Dễ ngừng tim sớm
Ngày 15-2 (mùng 6 Tết), khoa cấp cứu Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận bệnh nhân nữ 75 tuổi vào viện trong tình trạng ngưng tim, mạch, huyết áp không đo được, đồng tử hai bên giãn 4mm, phản xạ ánh sáng âm tính.
Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, trước khi vào viện 1 giờ bệnh nhân đột ngột khó thở, được người nhà đưa vào viện cấp cứu.
Bệnh nhân được tiến hành hồi sinh tim phổi nâng cao, bóp bóng, ép tim ngoài lồng ngực khẩn trương, sốc điện, kết hợp hồi sinh tim phổi tích cực, sau lần sốc điện thứ 3 tim mới đập trở lại. Sau đó, bệnh nhân tiếp tục được điều trị tích cực và tìm nguyên nhân.
Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân nhồi máu phổi, trạng thái sau hồi sinh tim phổi do suy hô hấp, huyết khối động mạch phổi, hạ kali máu. Bệnh nhân được chuyển khoa hồi sức tích cực nội khoa, điều trị tích cực tại khoa hồi sức tích cực theo phác đồ chống đông, hỗ trợ hô hấp tích cực, bảo vệ thần kinh.
Sau 1 ngày bệnh nhân đã tỉnh hoàn toàn, không có tổn thương thần kinh khu trú, toàn trạng ổn định, đỡ khó thở. Hiện bệnh nhân đang được theo dõi tại Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Bác sĩ Phạm Quang Trình, khoa cấp cứu Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết tắc động mạch phổi hay thường gọi là nhồi máu phổi là một bệnh lý hết sức nặng nề, thường dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời, xảy ra khi một phần mô phổi chết do nguồn cung cấp máu cho nó bị tắc nghẽn.
Tùy thuộc vào kích thước và vị trí, triệu chứng của nhồi máu phổi có thể khác nhau ở mỗi người. Khi nhồi máu phổi xảy ra, bệnh nhân cần được đánh giá và điều trị tích cực. Mặc dù có nhiều biện pháp điều trị khá tích cực hiện nay nhưng tỉ lệ tử vong chung ở bệnh nhân nhồi máu phổi vẫn khoảng 20 - 30%.
Theo GS.TS Lê Ngọc Thành - nguyên giám đốc Bệnh viện E, nhồi máu phổi là bệnh nặng nhất, một trong những nguyên nhân chính của tử vong trong các bệnh lý tim mạch. Tỉ lệ tử vong sớm của bệnh lên tới 15%, cao hơn nhồi máu cơ tim cấp.
Dễ chẩn đoán nhầm và đang gia tăng trong giới trẻ
Bác sĩ Trình cho biết nhồi máu phổi trước đây thường gặp ở những bệnh nhân lớn tuổi có bệnh đi kèm, đặc biệt là bệnh tim mạch cùng tồn tại và bệnh ác tính tiềm ẩn, nhưng ít gặp ở người trẻ và khỏe mạnh.
Tuy nhiên, những năm gần đây tỉ lệ nhồi máu phổi ở người trẻ đang gia tăng, có liên quan tới lối sống như ít vận động, hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, thuốc tránh thai...
Các dấu hiệu đặc trưng của nhồi máu phổi: hụt hơi, khó thở, đau ngực, ho kéo dài, kèm theo máu hoặc đờm, rối loạn nhịp tim, cảm thấy choáng váng và chóng mặt, đổ mồ hôi đầm đìa, sốt, đau tức ở bắp chân, da đổi màu xanh tím, sốc tim.
Theo GS Thành, nhồi máu phổi là sự tắc nghẽn động mạch phổi hoặc một trong các nhánh chính của nó. Nguyên nhân hàng đầu là do cục máu đông từ xa di chuyển tới (trên 90%).
Nguyên nhân do tổn thương thành mạch, dòng máu di chuyển chậm và tăng đông - đó là những điều kiện thuận lợi làm tăng khả năng hình thành huyết khối trong lòng mạch và di chuyển đến động mạch phổi gây nhồi máu phổi.
60 - 70% bệnh nhân nhồi máu phổi biểu hiện triệu chứng kinh điển là đau ngực với kiểu đau "viêm màng phổi" và chẹn ngực, đôi khi kèm với ra nhiều mồ hôi, sợ hãi, nhịp tim nhanh, xanh tím…
Đặc biệt, bệnh có những triệu chứng dễ bị chẩn đoán nhầm: 50% đau chân hoặc chân sưng to; ho ra máu (khoảng 10%); nhịp tim nhanh (nhịp nhanh xoang hoặc rung nhĩ); đau thắt ngực (đau bên phải do tăng công thất phải và thiếu oxy máu); ngất (do cung lượng tim giảm tạm thời)…
Bác sĩ Hà Thế Linh, khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ, nhấn mạnh nhồi máu phổi khá thường gặp tuy nhiên khó chẩn đoán vì triệu chứng cơ năng và thực thể không đặc hiệu, dễ bị chẩn đoán nhầm với các bệnh như:
Viêm phổi hoặc viêm phế quản phổi, hen phế quản, đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nhồi máu cơ tim, phù phổi, lóc động mạch chủ, tăng áp lực động mạch phổi nguyên phát, tràn khí màng phổi, viêm sụn sườn...
Người có yếu tố nguy cơ cần phát hiện và điều trị sớm
Các chuyên gia cho biết nhồi máu phổi nếu được điều trị sớm có thể khỏi dứt điểm. Nhưng nếu phát hiện muộn, bệnh nhân có thể gặp phải những biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng.
Vì thế, nếu cơ thể có các dấu hiệu bất thường nên đi khám càng sớm càng tốt, đặc biệt là những người có yếu tố nguy cơ: sau phẫu thuật phải nằm bất động lâu, chấn thương chi dưới, chấn thương cột sống, béo phì, tuổi cao, uống thuốc tránh thai, thai kỳ, hậu sản, ung thư và điều trị ung thư, tai biến mạch máu não, điện cực máy tạo nhịp, hút thuốc lá, di chuyển máy bay đường dài, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bị bệnh nội khoa, phụ nữ mang thai, đối tượng hạn chế đi lại...
Các triệu chứng lâm sàng điển hình của bệnh nhồi máu phổi như:
- Khó thở, chóng mặt (đây là triệu chứng phổ biến nhất, bệnh tiến triển khá nhanh và người bệnh có nguy cơ tử vong cao. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng khoảng 17% bệnh nhân bị ngất có cục máu đông trong phổi);
- Đau ngực khi hít thở thật sâu;
- Ho ra máu kèm với cả dịch nhầy.
Ngoài ra còn gặp các triệu chứng khác như: lo sợ, ho khan, ho máu, toát mồ hôi, tim đập nhanh, tĩnh mạch cổ nổi, huyết áp giảm, sốc, ngất... Bệnh nhân có thể bị đau ngực kéo dài từ vài phút đến vài giờ. Bệnh nhân có thể cảm thấy choáng váng và mất ý thức, da trở nên xanh tái, nôn mửa...
Để phòng tránh tình trạng nhồi máu phổi: Không nằm hoặc ngồi quá lâu, nên thường xuyên vận động; Duy trì mức cân nặng hợp lý; Nên mặc quần áo thoải mái, không quá bó sát để tránh tình trạng máu không lưu thông; Không hút thuốc; Uống thuốc theo sự chỉ định của bác sĩ, không tự ý mua thuốc để điều trị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận