp xong, khuôn thân trống được bổ đôi ra vẽ khắc hoa văn, đem nung chín rồi ráp lại, sau đó nấu đồng đổ vào. Hai nửa trống khi ghép lại tạo ra cái gân.
Lượng đồng bao nhiêu phần trăm, phụ liệu bao nhiêu phần trăm cũng là công thức mà anh mày mò nhiều năm.
Chính vì kỳ công như vậy nên người ta càng trân trọng sản phẩm của anh. Cái xưởng nhỏ với tiếng đục chạm khắc và lò nung đỏ lửa giờ là cuộc sống của anh.
Anh Tùng luôn cẩn trọng, tỉ mỉ trong quá trình chế tác, tuyệt đối không sáng tác thêm. Anh tìm đọc tư liệu nghiên cứu về trống đồng, tìm xin những bản cà hoa văn do các họa sĩ đã vẽ lại từ những mẫu vật trống đồng cổ.
Có nhiều người cũng đúc trống nhưng không hiểu được rằng giá trị của trống là ở chính những hoa văn, khi họ vẽ thì hoa văn trên mặt là của loại trống này, hoa văn dưới thân lại là của loại trống khác. Riêng anh Tùng lại cần mẫn tích lũy cho mình kiến thức về hoa văn trên mỗi loại trống đồng, chúng phản ánh một giai đoạn lịch sử khác nhau.
Trống Hoàng Hạ thể hiện cảnh giao chiến, đánh nhau với cảnh người đang bắt tù binh, người cầm cung tên để bắn. Trống đồng Quảng Xương chỉ có cảnh chèo thuyền và người múa là bối cảnh hòa bình. Trống Sông Đà lại thể hiện cảnh đua thuyền, lễ hội.
Khởi nguồn từ đam mê, anh Tùng được rất nhiều trường học và bảo tàng tin tưởng giao đúc những chiếc trống cho sinh viên làm mẫu vật nghiên cứu và để người dân tham quan.
Trống anh đúc cho Trường ĐH Huế, ĐH KHXH&NV TP.HCM khi giao trống, các giáo sư rất kỹ tính, đếm từng con chim hạc, đếm từng cánh sao trên trống đồng.
... Những ngày đầu mới bắt tay nuôi đam mê, không có tiền bạc, người thân quen ai cũng cho rằng anh theo đuổi công việc viển vông nên không dám cho vay mượn. Người nhà thì bảo cả nước Việt Nam người ta có nghề truyền thống còn chẳng làm được, mình lại cứ lao vào.
Cùng với đam mê, nay kinh tế gia đình anh dần phục hồi nhờ những đơn đặt hàng khắp mọi nơi. Hàng chục người thợ trong xưởng của anh quanh năm đều có việc làm, có năm làm không hết hàng, gối sang năm sau.
Những ngày đầu trống Đông Sơn của anh chỉ có hình dáng, hoa văn của Đông Sơn. Nay anh Tùng đã mày mò tìm công thức để trống có thể ngân vang như tiếng trống trận, tiếng trống hiệu triệu của các thủ lĩnh Lạc Việt xưa kia.
___________
Kỳ tới: Ngàn năm áo mũ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận