27/12/2017 19:04 GMT+7

Nhóm đánh bom sân bay Tân Sơn Nhất lãnh án nặng

TUYẾT MAI  - ÁI NHÂN
TUYẾT MAI - ÁI NHÂN

TTO - Ngày 27-12, Tòa án Nhân dân TP.HCM đã tuyên án đối với các bị cáo trong nhóm khủng bố tại sân bay Tân Sơn Nhất và đốt kho xe vi phạm của công an TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Nhóm đánh bom sân bay Tân Sơn Nhất lãnh án nặng - Ảnh 1.

Bị cáo Nguyễn Đức Sinh (trước) cầm đầu vụ đốt kho xe vi phạm tại Đồng Nai - Ảnh: DUYÊN PHAN

Theo Hội đồng xét xử (HĐXX), năm 1991, tại Mỹ một số nhóm phản động lưu vong người Việt Nam do Đào Minh Quân thành lập đã tổ chức đại hội lập ra tổ chức phản động "Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời" sử dụng các trang web, hộp thư điện tử, blog... với ý định xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, lật đổ Nhà nước CHXHCN Việt Nam bằng phương pháp bạo động vũ trang.

Truy nã đối tượng cầm đầu, chỉ đạo khủng bố qua Facebook

Sau một thời gian bị suy yếu, cuối năm 2013, Đào Minh Quân cùng đồng bọn ở nước ngoài đã khôi phục hoạt động của tổ chức, lôi kéo, cấu kết với Phạm Anh Đào (còn gọi là Phạm Lisa) và một số đối tượng khác thông qua mạng xã hội tăng cường lôi kéo, tập hợp thành lập các nhóm vũ trang nhằm khủng bố, ám sát cán bộ, phá hoại các mục tiêu, công trình trọng điểm trong nước, chủ trương chế tạo bom xăng, bom khói để sử dụng trong các cuộc biểu tình để từ đó vu cáo lực lượng chức năng đàn áp người biểu tình, tấn công trụ sở công an phường, xã, mua sắm vũ khí để ám sát cán bộ, đảng viên.

Để thực hiện kế hoạch, Phạm Lisa đã kết nối với nhiều đối tượng tại Việt Nam thông qua mạng xã hội để làm "cơ sở nội địa" tăng cường lôi kéo, phát triển lực lượng, thành lập các nhóm vũ trang. 

Cụ thể, qua mạng xã hội, Phạm Lisa kết nối với Nguyễn Đức Sinh, Đặng Hoàng Thiện và một số bị cáo khác trong vụ án tham gia vào các nhóm phản động. Các nhóm này đã bàn bạc, lên kế hoạch, thực hiện một số vụ khủng bố, trong đó có vụ kích nổ bom tại sân bay Tân Sơn Nhất, đốt kho xe vi phạm của công an TP Biên Hòa.

Trích xuất nội dung trao đổi trên Facebook của các bị cáo cho thấy các bị cáo có trao đổi, nói xấu, bôi nhọ, xuyên tạc Đảng và Nhà nước Việt Nam, đồng thời thông qua mạng xã hội này bàn bạc, trao đổi, nhận sự chỉ đạo của Phạm Lisa để thực hiện một số hoạt động khủng bố.

Các đối tượng Đào Minh Quân và Phạm Lisa là những đối tượng cầm đầu đã bị Bộ công an nước CHXHCN Việt Nam truy nã.

Nhóm đánh bom sân bay Tân Sơn Nhất lãnh án nặng - Ảnh 2.

Bị cáo Đặng Hoàng Thiện chế tạo bom xăng và bom điều khiển từ xa lãnh mức án cao nhất - Ảnh: DUYÊN PHAN

Bàn bạc, lên kế hoạch khủng bố

Về vụ đốt kho xe vi phạm tại Đồng Nai, HĐXX nhận định: trong thời gian tháng 4-2017, tại nhà của Vũ Mộng Phong ở TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, Sinh và đồng phạm đã bàn bạc, lên kế hoạch chuẩn bị công cụ, phương tiện, chế tạo bom xăng để đốt kho xe vi phạm số 1 của công an TP Biên Hòa. 

Sau đó, Phong thay đổi lời khai không thừa nhận hành vi nhưng lời khai này không có căn cứ vì thời gian này Phong thường xuyên có mặt ở nhà, các bị cáo khác tập trung ở nhà Phong chuẩn bị kế hoạch khủng bố.

Về vụ đánh bom sân bay Tân Sơn Nhất, ngoài lời khai của các bị cáo tham gia đánh bom, trước đó, Thiện và Vy đã bàn bạc về việc đặt bom ở đây, sự việc có Phương chứng kiến. Khi quả bom số 1 không nổ, Thiện và Vy đã kích nổ quả bom số 2, điều này cho thấy các bị cáo thực hiện tội phạm đến cùng.

Bị cáo Chung ban đầu thừa nhận mình có gặp và đưa cho Đặng Hoàng Thiện 23 triệu đồng nhưng không thừa nhận mình là "hậu cần" cho các đối tượng để thực hiện hành vi khủng bố. Nhưng sau đó, Chung khai không sử dụng Facebook, không nhận đưa tiền cho Thiện. 

Tuy nhiên, dựa vào lời khai của các nhân chứng, lời khai của chồng bị cáo Chung cho thấy Thiện là người tạo tài khoản Facebook cho Chung để Chung tham gia vào các nhóm phản động.

Nhóm đánh bom sân bay Tân Sơn Nhất lãnh án nặng - Ảnh 3.

Bị cáo Nguyễn Thị Chung (trước) và Ngô Thụy Tường Vy (sau) được dẫn giải đến tòa - Ảnh: DUYÊN PHAN

Các bị cáo Cường, No, Vương, Thế thừa nhận hành vi nhưng trước khi thực hiện hoạt động khủng bố đã bị cơ quan chức năng phát hiện, ngăn chặn kịp thời.

Theo quy định, tội Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân có cấu thành hình thức, xét về hành vi các bị cáo trao đổi, bàn bạc, lên kế hoạch khủng bố đã đủ cấu thành tội phạm. 

Tại tòa, một số bị cáo khai khác hoặc không thừa nhận hành vi phạm tội nhưng đối chiếu với lời khai của người làm chứng, lời khai tại cơ quan điều tra, biên bản khám nghiệm hiện trường và các tài liệu, chứng cứ thu thập được trong hồ sơ vụ án đã đủ cơ sở kết luận các bị cáo phạm tội như nêu trên.

Hành vi của các bị cáo đã xâm phạm đến tính mạng công dân, xâm phạm an ninh quốc gia. Việc hậu quả không xảy ra là nằm ngoài ý muốn của các bị cáo mà do sự cảnh giác cao độ của cơ quan chức năng Việt Nam.

Phương biết kế hoạch của Thiện và đồng phạm nhưng chỉ phản đối chứ không tố cáo với cơ quan chức năng nên đã phạm tội Không tố giác tội phạm.

Từ đó, Tòa đã tuyên án như sau:

Nhóm bị cáo phạm tội Khủng bố:

Đặng Hoàng Thiện: 16 năm tù và phạt quản chế 5 năm.

Nguyễn Đức Sinh: 10 năm tù, phạt quản chế 3 năm.

Ngô Thụy Tường Vy: 11 năm tù, phạt quản chế 3 năm.

Thái Hàn Phong: 14 năm tù, phạt quản chế 5 năm.

Nguyễn Thị Chung: 12 năm tù, phạt quản chế 5 năm.

Các bị cáo: Nguyễn Ngọc Tiền 11 năm tù, Vũ Mộng Phong 8 năm tù, Bùi Công Thành 8 năm tù, Đoàn Văn Thế 7 năm tù, Hùng Văn Vương 6 năm tù, Trần Văm No 6 năm tù, Lê Hùng Cường 5 năm tù, Trần Quốc Lượng 5 năm tù, Trương Tấn Phát 5 năm tù, Hoàng Văn Dương 4 năm tù.

Đồng thời các bị cáo đều bị phạt quản chế 3 năm.

Riêng Lê Thị Thu Phương có mức án 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội Không tố giác tội phạm.

TUYẾT MAI - ÁI NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên