NSND Chu Hoạch, NSND Thanh Hoài, NSƯT Thanh Bình (từ phải sang) cùng bẻ làn, nắn điệu bài thơ Lời ru con cò biển của Nguyễn Duy theo điệu cò lả - Ảnh: Đức Triết |
Bà bảo không phải là cuộc chơi sao khi tất cả đều tự nguyện bẻ làn, nắn điệu... để thơ Nguyễn Duy đi vào nhạc cổ, nhạc cổ quyện lấy thơ Nguyễn Duy, chứ nào có vì chút tư lợi của riêng ai?
Thật ra không phải đến bây giờ mà từ xa xưa, cuộc gặp gỡ nên duyên của thơ và nhạc vốn là mối tương phùng trăm năm. Ấy như thể hát nói của ca trù được hoàn thiện từ thơ Nguyễn Công Trứ; thể hát xẩm, hát ả đào phong phú với thơ của Nguyễn Khuyến, Tản Đà, Á Nam Trần Tuấn Khải; những bài bản cổ điển của ca Huế thì có đóng góp của tác gia Ưng Bình Thúc Giạ Thị...
Cũng giống như bao cuộc gặp gỡ tiền bối chỉ có điều: “Xẩm ngọng, lời ru, tre xanh có gần đủ cả một nền ca nhạc cổ truyền đồng hành tâm sự cùng những vần thơ của một thi sĩ đương đại và mang những xúc cảm của thời cuộc này” - NSND Chu Hoạch nói.
Thế là, trải chiếu, người đàn, người hát. Mười bốn bài thơ của Nguyễn Duy: Khúc dân ca, Tre Việt Nam, Ru con Bắc bộ, Về làng, Thơ tặng người xa xứ, Thật thà, Xẩm ngọng, Tổ quốc nhìn từ xa, Cỏ dại, Vũ điệu cây, Lời ru con cò biển... nhịp nhàng rót vào lòng người theo những giọng hát, tiếng đàn được liệt vào khuôn vàng thước ngọc của NSND Thanh Hoài, NSND Chu Hoạch, NSND Minh Gái, NSƯT Thanh Bình... cùng tiếng đọc thơ đầy cảm xúc của chính tác giả.
Rằng thì: “Xứ sở thông minh/ sao thật lắm trẻ con thất học/ lắm ngôi trường xơ xác đến tang thương/ Tuổi thơ oằn vai mồ hôi nước mắt/ tuổi thơ còng lưng xuống chiếc bơm xe đạp/ tuổi thơ bay như lá ngã tư đường...” (Tổ quốc nhìn từ xa).
Nhưng rõ ràng, phần lớn các bài thơ đều ở thể lục bát ngọt ngào vần điệu và đã được các nghệ sĩ bẻ làn, nắn điệu theo điệu trống quân, ru con, chầu văn, ca trù, xẩm, cò lả, hát chèo và cả tuồng cổ mà sao câu chữ Nguyễn Duy cứ khúc khuỷu, bổng trầm như thể cõi lòng nhân gian vậy.
Thế nên, nghệ sĩ đang trình diễn, khán giả cũng vỗ tay - một thể biểu cảm không phải là lịch sự trong không gian nghệ thuật đầy lắng đọng ấy nhưng vẫn được chấp nhận.
Rồi thì, có người khe khẽ đọc thơ theo, hát theo, đưa nhịp theo. Vì vậy, cuộc chơi trở thành tĩnh mà không tĩnh, động mà không động - cứ thế cuốn đi theo cảm xúc đầy vơi...
“Tôi trân trọng những tâm huyết của các “ca sư” (nhà thơ gọi các nghệ sĩ như thế). Không có sự ép uổng nào ở đây cả mà đều ngẫu nhiên, tình cờ từ chính tình yêu thơ của họ. Và không phải là thơ dẫn nhạc cổ mà là nhạc cổ đang dẫn thơ đương đại đến với công chúng. Nhưng, tôi thấy tiếc, thấy lo. Các nghệ sĩ đều già (như tôi) - trẻ nhất cũng gần 60. Mươi năm nữa, họ đi xa thì còn ai chăm bẵm cho nhạc cổ và thơ đây?” - nhà thơ Nguyễn Duy bộc bạch.
Sau “Tiếng trúc tiếng tơ”, “Tố nữ dân ca” cũng tại L’Espace, nhóm Đông kinh cổ nhạc Hà thành lại làm nức lòng người yêu nhạc cổ như thế đấy. Không chỉ vậy, gần năm qua, cứ vào tối thứ sáu của tuần thứ hai hằng tháng, các nghệ sĩ lại đàn, hát với “Chuyện nhạc phố cổ” ở rạp Sán Nhiên Đài xưa, nay là Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ (50 Đào Duy Từ).
Điều kỳ lạ là đều ở U-60, 70 - lúc “sang” thì chung nhau đi taxi, lúc “bi bí” thì phóng xe máy gần chục cây số để đến điểm diễn không tài trợ, khó bán vé mà chẳng ai thấy mỏi, thấy mệt. Tất cả vẫn là nụ cười ấy, ánh mắt ấy, giọng hát ấy và niềm say mê ấy...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận