Ngoại trưởng các nước G7 đứng giãn cách khi chụp hình chung trước cuộc họp ngày 4-5 ở London, Anh - Ảnh: REUTERS
Hãng tin Reuters của Anh mô tả thông cáo chung công bố ngày 6-5 là "một sự gắt gỏng" của nhóm G7 đối với Nga và Trung Quốc. Nhóm các nước gồm Mỹ, Anh, Pháp, Ý, Nhật Bản, Đức và Canada cũng bày tỏ sự ủng hộ với Ukraine và vùng lãnh thổ Đài Loan.
Thông cáo nhấn mạnh G7 sẽ thúc đẩy các nỗ lực tập thể nhằm ngăn chặn "các chính sách kinh tế mang tính cưỡng ép" của Trung Quốc và chống lại thông tin sai lệch của Nga. Theo Reuters, đây là một phần trong nỗ lực của phương Tây nhằm mở rộng các hành động tập thể đối đầu Trung Quốc và Nga, với G7 giữ vị trí cốt lõi.
Bản thông cáo chung dài 12.400 chữ khẳng định G7 ủng hộ Đài Loan tham gia các diễn đàn quốc tế, bao gồm Tổ chức Y tế thế giới và Đại hội đồng Y tế thế giới. Các ngoại trưởng G7 cũng bày tỏ lo ngại về "bất kỳ hành động đơn phương nào có thể làm leo thang căng thẳng" ở eo biển Đài Loan.
Trung Quốc xem Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và phản đối bất kỳ sự giao thiệp nào giữa các nước với Đài Bắc. Chính quyền Bắc Kinh cũng tuyên bố CHND Trung Hoa là đại diện hợp pháp duy nhất của Trung Quốc tại các tổ chức quốc tế, phản đối sự có mặt của Đài Loan với tư cách ngang hàng các quốc gia khác.
"Thay vì phản ứng đầy giận dữ, Trung Quốc nên tự xem lại mình và xem xét (vì sao) luồng quan điểm chống họ ngày một tăng", Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nêu quan điểm.
Về phía Nga, G7 cũng ủng hộ Ukraine nhưng đưa ra những lời lẽ không rõ ràng. "Chúng tôi lo ngại sâu sắc rằng hành vi vô trách nhiệm và gây bất ổn của Nga sẽ tiếp diễn", các ngoại trưởng G7 đặt vấn đề.
"Điều này bao gồm việc tập trung các lực lượng quân sự của Nga ở biên giới Ukraine và ở Crimea bị sáp nhập bất hợp pháp, các hoạt động thâm độc của họ nhằm phá hoại hệ thống dân chủ của các quốc gia khác, những hành vi ác ý của họ trên không gian mạng và chiến dịch sử dụng thông tin sai lệch", thông cáo chung chỉ rõ.
Dù có quy mô kinh tế và tiềm lực quân sự gộp lại lớn hơn Trung Quốc và Nga, các nước phương Tây đang phải vật lộn tìm đối sách với Bắc Kinh và Matxcơva.
"Chúng tôi sẽ làm việc cùng nhau để thúc đẩy khả năng phục hồi kinh tế toàn cầu trước các chính sách và hành xử mang tính ép buộc, độc đoán trong kinh tế", các bộ trưởng G7 ám chỉ Trung Quốc.
Hãng tin Reuters nhận định mặc dù thông cáo chung rất dài, G7 lại đề cập rất ít hành động cụ thể "đủ khiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hoặc Tổng thống Nga Vladimir Putin lo lắng".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận